Ngày cận Tết, không khí làm việc của hàng chục cán bộ, công nhân Xí nghiệp đầu máy Vinh (Nghệ An) vẫn luôn khẩn trương như thường lệ. Trên buồng lái, lái tàu Nguyễn Văn Nhẫn đang sắp lại vài đồ vật bị va lệch.
Giọng nhỏ nhẹ, người đàn ông ngoài 50 tuổi bảo rằng có lẽ cuộc đời mình như có sự sắp đặt và cơ duyên với nghề lái tàu. Đằng đẵng 18 năm cầm vô lăng vượt cả trăm nghìn cây số nhưng chưa bao giờ ông có ý nghĩ chán nghề. "Nếu cho chọn lại, tôi vẫn làm nghề lái tàu. Vì đó là niềm tự hào mà dường như đã ăn vào máu thịt không thể thiếu và khó thay đổi", ông Nhẫn nói.
Ông Nhẫn chưa quên lần đầu tiên nhận nhiệm vụ lái tàu chính, đó là một ngày giữa năm 1998 trên chuyến tàu khách Vinh - Hà Nội. "Những km đầu tiên quả thực tôi run lắm, nhưng cứ lấy can đảm, bình tĩnh vận dụng kinh nghiệm trong 10 năm lái phụ. Dần dần, những km tiếp theo ổn. Kết quả chuyến tàu với quãng đường gần 300 km đã vào ga đúng giờ, không gặp trục trặc gì", ông kể và cho hay để trở thành lái tàu chính ít nhất phải vượt qua 30.000 km chạy tàu an toàn, cùng với nhiều quy định rất ngặt nghèo của ngành.
10 năm làm lái phụ, 18 năm là lái chính, ông Nhẫn nói rằng rất ít có Tết trọn vẹn bên vợ con và người thân ở quê nhà Phú Thọ. Nhớ lại Tết năm 2012 ông kể, hôm đó 17h chiều 30 Tết thì xuống ban nhân lịch chạy chuyến tàu khách cuối năm NA2 khởi hành ga Vinh - Hà Nội lúc 21h20. Lái phụ hôm đó là Nguyễn Đức Tuấn, lính mới vào nghề.
Gần một giờ đồng hồ trước lúc chạy tàu, khi lên ban ông cùng lái phụ nhận được vô số lời chúc của cán bộ, đồng nghiệp với câu chúc mà theo ông Nhẫn đã trở thành câu cửa miệng đối với cán bộ công nhân viên Xí nghiệp đường sắt nói chung, đó là “Chúc lái tàu an toàn”.
"Chuyến cuối năm hôm đó, tàu chạy gần tới ga Thanh Hóa tôi liếc mắt nhìn đồng hồ thấy điểm 0h. Biết lái phụ xao lòng nên tôi nhanh nhảu hô sang năm mới rồi cháu ơi, hai chú cháu ta kéo còi tàu thay tiếng pháo hoa nhé... Vừa nói tôi vừa kéo ba hồi còi tàu để hai chú cháu tự động viên nhau…", ông Nhẫn nhớ lại ký ức đón giao thừa trên chuyến tàu do mình cầm lái.
Theo ông Nhẫn, vẫn biết thời điểm đó nhiều hành khách đang ngồi các toa ngay phía sau lưng mình, có thể họ cũng có nhiều tâm trạng nhưng vì đặc thù nên giữa lái tàu và khách không thể giao lưu. "Không được bên vợ con, gia đình sum vầy thời khắc giao thừa, lại phải đưa hàng trăm người lỡ tàu xe về với gia đình, có chút xao lòng nhưng tôi kịp trấn an âu đó là cái nghiệp", người đàn ông trải lòng.
Chuyến tàu đêm 30 Tết hôm đó vào ga Hà Nội cũng là lúc kim đồng hồ điểm 3h54 sáng mùng 1 Tết. Sau khi đánh đầu máy về kho, hoàn thành nhiệm vụ, ông và lái phụ xuống ban, cùng với đồng nghiệp làm mỗi người một lon bia chúc tụng nhau năm mới.
Ông Nhẫn được giải A Hội thi công nhân lái tàu giỏi. Ảnh: Hải Bình.
