Ký ức những người 'xẻ dọc Trường Sơn'

Ông Bảo xem lại những hình ảnh kỷ niệm thời quân ngũ.
Ông Bảo xem lại những hình ảnh kỷ niệm thời quân ngũ.
TP - Chiến tranh đã lùi xa song những năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vẫn còn ăm ắp trong ký ức người trong cuộc. Mỗi câu chuyện, vết thương trên người họ đều là minh chứng sống động tái hiện một thời gian khổ mà vinh quang để bảo vệ đất nước.

Theo đoàn Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) đến thăm hỏi, động viên và tặng quà 8 thương binh nguyên là quân nhân, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia mở đường Trường Sơn hiện đang sinh sống trên địa bàn huyện, chúng tôi được nghe những câu chuyện người thật, việc thật về cuộc chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta trên đường Trường Sơn lịch sử.

43 lần bị máy bay địch thả bom

Đã hơn 50 năm trôi qua, nhưng ký ức về tháng năm tham gia mở đường Trường Sơn, gùi lương, tải đạn chi viện vào miền Nam của thương binh Hoàng Xuân Bảo (SN 1947, ở thôn 3, xã Cư M’gar) vẫn chưa thôi nóng. 

Trong căn nhà gỗ đơn sơ đã có phần xuống cấp, ông Bảo kể về thời gian phục vụ quân ngũ. Năm 1966, ông- chàng thanh niên người Tày tạm biệt quê hương Xứ Lạng, tình nguyện lên đường nhập ngũ vào sư đoàn 316, thuộc Quân khu Tây Bắc, đóng quân ở Cao Nguyên Mộc Châu (Sơn La). Ít tháng sau, ông được cấp trên cử đi đào tạo hạ sĩ quan ở Quân khu, rồi học sĩ quan Lục quân ở tỉnh Hà Tây.

Tháng 1/1967 ông tốt nghiệp, điều về làm Trung đội trưởng rồi Đại đội trưởng đại đội 1, tiểu đoàn 337 (Binh trạm 9, Đoàn 559) công tác ở địa bàn phía Tây các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Tại đây ông mới tận thấu được sự ác liệt của chiến tranh khi lằn ranh sự sống và cái chết chỉ trong chớp mắt.

Năm 1968, ông cùng 20 đồng đội nhận nhiệm vụ vận chuyển gạo từ trạm này tới trạm kia cách nhau một ngày đường. Mỗi người vác 1 bao nặng 50 ký, ông là người tiên phong đi trước. Thời gian vận chuyển xuất phát thường từ 5 giờ sáng và quay về trước 5 giờ chiều. Những chuyến đầu vận chuyển suôn sẻ, về sau địch nắm được quy luật hoạt động của ta nên chúng dội bom B52, rất may đoàn của ông thoát chết nhờ “không đi quá nhanh”.

Sau đợt bị phục kích, cấp trên lùi lại thời gian giao gạo là 3 giờ chiều. Khi đồng đội đã giao xong, ông nán lại kiểm đếm số lượng thì máy bay B52 bắt đầu dội bom, ông nhanh trí chui vào hầm nấp nếu không thì đã thịt nát xương tan. Đồng đội ông nói vui rằng “đi nhanh quá cũng chết, chậm quá cũng chết”.

Ông nhớ như in cái ngày mùng 6/9/1969 lịch sử đầy đau thương. Ông kể: Chiều mùng 5, trung đội ông được giao việc sáng hôm sau vác ống sắt phục vụ làm đường. Đúng lúc này gạo hết, trung đội chỉ biết động viên cố gắng. 6 giờ sáng, cả trung đội xuất phát, còn ông đảm nhận việc đi nhận gạo. Khi ông quay về thì nghe tiếng bom đạn nổ mù trời ở phía đồng đội. Ông chết lặng lao về phía trước nhưng đã bị cấp trên ghìm lại. Kể đến đây, ông Bảo khóc nghẹn nhớ về đồng đội. Vài phút sau, câu chuyện mới tiếp nối được. Chờ cho máy bay địch rút hẳn, ông cùng một số đồng đội đến nơi địch càn quét. “25 người tất cả đều chết. Người thì bị cây đè, đứa thì bị ống sắt chấn ngang người máu đỏ khắp nơi… thật đau lòng. Nhưng tôi cũng phải nén đau thương, dùng xẻng cuốc đào mộ chôn cất thi thể những anh em xấu số và nghĩa trang đơn sơ đã lập lên ngay hôm đó”.  Gần như cả trung đội hy sinh, ông Bảo được điều sang đội khác rồi bị thương dưới làn bom đạn. 43 lần bị địch thả bom, đến lần 40 ông mới bị thương. Sau khi được đưa ra Bắc điều trị, ông Bảo tiếp tục quay lại tuyến đường Trường Sơn nhận nhiệm vụ sửa chữa, bảo vệ đường cho đến ngày đất nước thống nhất. 

