Ngày 28/12, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Tại hội nghị trên, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để giảm ùn tắc.
Số phương tiện tăng quá nhanh
Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2015 mặc dù số vụ, số người chết do tai nạn giao thông giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong cả năm, toàn quốc đã xảy ra 22.404 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.671 người, làm bị thương 20.556 người. Cùng với đó, tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là ở một số thành phố lớn diễn ra phức tạp.
Để giải quyết tình trạng trên, tại Dư thảo phát triển kinh tế- xã hội năm 2016, Chính phủ khẳng định, sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, nhất là trong các dịp nghỉ lễ, Tết. Tiếp tục siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát trọng tải phương tiện, chấm dứt tình trạng xe chở quá tải trọng. Đặc biệt tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về giao thông. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn hàng không dân dụng.
Về nội dung trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua số lượng phương tiện giao thông ở Hà Nội gia tăng mạnh. Bình quân mỗi tháng, Hà Nội đăng ký mới 18.000-22.000 xe máy, 6.000-8.000 ô tô. Với tốc độ trên, theo ông Chung đến 2020, Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ô tô, chưa kể ô tô của các lực lượng vũ trang và các tỉnh vào Hà Nội và sẽ có 7 triệu xe máy.
“Chỉ cần với tốc độ như hiện nay nếu không có ngay giải pháp thì 4-5 năm nữa vấn đề giao thông sẽ rất phức tạp”, ông Chung nói đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương phối hợp với TP Hà Nội xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cũng kiến nghị Chính phủ ưu tiên nguồn vốn ODA cho các dự án giao thông lớn trên địa bàn TPHCM.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2016 sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn.
Ông Phong cho biết, tình trạng ngập úng, kẹt xe, ô nhiễm tại TPHCM ngày càng diễn biến phức tạp. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X đề ra 7 chương trình đột phá với nhiều nhóm giải pháp cụ thể nhằm từng bước xây dựng TPHCM trở thành nơi có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ cần ưu tiên bố trí nguồn vốn ODA cho các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn TPHCM như xây dựng trung tâm điều hành giao thông, tuyến xe buýt nhanh BRT số 1, đường vành đai giai đoạn 3, dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 3), cải thiện môi trường nước (giai đoạn 3), đường vành đai, đường trên cao, một số đường hướng tâm quan trọng và danh mục công trình trọng điểm mục tiêu quốc gia.
Mở chiến dịch loại trừ thực phẩm bẩn
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, năm 2015 tuy GDP tăng trưởng đạt mức 6,68%, là mức tăng cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây nhưng nền kinh tế vẫn còn rất nhiều những hạn chế, yếu kém. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, khi thị trường xuất khẩu mở rộng sang các nước EU, Mỹ, Nhật Bản… thì yêu cầu về chất lượng, yếu tố liên quan đến sức khỏe con người cũng tăng rất cao.
“Chỉ cần một vài lô hàng xuất khẩu thủy sản, nông sản phát hiện kháng sinh, không đảm bảo an toàn vệ sinh thì chắc chắn chúng ta sẽ mất ngay cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu mà các hiệp định đem lại. Chúng tôi mong muốn các địa phương phải quan tâm làm tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian tới”, ông Hoàng nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng khẳng định, thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản đang cạnh tranh rất quyết liệt đòi hỏi người dân, doanh nghiệp phải nâng cao trách nhiệm trong sản xuất thực phẩm an toàn, có chất lượng. “Tới đây, chúng tôi sẽ mở chiến dịch loại trừ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cũng như chống việc lạm dụng sử dụng thuốc sâu, thuốc kích thích trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Có như thế mới nâng cao được chất lượng sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu”, ông Phát nói.
Tại Dự thảo Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Chính phủ khẳng định, năm 2016 sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng hóa chất không đúng quy định trong sản xuất nông nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái, như: chất tạo nạc, chất tăng trọng, tạo màu sắc hấp dẫn của thực phẩm,... Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp không sử dụng hoặc phải sử dụng đúng quy trình các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân hóa học. Phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế hướng dẫn người tiêu dùng cách thức ngăn ngừa, phát hiện những hàng hóa nhiễm chất độc hại.
Mất 3 tỷ USD do giá dầu thô giảm
“Năm 2015 chúng ta không lường trước được giá dầu thô liên tục giảm như vậy, đến nay chỉ còn hơn 36 USD/thùng. Xuất khẩu của chúng ta mất hơn 3 tỷ USD do giá dầu thô tụt”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.