Kỳ vọng vào thế hệ lãnh đạo mới

0:00 / 0:00
0:00
Ông Lê Duy Truyền (thứ nhất từ trái sang) cùng các nhà báo Việt Nam chụp ảnh với lãnh tụ Cuba Fidel Castro vào tháng 10/2002, nhân chuyến thăm Cuba của Thủ tướng Phan Văn Khải Ảnh: NVCC
Ông Lê Duy Truyền (thứ nhất từ trái sang) cùng các nhà báo Việt Nam chụp ảnh với lãnh tụ Cuba Fidel Castro vào tháng 10/2002, nhân chuyến thăm Cuba của Thủ tướng Phan Văn Khải Ảnh: NVCC
TP - Ngay sau khi cách mạng Việt Nam Cuba thành công, một số người Việt đã có cơ hội sang đất nước cách nửa vòng Trái đất học tập. Chứng kiến những thay đổi ở Cuba hiện nay, họ nói rằng họ chờ đợi nhiều ở thế hệ lãnh đạo trẻ hơn, năng động hơn…

Ông Nguyễn Duy Cương sang Cuba học từ năm 1963 đến 1969. Hồi đó Cuba tổ chức khoá riêng dành cho những sinh viên từ các nước như Việt Nam, Triều Tiên và Trung Quốc học về ngôn ngữ Tây Ban Nha và văn học Cuba, nhằm thúc đẩy giao lưu giữa các nước.

Ngay sau khi cách mạng Cuba thành công năm 1959, Việt Nam và Cuba nhanh chóng thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 12/1960. Khi giao lưu giữa các đoàn của hai nước còn gặp trở ngại vì không dùng chung ngôn ngữ, Thủ tướng Fidel Castro hồi đó đề nghị mở một lớp ngôn ngữ cho sinh viên nước ngoài để đào tạo thế hệ biết tiếng Tây Ban Nha. Đó là lý do ông Cương nằm trong đoàn gồm 35 thành viên được cử sang Cuba học, và được bạn tài trợ toàn bộ chi phí ăn, mặc và đi lại.

Ông Cương kể rằng, sinh viên Việt Nam khi đó được quan tâm đặc biệt, đi đâu, làm gì cũng được tạo điều kiện, ưu ái, như ra rạp chiếu bóng không phải mua vé, được tự do đi lại chụp ảnh. “Những dịp lễ hội, rất đông người tập trung trên đường, nhưng hễ thấy mấy sinh viên Việt Nam cầm máy ảnh là các anh công an Cuba dẹp đường cho chúng tôi vào xem cả ngày”, ông Cương nhớ lại.

“Nhân dân Cuba rất quý mến người Việt Nam dù mới gặp nhau lần đầu. Nhà nước Cuba cử bà Melba Hernandez, một cán bộ lão thành, phụ trách tổ chức cho sinh viên Việt Nam học. Những điều đó khiến chúng tôi rất cảm động và đến giờ vẫn còn tình cảm sâu đậm với nhân dân và đất nước Cuba”, ông Cương kể.

Ông Cương sau này trở thành Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Cuba trong nhiều năm và hiện là ủy viên thường vụ của Hội.

Chứng kiến một sự kiện quan trọng của Cuba là Đại hội Đảng VIII, ông Cương nói rằng, thay đổi lần này là yếu tố quan trọng góp phần đưa đất nước Cuba tiến lên, sau khi có thế hệ lãnh đạo mới trẻ và năng động.

Hiện nay, Cuba vẫn gặp nhiều khó khăn nhưng luôn sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam với tinh thần “chia sẻ không phải những gì có thừa mà là những gì mình có” của lãnh tụ Fidel Castro.

Thái An

thay đổi và kiên định

Ông Lê Duy Truyền, nguyên là Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) ông được sang Cuba học từ năm 1976. Nhớ lại thời kỳ đó, ông Truyền nói rằng, ông có muôn vàn kỷ niệm với đất nước và con người Cuba. Đó là những lần tham gia các cuộc biểu tình ở Cuba để phản đối việc Mỹ bao vây cấm vận, hay những cuộc mít-tinh, tuần hành, với sự có mặt của hàng triệu người để phản đối Trung Quốc tấn công Việt Nam năm 1979.

Nguyên Phó Tổng giám đốc TTXVN kể lại kỷ niệm theo chân những nhà cách mạng Cuba, khi ông và các sinh viên Việt Nam có chuyến đi bộ 3 - 4 ngày theo con đường mà nhà cách mạng Che Guevara đã chỉ huy đội quân từ các tỉnh miền đông tiến về giải phóng Sierra Maestra.

Ông Truyền về nước sau khi kết thúc chương trình học ở Cuba vào năm 1983. Năm 1987, ông trở lại đất nước này để làm phóng viên thường trú của TTXVN, cho đến năm 1991, thời điểm Liên Xô sụp đổ. Năm 2002, ông quay lại Cuba làm trưởng đại diện TTXVN, đến năm 2005 thì kết thúc nhiệm kỳ.

Với thời gian dài học tập và công tác ở Cuba, ông Truyền nói rằng Cuba lúc nào cũng khó khăn, do bị Mỹ bao vây. Tuy nhiên, ông nói rằng Cuba bây giờ đang ở trong tình trạng đặc biệt khó khăn. Ông Truyền cho biết, ông và một nhóm vẫn duy trì trao đổi với các bạn Cuba, nên biết tình hình Cuba đang rất vất vả, kể cả về lương thực thực phẩm. Người dân ở thủ đô Havana càng khó khăn vì mặt bằng giá cả cao hơn.

Theo ông Truyền, Đại hội VIII của Đảng Cộng sản Cuba có thể coi là sự chuyển giao thế hệ một cách cơ bản nhất, vì trong cấp lãnh đạo không còn ai thuộc đội ngũ lão thành cách mạng.

“Cuba gần đây triển khai một số thay đổi, như bỏ sử dụng cùng lúc 3 đồng tiền để áp dụng hệ thống tiền tệ thống nhất. Những thay đổi đó diễn ra khi Cuba đang đối mặt với nhiều khó khăn khách quan, nhất là các biện pháp bao vây cấm vận của Mỹ và đại dịch COVID-19”, ông Truyền cho nói và bày tỏ hy vọng Cuba sẽ đẩy nhanh những chính sách phát triển kinh tế - xã hội để khắc phục khó khăn, để có thể cải thiện đời sống nhân dân.

“Cuba vẫn sẽ kiên định những mục tiêu và nền tảng tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Sẽ có những thay đổi nhưng không quá nhanh. Cuba sẽ làm chậm mà chắc. Và một điều không thay đổi là tình cảm đoàn kết, yêu mến và thân thiết mà nhân dân Cuba dành cho Việt Nam", ông Truyền nói.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.