Lại chuyện bình đẳng giới

Lại chuyện bình đẳng giới
TP - Ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) được thành lập. Để đánh dấu sự kiện này, ngày 20/10 hằng năm được lấy làm ngày truyền thống, đồng thời cũng xem đây là ngày kỉ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, và nó được lấy tên là “Ngày Phụ nữ Việt Nam” .

Vào những ngày này, hoạt động chào mừng ngày 20/10 tại Việt Nam được chú ý một cách khá đặc biệt, một số hoạt động liên quan đến phụ nữ đã diễn ra nhằm vinh danh nữ giới. Và, cũng trong ngày này vấn đề về bình đẳng giới được nhiều người bàn đến.

Tuy đã có những bước tiến lớn về quyền phụ nữ nhưng ở Việt Nam vẫn tồn tại một số vấn đề như bạo hành gia đình và tình trạng phân biệt nam nữ. Cảnh báo tỷ lệ về giới 20 năm tới có khoảng 4 triệu đàn ông “ế” vợ phần nào phản ánh quan niệm trọng nam khinh nữ.

Ngay từ năm 2004, Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á khác đã cùng nhau ký thông qua “Tuyên bố xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ” tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao AEAN lần thứ 37, đồng thời ban hành luật riêng về phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, các điều luật này được đánh giá là cần nhiều thời gian để hoàn thiện. Việc phụ nữ bị ngược đãi, bạo hành, xem thường vẫn diễn ra ở mức độ khá phổ biến.

Ðảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát huy vai trò của phụ nữ trong xã hội và trong quản lý nhà nước. Chỉ thị 37/CT-T.Ư năm 1994 đã khẳng định: “Nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội là một yêu cầu quan trọng để thực hiện quyền bình đẳng, dân chủ của phụ nữ, là điều kiện để phát huy tài năng, trí tuệ và nâng cao địa vị của phụ nữ”.

Theo thống kê, phụ nữ Việt Nam chiếm hơn 51% dân số và 48% lực lượng lao động toàn xã hội. Hiện khoảng 20% cán bộ làm công tác lãnh đạo và quản lý nhà nước các cấp từ Trung ương đến cơ sở là nữ. Sự gia tăng số lượng nữ tham gia quản lý nhà nước chứng tỏ chất lượng, trình độ cán bộ lãnh đạo của nữ giới ngày càng nâng cao.

Trong thực tế, phụ nữ Việt Nam đang có mặt ở hầu hết cơ quan quản lý hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp.Trong số hơn 300 nghìn doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, có khoảng 15% do phụ nữ đứng đầu hoặc nắm giữ cương vị chủ chốt. Trong số 900 nghìn hộ kinh doanh gia đình, có 27% do phụ nữ điều hành.

Tuy vậy, một thực trạng cho thấy, con số tuyệt đối có thể tăng nhưng tỷ lệ đội ngũ cán bộ nữ đang có chiều hướng giảm, không chỉ ở các cơ quan dân cử mà còn ở các bộ, ngành và cơ quan chính quyền. Như nhiều ý kiến chuyên gia nhận định, sự thiếu hụt cán bộ nữ trên một số lĩnh vực quan trọng làm cho việc hoạch định kế hoạch, chính sách thiếu tiếng nói đại diện của phụ nữ, dẫn đến thực hiện bình đẳng giới về mọi mặt chưa đạt kết quả mong muốn.

Bên cạnh đó, việc bị hạn chế bởi tuổi về hưu và tuổi đề bạt cùng với vị trí của phụ nữ vẫn còn có những định kiến nhất định, gián tiếp dẫn đến tình trạng trên.

MỚI - NÓNG