Kỳ vọng và quyết sách

Ảnh: Hồng Vĩnh
Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Hà Nội- Thủ đô - trái tim của cả nước. Sau 60 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn. Giờ đây, Hà Nội đang đứng trước những thời cơ, thách thức để phát triển. Hơn 90 triệu trái tim người con đất Việt luôn thể hiện tình yêu, trách nhiệm với Hà Nội, cũng như kỳ vọng về một Thủ đô bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai. Những ý kiến tâm huyết dưới đây thể hiện điều đó.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh:

Thủ đô Hà Nội, niềm tin và tự hào của dân tộc

Lịch sử Thủ đô Hà Nội gắn liền với lịch sử và truyền thống hào hùng của đất nước, của dân tộc Việt Nam. Lịch sử của đất nước, của dân tộc đã trao cho Thủ đô Hà Nội những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Qua 60 năm xây dựng và phát triển, Hà Nội đã đạt được những thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, Hà Nội đã được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hoà bình”, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng” và rất nhiều phần thưởng cao quý khác. 

Kỳ vọng và quyết sách ảnh 1 Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Ảnh: Hồng Vĩnh

Những năm gần đây, Chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thủ đô luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và có nhiều thành tựu khởi sắc; tiếp tục ghi thêm những dấu ấn quan trọng vào lịch sử của Thủ đô. Hà Nội quyết tâm cùng nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Là người đã từng tham gia trong Ban lãnh đạo của Hà Nội và luôn đặc biệt quan tâm đến quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội, tôi nhận thấy, Hà Nội hội tụ đầy đủ các vị thế từ địa lý, kinh tế đến truyền thống, văn hóa và con người để Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại, có vị thế lớn trong khu vực và trên trường quốc tế. Thực hiện mục tiêu này, Hà Nội đang tiếp tục phát huy tính chủ động, có nhiều giải pháp sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đi đầu trong xây dựng nông thôn mới; thực hiện có kết quả chính sách phúc lợi, an sinh xã hội; đảm bảo quốc phòng và an ninh theo các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước.

Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống và lịch sử của Thủ đô Anh hùng, trong thế đi lên của đất nước và dân tộc, Hà Nội của chúng ta sẽ sớm hoàn thành được các mục tiêu quan trọng đã đề ra, xứng đáng là Thủ đô nghìn năm văn hiến, trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học, giáo dục, giao thương và kinh tế lớn của cả nước. 

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo:
Thủ đô đang thay da đổi thịt từng ngày

Nhân dịp 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, ông Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội dành cho Tiền Phong cuộc phỏng vấn. Ông Nguyễn Thế Thảo nhìn nhận, trên chặng đường phát triển của Thủ đô vẫn còn những điều chưa hài lòng, những khó khăn, tồn tại, nhưng ông luôn tin rằng mỗi người dân Hà Nội, bạn bè trong nước và quốc tế có thể cảm nhận Thủ đô đang “thay da đổi thịt” từng ngày; vóc dáng của Thủ đô đang lớn lên, đang đẹp lên và hứa hẹn một tương lai tươi sáng.

Hội tụ tinh hoa và sức mạnh của đất nước

Ngày đầu về tiếp quản Thủ đô, Hà Nội mộc mạc, giản dị và cũng thật thân thương. Trải qua 60 năm, Thành phố đã thay đổi khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, là Chủ tịch Thành phố, một công dân Thủ đô, ông có cảm xúc ra sao về sự đổi thay đó?

Kỳ vọng và quyết sách ảnh 2 Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo. Ảnh: Lý Anh Quý

Là người sinh sống tại Hà Nội mỗi chúng ta đều cảm nhận được những thay đổi hằng ngày của Thủ đô. Những tòa nhà, những con đường, những ngôi trường… ngày ngày chuyển động, vươn lên. Tôi rất chia sẻ với cảm xúc của những ai đó lâu ngày chưa về Hà Nội, cái cảm giác thân thương được ẩn giấu trong chút ngỡ ngàng, xa lạ. Nhưng tôi tin mọi người đều có chung một tình yêu nồng nàn với Thủ đô- trái tim của cả nước. Một tình yêu không bao giờ phai nhạt dù trải qua thăng trầm, sóng gió.