Lái xe trong bão đạn

Cũng như ông Bảo, ông Vũ Văn Chạy (SN 1947, ở thôn 3, xã Ea M’Nang, huyện Cư M’gar) vào bộ đội năm 1968 tham gia lái xe Trường Sơn thuộc tiểu đoàn 52, Binh trạm 14 (Đoàn 559) vận chuyển hàng hóa chiến lược cho chiến trường miền Nam. Suốt 4 năm (từ 1968 đến 1972) ông Chạy trực tiếp lái xe trên tuyến đường Trường Sơn, đối mặt với lửa đạn dữ dội của không quân Mỹ cùng những chiến dịch càn quét khốc liệt của bộ binh ngụy. 

Ký ức những người 'xẻ dọc Trường Sơn' ảnh 1 Ban CHQS huyện Cư M’gar trao quà, thăm hỏi thương binh Vũ Văn Chạy.

Nhớ về những ngày chạy xe “xẻ dọc Trường Sơn”, ông bảo “ác liệt lắm” rồi kể: Đoàn xe chỉ được chạy vào ban đêm (tức là từ 5 giờ chiều đến 5 giờ sáng hôm sau) nhưng lại không được bật đèn, chỉ dùng loại đèn “rùa” nhỏ xíu để rọi đường. Vậy mà địch vẫn phát hiện, ông phải dùng kem đánh răng làm mờ bớt ánh sáng hoặc nhiều khi lợi dụng cơn mưa đạn của địch để nhắm đường lái xe. Giặc thả bom mặc kệ, xe ta vẫn cứ chạy. Một mình độc hành trên con đường bom đạn, ông Chạy không biết đến “sợ” là gì. Bởi khi bước chân vào chiến trường, ông xác định chỉ có thể chết hoặc bị thương và cách tồn tại duy nhất là chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng. Sự xác định lạnh lùng này là liều thuốc tốt giúp thần kinh của ông luôn tỉnh táo để chiếc xe bon bon về đích. Đêm ngày nào địch cũng thả bom, chỉ khác là tần suất thả nhiều hay ít thôi. 

Ác liệt nhất là cuối 1969, khi địch phát hiện tuyến đường vận chuyển của ta nên dùng máy bay C130 được trang bị kỹ thuật hồng ngoại tuyến và vũ khí hạng nặng để săn xe vận tải cả ngày lẫn đêm. Với công nghệ này, kể cả xe đã tắt máy mà còn nóng cũng bị phát hiện và chúng đã bắn thì trăm phát trăm trúng. Mà đạn thì toàn 40 ly trở lên. Khi phát hiện có xe tăng của ta, địch còn bắn cả đạn 80 ly nên quân ta hy sinh và xe bị phá hủy nhiều lắm.

Trong quá trình lái xe, điều ông Chạy ám ảnh nhất là thân xác đồng đội nằm la liệt hai bên đường. Khi giao hàng xong, xe ông lại đảm nhận việc chở thi thể đồng đội xấu số về nghĩa trang chôn cất. Thấy đồng đội mình ngã xuống, ruột đau như cắt nhưng ông tự động viên mình phải nỗ lực hơn nữa. Vì chỉ cần một xe vận chuyển thành công là có thể ngang bằng với 2 trung đoàn dân công vận tải gùi vác trong vài đêm. Hiệu quả cao như vậy nên ông suy nghĩ dù chết ông cũng làm và cánh lái xe Trường Sơn như ông được ví là “Phi công mặt đất”. Năm 1972, một dịp khi vừa chạy xe về đơn vị thì đúng lúc bị giặc bao vây tấn công, ông bị thương mù đôi mắt đành phải lui về hậu cứ. 

Với những người mở đường, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước tại “tuyến lửa” như ông Bảo, ông Chạy và hàng nghìn người lính khác, mỗi cung đường, mỗi cây cỏ đều nhuộm đỏ xương máu của biết bao anh hùng, liệt sĩ. Nhiều đồng đội của họ nằm xuống khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, để làm nên con đường Trường Sơn huyền thoại.

Ngày 19/5/1959 Quân ủy Trung ương tổ chức “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào Nam; tổ chức đưa đón bộ đội; chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. Ra đời vào tháng 5/1959, Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559 và ngày 19/5/1959 được xác định là Ngày truyền thống của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn.  

MỚI - NÓNG