Cắt, giảm các tuyến xe buýt chống ùn tắc: Lợi bất cập hại

Xe buýt bị điều chuyển, cắt giảm là nguyên nhân hành khách phải đợi chờ “dài cổ” trên đường Cầu Giấy - Xuân Thủy 3 ngày qua.
Xe buýt bị điều chuyển, cắt giảm là nguyên nhân hành khách phải đợi chờ “dài cổ” trên đường Cầu Giấy - Xuân Thủy 3 ngày qua.
TP - Trong phương án giảm lượng xe buýt chống ùn tắc được Sở GTVT Hà Nội thực hiện từ ngày 14/11, Sở này khẳng định không cắt bỏ mà chỉ giảm lưu lượng xe buýt. Tuy nhiên qua 3 ngày thực hiện đầu tiên, có tuyến đường đã bị “xóa” trắng xe buýt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân.

Lúng túng vì xe buýt đổi lộ trình

Là tuyến đường hướng tâm lớn, lại có nhiều trường Đại học (ĐH) nằm dọc hai bên nên trục đường Cầu Giấy - Xuân Thủy lâu nay đang trở thành tuyến đường có nhiều xe buýt hoạt động nhất - 12 tuyến. Với lượng xe buýt như vậy, theo tìm hiểu mỗi giờ trên trục đường này có 69 lượt xe, lượng khách được trung chuyển đến hơn 77 nghìn lượt. Vậy nhưng từ sáng 14/11 đến nay, tuyến đường này đoạn từ đường Trần Đăng Ninh đến cầu vượt Mai Dịch, dài gần 2 km đi qua nhiều trường đại học lớn bị xóa trắng xe buýt.

Ghi nhận của PV Tiền Phong trong sáng 16/11, toàn bộ các nhà chờ, điểm dừng đỗ của xe buýt trên đoạn đường dài 1,4 km này đều bị tháo biển chỉ dẫn, hàng ghế hành khách ngồi đợi xe cũng bị tháo dỡ; xe buýt qua lại không dừng đỗ, bắt khách. Giờ cao điểm sáng qua, nhiều sinh viên đi xe buýt từ các hướng đến đường Xuân Thủy - Cầu Giấy, khi đến các điểm dừng đón khách tại cổng các trường ĐH, như Học viện Báo chí, Sư phạm, Quốc gia… không thấy tài xế xe buýt mở cho xuống đã đập cửa.

Nhưng tài xế cho biết, các điểm nhà chờ qua trường đã bị cấm dừng đỗ, hành khách chỉ được xuống xe tại điểm dừng đỗ tại ngã ba Xuân Thủy - Trần Đăng Ninh, cách trường ĐH Quốc gia, Sư phạm gần 2 km. Tương tự, nhiều sinh viên khi bắt các tuyến buýt số 27, 34, 49… cũng bị xe đưa sang các tuyến đường Trần Thái Tông, Tôn Thất Thuyết cách trường từ 2 đến 3 km mới cho xuống.

Trên trục đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông) giờ cao điểm sáng 16/11, do lưu lượng xe buýt tại đây bị cắt 15% nên nhiều hành khách, đặc biệt là sinh viên cũng phải xếp hàng dài đợi xe. Thời điểm 7h, tại nhà chờ đoạn gần Sở GTVT Hà Nội lượng người đứng chờ các tuyến buýt các tuyến 02, 21, 22… mất cả nửa tiếng đồng hồ. Xe buýt đến chậm, phải đi vòng xa hàng km là nguyên nhân chính khiến nhiều sinh viên các trường ĐH đóng trên đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông), Cầu Giấy - Xuân Thủy trong sáng 16/11 bị muộn giờ học .

Bỏ bến vì sợ gây ùn tắc!

Sau 3 ngày thực hiện phương án giảm xe buýt để chống ùn tắc,  ngày 16/11, các nhà chờ, điểm dừng đỗ trước ĐH Quốc gia, ĐH Sư phạm, Học viện Báo chí Tuyên truyền… bị tháo dỡ nham nhở và chỉ trơ lại bộ khung, và các xe buýt qua đây không dừng đón khách. Nhưng xung quanh vị trí này không có một dòng thông báo hay hướng dẫn nào để hành khách nắm bắt cũng như có phương hướng đi lạị. Chính vì vậy có rất nhiều hành khách, đặc biệt là sinh viên đứng chờ mà không có phương tiện để di chuyển. 

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, phương án giảm xe buýt chống ùn tắc, với tuyến đường Cầu Giấy - Xuân Thủy không cắt bỏ buýt mà chỉ giảm 46% lưu lượng.

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều qua, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, hiện nay đường Cầu Giấy - Xuân Thủy đoạn từ Trần Đăng Ninh đến Mai Dịch do vướng công trình thi công nên lòng đường chỉ còn một làn xe, nếu để xe buýt đỗ xe sẽ gây ùn tắc lớn. Do vậy Sở GTVT phải di chuyển các điểm nhà chờ tại đây đi để tránh ùn tắc. Người dân đi xe buýt chịu khó đi bộ đến các ngã ba,  đầu phố giao cắt sẽ có các điểm chờ ở đây để bắt xe buýt.

“Đây chỉ là biện pháp tạm thời, Sở GTVT đang giục các đơn vị thi công dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội trước Tết Âm lịch phải dỡ bỏ hàng rào trên đường để khôi phục hoạt động của xe buýt”, ông Quang nói. 

Ghi nhận của PV Tiền Phong trong sáng 16/11, toàn bộ các nhà chờ, điểm dừng đỗ của xe buýt trên đoạn đường dài 1,4 km này đều bị tháo biển chỉ dẫn, hàng ghế hành khách ngồi đợi xe cũng bị tháo dỡ; xe buýt qua lại không dừng đỗ, bắt khách.

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.