Chuyến tàu hàng đêm 30 Tết 2015 để lại nhiều kỷ niệm khó quên đối với ông Nhẫn. Như thông lệ 16h chiều 30 Tết, ông lên ban nhận lịch chạy chuyến tàu hàng (hay còn gọi là tàu đi thoi). Tàu xuất phát tại ga Giáp Bát lúc 22h, hành trình qua cầu Thăng Long - Yên Viên rồi lại quay về Giáp Bát.
"Cảm giác lái tàu hàng còn buồn hơn tàu khách bởi cả đoàn tàu chỉ có hai người trong buồng lái. Tàu lại chạy qua nhiều khu vực vắng vẻ, ít sân ga, chỉ lẻ loi khi trông thấy những người gác chắn là đồng đội của mình trong giây lát nhưng cũng không thể chào nhau bằng lời", ông Nhẫn nhớ lại.
Chuyến tàu hàng hôm đó quay về tới ga Giáp Bát cũng là lúc đồng hồ điểm 1h sáng mùng 1. Dù gia đình ở Phú Thọ, trong khi đồng đội ở Hải Dương chỉ cách Hà Nội hơn 50 km, nhưng cả hai không thể trở về sum vầy bên gia đình vì không còn chuyến xe khách nào. Sau khi làm chén trà ấm, ông Nhẫn cùng bạn tàu ngả lưng đợi tới sáng thì mượn xe máy ghé về thăm gia đình ở Phú Thọ.
Theo ông Nhẫn, lái tàu Tết vui buồn lẫn lộn. Ngoài niềm tự hào thì những va quệt, tai nạn trên hành trình là không thể tránh khỏi. "Dù chỉ là đâm trúng con trâu, con bò, trong lòng mình đã thấy nhói đau, huống gì khi phương tiện tham gia giao thông khác va phải tàu", người lái tàu có tuổi nghề gần 30 năm giọng trùng xuống khi nhắc tới những va chạm trên đường sắt.
Bật mí về bí quyết giữ gìn sức khỏe để đảm bảo công việc, ông Nhẫn cho biết không phải riêng ông mà hầu như tất cả đồng nghiệp đều không uống rượu bia. Nếu có chỉ là một chút lúc đã hết ca và luôn đảm bảo không có bất kỳ hơi bia rượu trước 6 tiếng khi làm nhiệm vụ.
Còn 2 năm nữa là đến tuổi hưu nhưng ông Nhẫn chỉ muốn thời gian trôi thật chậm và còn được nhận nhiệm vụ lái nhiều chuyến tàu nữa. "Mỗi lần hoàn thành một chuyến tàu an toàn lại thấy như được tiếp thêm động lực, thấy vui sướng hơn…", ông nói.
Ông Nguyễn Văn Nhẫn chỉ 2 năm nữa là về hưu.
Nói về cấp dưới của mình, ông Đinh Văn Kiên, Quản đốc phân xưởng Vận dụng (Xí nghiện đầu máy Vinh) cho biết, ông Nguyễn Văn Nhẫn là người lái tàu già dặn về tuổi nghề và tuổi đời, từng 5 lần được công nhận là kiện tướng chạy tàu an toàn. Năm 2000 ông Nhẫn đạt giải A trong Hội thi công nhân lái tàu giỏi do ngành đường sắt Việt Nam tổ chức.
Ông Nhẫn cũng là người duy nhất ở Xí nghiệp có tuổi nghề dài nhưng chưa để xảy ra tai nạn, sự cố nghiêm trong nào trong suốt quá trình chạy tàu.
Sinh ra tại Thanh Ba (Phú Thọ), năm 1981 hết cấp 3 ông Nguyễn Văn Nhẫn thi đỗ vào trường công nhân kỹ thuật đường sắt số 1 chuyên ngành về lái tàu hỏa. Năm 1985 tốt nghiệp, ông về công tác tại Xí nghiệp đầu máy Vinh.
Từ 1987 đến 1990, ông đi nghĩa vụ quân sự tại Lào. Xuất ngũ trở về, ông Nhẫn tiếp tục công tác tại Xí nghiệp đầu máy Vinh. Ông Nhẫn có vợ và hai người con sống tại tỉnh Phú Thọ.