Nói về Hà Nội xưa mà gần hơn là 60 năm về trước, khi đó dân số Hà Nội chỉ khoảng triệu người. Nếp sống Hà Nội luôn thanh bình, mọi người ra ngõ gặp người quen thành ra Hà Nội nhỏ và nồng gần gũi lắm. Hôm nay đã khác nhiều, người xe đông đúc, đôi khi hàng xóm chẳng rõ tên nhau, người nước ngoài đủ các quốc tịch cùng sinh sống làm việc... Sự chuyển mình đi lên chắc hẳn cũng đem lại nhiều cảm xúc, song đó là lẽ tất nhiên bởi mỗi chúng ta đều mong muốn Thủ đô phát triển kia mà.

Thủ đô Hà Nội hiện đã mang dáng dấp của một đô thị hiện đại, nhưng văn minh đô thị dường như chưa theo kịp. Từ câu chuyện ùn tắc giao thông, đến việc thiếu trường học, bệnh viện, sân chơi, nước sạch… đây được xem như một thách thức lớn của Thủ đô. Vậy Thành phố đã và đang làm gì để xóa đi rào cản đó?

Sau 60 năm xây dựng và phát triển, Hà Nội đã nhiều lần quy hoạch, mở rộng. Diện mạo đô thị Hà Nội đã có nhiều thay đổi. Từ những khu phố cũ, đồng ruộng sình lầy đã hình thành nhiều khu đô thị mới (KĐTM) văn minh, hiện đại như KĐTM Trung Hòa - Nhân Chính, Linh Đàm, Mỹ Đình… Giao thông đô thị của Hà Nội cũng đã được cải thiện từng bước, với những đại lộ lớn như Pháp Vân - Cầu Giẽ, Thăng Long - Nội Bài, Láng - Hòa Lạc… Bên cạnh đó là hệ thống 6 cây cầu bắc qua sông Hồng. Hà Nội đang dần hình thành dáng dấp của một thành phố đẹp đẽ và tráng lệ... 

Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển và đô thị hóa, thành phố đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là các sức ép từ sự gia tăng dân cư cơ học, giải quyết lao động việc làm, sự quá tải của hệ thống hạ tầng đô thị, giao thông, dịch vụ y tế, giáo dục, ô nhiễm môi trường sống và xâm hại di sản văn hóa, cảnh quan đô thị… trong khi nguồn lực cho đầu tư xây dựng ngày càng khó khăn và khan hiếm. 

Lường trước và chủ động giải quyết những hạn chế đó, sau gần 3 năm triển khai Quy hoạch chung Thủ đô, thành phố đã phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị và cộng đồng nhân dân tổ chức xây dựng triển khai các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, các đồ án quy hoạch chi tiết.., Bên cạnh đó là việc hoàn chỉnh các quy chế, quy định quản lý quy hoạch - kiến trúc, quy hoạch xây dựng tại khu vực nông thôn… Hà Nội đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cấp thoát nước, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, nâng cao năng lực, chất lượng vận tải hành khách công cộng để giảm thiểu ùn tắc giao thông…

Trở thành thành phố kiểu mẫu

Là Chủ tịch Thành phố có vinh dự lớn khi tham gia ba sự kiện trọng đại của Thủ đô: Mở rộng Thủ đô lên gấp ba lần; Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, ông có chia sẻ gì với bạn đọc cả nước về thành tựu sau 6 năm Thủ đô mở rộng?   

Thủ đô Hà Nội luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung đầu tư về mọi mặt trong quá trình phát triển. Trước kia, Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Thủ đô và mới đây là Luật Thủ đô. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng tạo tiền đề để Hà Nội xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù trong phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đô thị…

Hà Nội hiện là một trong 17 Thủ đô có quy mô lớn trên thế giới và cũng là một trong những Thủ đô lâu đời nhất trên thế giới với dân số trên 7 triệu người. Những năm gần đây, trong bối cảnh tình hình có nhiều biến động, khó khăn và thuận lợi đan xen, thành phố tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện: Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm qua đạt 9,51%, cao hơn 1,5 lần so với mức bình quân chung của cả nước. Thu ngân sách bình quân tăng 19,2%/ năm và chiếm trên 20% tổng thu ngân sách cả nước; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch ngày càng rõ nét... Quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị có bước tiến bộ đáng kể; kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn được đẩy mạnh. Xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo tồn và phát huy các di sản và giá trị văn hóa truyền thống, phát triển giáo dục - đào tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, khoa học - công nghệ, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Chính trị xã hội ổn định, an ninh, trật tự được bảo đảm.

