Kỳ vọng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ năm 1992, khu Bình Quới - Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh, TPHCM) được quy hoạch thành khu đô thị sinh thái. Đến nay, đã tròn 30 năm nhưng người dân nơi đây sống trong quy hoạch treo.

Từ đời ông sang đời cha đến đời con mà quy hoạch khu đô thị sinh thái Thanh Đa vẫn chưa được triển khai. Từ đây nhìn qua “khu nhà giàu” Thảo Điền (TP Thủ Đức) chỉ cách một con sông Sài Gòn nhưng Bình Quới - Thanh Đa có khác nào thôn quê, nhà thì lụp xụp, đường sá loang lổ, môi trường sống nhếch nhác…

Ba mươi năm qua, bộ mặt đô thị khắp các địa phương ở TPHCM thay đổi chóng mặt, nhiều khu đô thị mới, dự án mọc lên khắp nơi nhưng Bình Quới - Thanh Đa vẫn là vùng nông thôn với ruộng lúa, ao hồ, trâu bò thả rông. Phần lớn trong 3.000 hộ dân với khoảng 45.000 nhân khẩu ở đây vẫn lam lũ bằng nghề nông, chăn bò, nuôi cá… Dù thu nhập thấp nhưng chi tiêu cho cuộc sống, tiền học cho con cái lại theo mức chung của người Sài Gòn. Nhiều gia đình 4 thế hệ chung sống trong ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp từ lâu nhưng không dám sửa chữa, xây mới vì 3 chữ “quy hoạch treo”. Câu chuyện ở Bình Quới - Thanh Đa không phải là hiếm, khi TPHCM đang có hơn 300 dự án đang được rà soát để thu hồi vì quá 3 năm chưa triển khai.

Một câu chuyện khác là của hai vợ chồng bác sĩ làm việc ở quận 5, TPHCM gom góp tiền bạc về Phú Quốc, Kiên Giang mua đất dưỡng già. Đùng một cái, đất của họ bị doanh nghiệp dựng hàng rào, lập dự án bất động sản rồi rao bán với giá gần 100 triệu đồng/m2. Khi hai vợ chồng bác sĩ đến thăm đất thì bị “người lạ” hành hung. Lên UBND TP Phú Quốc hỏi thì được biết, đất bị thu hồi để phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương, giá đền bù ngang 1 tô phở/m2. Bức xúc, vợ chồng bác sĩ này kiện UBND TP Phú Quốc ra Tòa nhưng 2 năm qua vẫn chưa đâu vào đâu, trong khi dự án bất động sản kia thì đang mở rộng từng ngày.

Việc sửa đổi Luật Đất đai lần này được tổ chức góp ý, lấy ý kiến nhân dân rộng khắp nhằm đưa ra những quy định phù hợp, loại bỏ những bất cập trong quản lý, sử dụng đất. Tuy nhiên, “cơn ác mộng về đất” chỉ thật sự chấm dứt nếu giải được bài toán cân bằng lợi ích của người dân với doanh nghiệp, giải quyết triệt để “quy hoạch treo”, loại bỏ các nhóm lợi ích cấu kết để tham nhũng, tiêu cực, gây lãng phí về đất đai.

Luật Đất đai sửa đổi cần quy định thành lập tổ chức tư vấn định giá đất chuyên nghiệp, độc lập. Đồng thời, hằng năm các địa phương phải tổ chức rà soát, xử lý và công bố công khai việc thu hồi các dự án chậm tiến độ gây lãng phí tài nguyên đất đai.

MỚI - NÓNG