Kỳ tích 'Vàng trắng' ở Đồn Biên phòng '5 nhất'

Kỳ tích 'Vàng trắng' ở Đồn Biên phòng '5 nhất'
TP - Là đơn vị trẻ tuổi nhất, xa xôi nhất, quân số biên chế ít nhất, quản lý đoạn biên giới thuộc diện dài nhất, ở địa bàn khó khăn nhất tỉnh.

Song những năm qua, Đồn Biên phòng (BP) Ia Lôp (Bộ đội Biên phòng Gia Lai) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở thành điển hình về tăng gia sản xuất, xây dựng đơn vị.

Đồn BP Ia Lôp thành lập năm 2003, quản lý 16,2 km biên giới và một phần địa bàn xã Ia Mơr và Ia Piơ, huyện Chư Prông. Gắn bó nơi này 5 năm, trung tá Vũ Đình Điển, Đồn trưởng Ia Lôp chia sẻ: “Đơn vị mới thành lập nên cơ sở vật chất còn thiếu thốn; quân số ít, phân tán nhỏ lẻ, có thời điểm bộ đội sốt rét nhiều. Đồn xa trung tâm nhất với 120 km chủ yếu đường đất, đi lại rất vất vả.

Đất đai xấu nhất so với các đơn vị trong tỉnh; nguồn nước bị vôi hóa, nhiễm phèn nặng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bộ đội và tăng gia. Khí hậu, thời tiết “đỏng đảnh nhất” vì mùa khô kéo dài, nắng nóng thường chạm đỉnh 39 - 40 độ C; mùa mưa ít hơn nơi khác 1-2 tháng nên việc “cháy nước” thường diễn ra”. Là đồn “đệ nhất khó” nên cán bộ, chiến sĩ đều có phẩm chất vượt khó, khắc chế hoàn cảnh nên đơn vị đạt nhiều thành quả đáng khích lệ.

Kỳ tích 30 ha “vàng trắng”

Vượt qua quãng đường rừng núi, trước mắt tôi là những hàng cao su xanh mỡ màng, cao ngang đầu người. Trong nắng gió cao nguyên, khoảng chục chiến sĩ áo đẫm mồ hôi đang cặm cụi bón phân, làm cỏ cao su. Anh Điển cho biết: “Đồn ít người nhưng với 30 ha cao su này, chúng tôi vừa khai hoang, đào hố, bón phân, xuống giống chỉ trong vòng hơn một tháng. Quân số tham gia lúc cao nhất chỉ 20 người”.

 “Bản thân Đồn trưởng mỗi lần về tỉnh công tác đi xe máy cá nhân, giúp Đồn tiết kiệm mỗi chuyến 500 nghìn đồng xăng xe ô tô để dồn kinh phí làm cao su. Mỗi đồng chí trong Ban Chỉ huy cũng nhận chăm sóc 200 gốc cao su như mọi người. Từ đó đã cổ vũ chiến sĩ nỗ lực hoàn thành 30 ha “vàng trắng”.  

Thượng tá Nguyễn Trung Đạt,
Chính trị viên Đồn Ia Lôp

Theo anh Điển, lúc đầu không ít người hoài nghi tính khả thi của dự án “vàng trắng”. Để hoàn thành công việc đúng tiến độ, chỉ huy Đồn thống nhất: Đây là thời cơ lớn để đơn vị tạo bước đột phá trong tăng gia sản xuất, tạo nguồn xây dựng đơn vị, cải thiện đời sống lâu dài; song cũng là “cuộc chiến trường kỳ” trong 6-7 năm mới có thu hoạch. Vì vậy, phải thống nhất ý chí và quyết tâm cao trên tinh thần xây dựng đơn vị thì dự án mới thành công.

Anh Điển “bật mí”, nếu dàn hết quân cũng không thể đào hố cho 30 ha cao su. Đồn chủ động liên hệ với doanh nghiệp trên địa bàn nhờ máy múc hố; vận động các Cty 72, 75 (Binh đoàn 15) hỗ trợ 52 tấn phân vi sinh bón lót lần đầu. Các lần bón lót sau, Đồn vận động các Cty cao su Chư Păh, Chư Prông hỗ trợ. Nhờ đó, Đồn giảm chi phí hàng trăm triệu đồng.