Bên cạnh đó, Thủ đô Hà Nội cũng đang xây dựng hình ảnh đẹp trong con mắt bạn bè quốc tế với tinh thần hợp tác bình đẳng, cùng có lợi. Đến nay, Hà Nội đã có mối quan hệ hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố trên thế giới, trong đó đã ký văn bản hợp tác song phương với hơn 50 thành phố. Hà Nội còn là thành viên chính thức có trách nhiệm tích cực của nhiều tổ chức quốc tế lớn… Năm 2013, Hà Nội được bình chọn là một trong 10 điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á.

Tôi cho rằng, những kết quả mà Hà Nội đạt được trong thời gian qua đang từng bước hiện thực hóa điều mong ước và căn dặn của Bác Hồ: Hà Nội phải phấn đấu là địa phương đi đầu, kiểu mẫu của cả nước; xây dựng Thủ đô ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn để xứng đáng với sự tin yêu và mong đợi của cả nước cũng như bạn bè quốc tế. 

Để phát triển Thủ đô chắc hẳn ngoài nội lực tự thân, Hà Nội rất cần đến sự chung tay, góp sức của các địa phương bạn, các nhà đầu tư, nhà quản lý trong và ngoài nước, nhân dịp kỷ niệm ngày lễ trọng đại này, ông muốn gửi thông điệp gì đến họ?

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014), thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành T.Ư, các tỉnh thành trong cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và bà con người Việt ở nước ngoài đã luôn yêu quý, quan tâm, đồng hành và ủng hộ Thủ đô Hà Nội. Với tầm vóc, thế và lực mới, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân Thủ đô quyết tâm phấn đấu, xây dựng Thủ đô Hà Nội xứng đáng với danh hiệu Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình.

Trân trọng cảm ơn Chủ tịch. 

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng:
Trở thành trung tâm tài chính lớn của cả nước và khu vực

Trao đổi với Tiền Phong, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng cần huy động mọi nguồn lực để tạo bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng Thủ đô Hà Nội.

Thủ đô là trái tim của cả nước, xin Bộ trưởng cho biết định hướng đầu tư ngân sách cho Hà Nội cần được thực hiện và ưu tiên ra sao?

Kỳ vọng và quyết sách ảnh 3

Để huy động tối đa mọi nguồn lực tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung làm cơ sở để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, Quốc hội đã ban hành Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), Luật Thủ đô, Chính phủ ban hành nhiều Nghị định, Quyết định thể hiện sự tập trung, ưu tiên nguồn đầu tư ngân sách cho Hà Nội. Ngân sách trung ương đã và đang đầu tư các dự án, công trình quan trọng của Trung ương trên địa bàn như: Sân bay Nội Bài, 5 tuyến đường sắt,... và hỗ trợ đầu tư ký túc xá sinh viên từ nguồn trái phiếu Chính phủ.

Ngoài vốn ngân sách, Chính phủ ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Thủ đô để đầu tư các chương trình, dự án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, môi trường và phúc lợi công cộng.
Trong thời gian tới sẽ tiếp tục ưu tiên ngân sách đầu tư cho Thủ đô và dự kiến nâng mức dư nợ các nguồn vốn huy động lên mức 150%; đồng thời quan tâm, hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho Thành phố theo quy định của Luật Thủ đô.

Thủ đô đã đóng góp ngân sách lớn cho đất nước trong những năm qua, theo Bộ trưởng cần “cú hích” nào Hà Nội khai thác hết những tiềm năng của mình?

Trong những năm qua, kinh tế Hà Nội đạt tốc độ tăng trưởng khá, quy mô GDP của thành phố Hà Nội lớn thứ 2 cả nước. Quy mô thu ngân sách nhà nước Thành phố Hà Nội lớn thứ hai cả nước, chiếm 15,4% cả nước.
Tuy nhiên, Thành phố còn một số vấn đề cần quan tâm như: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, tỷ trọng các ngành dịch vụ cao cấp về tài chính, ngân hàng, khoa học - công nghệ vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của Thành phố. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn chủ yếu từ khu vực nhà nước. Chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng thấp trên tổng vốn đầu tư toàn xã hội và mới đáp ứng được một phần nhu cầu đầu tư các công trình trọng điểm, cấp bách của Thành phố. Để khai thác hết những tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, Hà Nội cần tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên các nhóm dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh như: Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm,... để Thành phố trở thành một trung tâm tài chính lớn của cả nước và khu vực.

Về đầu tư phát triển, cần sử dụng và tranh thủ tối đa nguồn vốn ODA để đầu tư các công trình trọng điểm giao thông quy mô lớn. Khai thác có hiệu quả các nguồn lực từ đất đai, đầu tư nước ngoài, triển khai các dự án theo hình thức BOT, BO, PPP,... cho phát triển cơ sở hạ tầng, huy động vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. 

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng:
Hà Nội sẽ là hình mẫu về phát triển đô thị

Là người con Hà Nội, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng có nhiều tâm huyết trong chỉ đạo triển khai các đồ án quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội. Trao đổi với Tiền Phong, ông cho rằng, với các điều kiện hiện có, Hà Nội trong tương lai sẽ phát triển mạnh mẽ trở thành hình mẫu về công tác quản lý và phát triển đô thị của cả nước.

Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển của Thủ đô sau khi địa giới hành chính Hà Nội được mở rộng và đặc biệt là sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung phát triển Thủ đô - năm 2011?

Kỳ vọng và quyết sách ảnh 4 Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng

Mảnh đất Thăng Long từ lâu đã hội tụ đầy đủ các yếu tố về kinh tế, chính trị, hành chính, văn hóa, xã hội, lịch sử, các điều kiện về địa lý, địa chất, thủy văn và cả yếu tố phòng thủ để trở thành đô thị có sức phát triển lớn. Hà Nội hôm nay đã lớn mạnh về mọi mặt nhất là sau khi mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô. Điều này đã mở ra một cơ hội lớn để Hà Nội phát triển toàn diện, bền vững trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường.

Ngay sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, đặc biệt là sau khi quy hoạch chung Thủ đô được Thủ tướng phê duyệt ngày 26/7/2011 thì những nguồn lực và cơ hội để Thủ đô phát triển đã hiện hữu rõ nét. Hà Nội sẽ mở rộng phát triển về phía Tây, Bắc và Đông Bắc, nơi có quỹ đất dự trữ dồi dào, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương đối đồng bộ, cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hạ Long dẫn đến cảng biển nước sâu phía Đông Bắc, đây là những động lực quan trọng để Hà Nội phát triển nhanh, toàn diện hơn. Trong một tương lai không xa, Thủ đô sẽ có 94.700 ha đất đô thị; dân số khoảng 9,2 triệu người, trong đó 5 đô thị vệ tinh sẽ có khoảng 1,37 triệu người. 

Theo ông Hà Nội cần thực hiện quy hoạch ra sao để xây dựng một Thủ đô hiện đại, văn minh, tránh tình trạng manh mún? Bộ Xây dựng sẽ có những đóng góp gì cho sự phát triển đó?

Để từng bước đưa quy hoạch chung vào thực tế, theo tôi Hà Nội cần nhanh chóng lập chương trình phát triển đô thị cho toàn bộ thành phố và cho từng đô thị nhằm xác định lộ trình và kế hoạch từng bước thực hiện quy hoạch chung, lập và phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị tạo thành bộ công cụ quản lý phát triển đô thị đồng bộ, hiệu quả. 

Bên cạnh đó,Thành phố cần thành lập các Ban quản lý khu vực phát triển đô thị để thống nhất đầu mối quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch được duyệt. Đây là những việc làm cần thiết nhằm từng bước lập lại trật tự trong quản lý đầu tư phát triển đô thị, đầu tư có trọng tâm trọng điểm. Hơn nữa, Hà Nội cần từng bước áp dụng mô hình tăng trưởng xanh phát triển bền vững. Chúng tôi luôn xác định Hà Nội là trái tim của cả nước, thể hiện trách nhiệm với Thủ đô chính là niềm vinh dự và tự hào. Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về lĩnh vực quản lý phát triển đô thị để tạo điều kiện thuận lợi cho Hà Nội thực hiện Quy hoạch chung. 

Cảm ơn Bộ trưởng!

Ngọc Tiến- Phùng Sưởng

MỚI - NÓNG