Làm gì để hết án oan?

Chiều 10/8, TAND thành phố Thái Bình tuyên buộc TAND tỉnh này phải bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi số tiền gần 23 tỷ đồng. Ảnh: Bảo Thắng
Chiều 10/8, TAND thành phố Thái Bình tuyên buộc TAND tỉnh này phải bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi số tiền gần 23 tỷ đồng. Ảnh: Bảo Thắng
TP - Gần đây, thông tin về nhiều vụ án đã được minh oan hoặc đang hàm oan thu hút sự quan tâm của xã hội. Báo Tiền Phong nhìn lại các vụ án oan điển hình, với mong muốn góp phần tìm ra giải pháp hạn chế, tiến tới triệt tiêu án oan trong hoạt động tố tụng hình sự.

Kỳ 1: Bước đột phá

Từ năm 2002, Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đặt vấn đề phải cải cách tư pháp ngang tầm với đòi hỏi của thực tiễn. Đến năm 2005, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị một lần nữa yêu cầu thực hiện cải cách tư pháp sâu rộng, toàn diện. Đó là những bước đột phá lớn để hiện thực hóa các quy định của pháp luật đảm bảo tránh oan, sai trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự.

Ba loại án oan

Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) ban hành năm 1988, sửa đổi, bổ sung toàn diện năm 2003. Trong Bộ luật TTHS hiện hành, có quy định chặt chẽ, chi tiết quyền và nghĩa vụ của người bị tình nghi phạm tội, bao gồm: người bị bắt; người bị tạm giữ, tạm giam; bị can; bị cáo. Tuy nhiên, khái niệm “người bị oan” chưa được định nghĩa, quyền lợi của họ chưa được quy định. Điều đó đồng nghĩa còn thiếu các điều luật xác định rõ nghĩa vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm khôi phục quyền công dân, xin lỗi, bồi thường cho “người bị oan”.

Trong Bộ luật TTHS 2003, thuật ngữ “người bị oan” được nêu khá chung chung tại Điều 29: “Người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động TTHS gây ra có quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi. Cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động TTHS đã làm oan phải bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị oan; người đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”.

Theo Điều 107 Bộ luật TTHS, có thể tạm chia ra 3 loại án oan. Thứ nhất, người bị oan không thực hiện hành vi phạm tội, điển hình là trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Thứ hai, người bị oan có thực hiện hành vi, nhưng hành vi đó không cấu thành tội phạm, điển hình là trường hợp ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình. Thứ ba, đã hết thời hạn điều tra nhưng không thu thập đủ chứng cứ chứng minh người bị tình nghi đã thực hiện hành vi phạm tội.

Cơ chế giải oan

Về cơ chế giải oan, Điều 10 Bộ luật TTHS quy định: “CQĐT, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo”.

Tuy nhiên, các điều luật cụ thể về thu giữ vật chứng, nhận dạng, đối chất, giám định, đánh giá chứng cứ… lại không nêu thế nào là “chứng cứ xác định vô tội”. Điều 164 Bộ luật TTHS nêu khá chung chung “Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm” thì phải đình chỉ điều tra (thiếu quy định “phải lập tức đình chỉ điều tra, khôi phục danh dự, quyền lợi cho bị can, nếu có chứng cứ xác định vô tội”).

Theo người viết bài này, trong việc sửa đổi, bổ sung toàn diện Bộ luật TTHS lần này (bản dự thảo đang được trình Quốc hội), cùng với việc bổ sung nguyên tắc “suy đoán vô tội”, cần bổ sung các quy định về “người bị oan” và cơ chế minh oan, bồi thường cho người bị oan.

Đột phá

Dễ nhận thấy hàng loạt vụ án đã được minh oan hoặc có dấu hiệu hàm oan, được công luận và dư luận xã hội gần đây đặc biệt quan tâm (vụ án Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, vụ án Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, vụ án Trần Văn Vót ở Thái Bình…), việc làm oan thường diễn ra trước năm 2005, và việc minh oan diễn ra sau năm 2005.

Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị chính là bước đột phá, tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, thúc đẩy hoạt động tố tụng đi đúng hướng, chấn chỉnh những lệch lạc, yếu kém, kiểu như “bắt nhầm hơn bỏ sót”, “trọng cung hơn trọng chứng”, “án tại hồ sơ”, “án bỏ túi”.

Mốc thời gian 2005 có gì đặc biệt trong hoạt động TTHS? Đó chính là việc Đảng và Nhà nước ta thực hiện cải cách tư pháp sâu rộng, toàn diện, khởi đầu từ Nghị quyết số 08 ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị. Nghị quyết này thẳng thắn nhận định “Chất lượng công tác tư pháp nói chung chưa ngang tầm với yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân, còn nhiều trường hợp bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội, vi phạm các quyền tự do, dân chủ của công dân, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan tư pháp”.

Nghị quyết 08 đặt ra nhiều yêu cầu cụ thể nhằm chống làm oan. Trong đó, Nghị quyết 08 đặt ra yêu cầu với Tòa án: “Thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, của người bào chữa… để ra bản án”.

Đông đảo chuyên gia pháp luật nhận định Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị chính là bước đột phá, tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, thúc đẩy hoạt động tố tụng đi đúng hướng, chấn chỉnh những lệch lạc, yếu kém, kiểu như “bắt nhầm hơn bỏ sót”, “trọng cung hơn trọng chứng”, “án tại hồ sơ”, “án bỏ túi”.

Sau khi có Nghị quyết 08, Ủy ban TVQH đã ban hành Nghị quyết 388 “Về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền  trong hoạt động TTHS gây ra” (17/3/2003), tiếp đến Quốc hội đã thông qua Bộ luật TTHS được sửa đổi, bổ sung toàn diện (26/11/2003). Để đi vào đời sống, các văn bản pháp luật quan trọng này cần có thêm văn bản hướng dẫn, vì vậy từ năm 2005, hoạt động tư pháp nói chung, hoạt động TTHS nói riêng, mới có những đổi mới mạnh mẽ.

Đẩy mạnh cải cách tư pháp, ngày 2/6/2005, Bộ Chính trị ban hành tiếp Nghị quyết số 49, với những định hướng cụ thể: “Hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người”; “Tổ chức các cơ quan tư pháp (…) trong đó xác định tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm”; “Phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, của công luận và của nhân dân đối với hoạt động tư pháp”. Dễ nhận thấy các định hướng này đã được cụ thể hóa trong Hiến pháp 2013, và tiếp tục được quy định chặt chẽ hơn trong việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS lần này.   

MỚI - NÓNG