Về cây giống, Đồn BP Ia Lôp được Cty cao su Chư Prông giảm 50% giá. Tiền mua giống hết 264 triệu đồng, Đồn đề xuất Bộ Chỉ huy BP tỉnh “bảo lãnh” để Cty cao su Chư Prông khoanh nợ trả dần trong 3 năm.

Trồng được đã khó, để cây phát triển càng khó hơn, có những đơn vị trồng cao su tỷ lệ cây chết tới 20-30%. Để khắc phục tình trạng này, “Tổ kỹ thuật” được lập ra với 5 quân nhân có kinh nghiệm làm cao su tiểu điền theo dõi, chăm sóc cao su. Tổ kỹ thuật được tập huấn, kết hợp mời cán bộ kỹ thuật các nông trường về phổ biến, kiểm tra việc gieo trồng của Đồn.

“Lần đầu trồng cao su mà tỷ lệ chết chỉ 5%, cây xanh tốt như cao su của nông trường là thành công hiếm có. Với đà này, khoảng 4 năm nữa, Ia Lôp thu được những dòng “vàng trắng” đầu tiên. Khi thu hoạch sẽ mang về cho Đồn trên 2 tỷ đồng/năm”, ông Trần Anh Cương, GĐ Nông trường Quyết Thắng (Cty cao su Chư Păh) đánh giá.

Thú rừng tung tăng vùng biên

Điểm nhấn tăng gia sản xuất của Đồn BP Ia Lôp còn phải kể đến những dự án chăn nuôi “khủng” cho hiệu quả trông thấy. Đầu tiên là dự án “heo rừng”. Ngày mới về công tác, thấy đồng bào xã có giống heo nhỏ, lông dày, thịt nạc thơm ngon như thịt heo rừng, chuyên thả rông, chi phí đầu tư ít, phù hợp với điều kiện của Đồn. Anh Điển bàn với cấp ủy, chỉ huy nuôi thử nghiệm. Lúc đầu hơn chục con, sau 1 năm, đàn heo lên gần 30 con. Nhưng heo đi ăn xa bị dính bẫy kẻ xấu, Đồn mua lưới thép giăng thành trang trại, giữ nguyên môi trường sống tự nhiên. Hiện, đàn heo gần 70 con, có lúc gần 100 con.

Dự án bò lai cũng đang thành công ở vùng biên này. Anh Điển cho biết, lúc đầu đồn nuôi 6 con bò. Bò dễ nuôi, mau lớn. Năm 2011, đơn vị vay ngân hàng 100 triệu đồng mua 12 con bò. Sau một năm, đàn bò phát triển ổn định. Năm 2012, Đồn lập dự án mở rộng khu chăn nuôi, vay tiếp 200 triệu mua thêm 19 con bò. Tháng 4/2013, Đồn lọc bán lứa đầu tiên 12 con trả ngân hàng. Hiện, Đồn còn 52 con, trị giá trên 400 triệu.

Mùa khô, cỏ khô cháy hết, nguồn nước khan hiếm, việc chăn nuôi rất khó khăn. Khi giúp dân gặt lúa, người dân ủng hộ đồn 3 - 4 xe tải rơm rạ dự trữ cho gia súc. Đồn trồng thêm chuối, sắn, khoai, ngô cho gia súc. Mỗi lần bán bò, Đồn trích 5% giá trị động viên anh em trực tiếp chăn nuôi. Để dự trữ nước, điều hòa không khí nơi “đệ nhất nóng”, tạo cảnh quan môi trường và đa dạng hóa sản phẩm tăng gia, Đồn tạo 1 ha ao nuôi cá nước ngọt.

Chính trị viên Trung Đạt cho biết, từ chỗ thiếu thốn mọi bề, đến nay Ia Lôp không phải mua thực phẩm dịp lễ, Tết. Đồn tự túc được 60% thực phẩm thường xuyên, tạo quỹ xây dựng đơn vị.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG