Micro Dragon được chế tạo bởi 36 kỹ sư người Việt, thuộc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đây là đội ngũ kỹ sư đang theo học ngành công nghệ vũ trụ tại Nhật Bản. Sau thời gian dài bắt tay vào chế tạo dưới sự hướng dẫn của các GS Nhật Bản, MicroDragon đã bước vào giai đoạn thử nghiệm. Vệ tinh nặng 50kg, có kích thước 50 x 50 x 50 cm.
Sau khi phóng lên vũ trụ, MicroDragon sẽ nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Phát hiện độ bao phủ của mây, tính chất của sol khí để phục vụ cho việc hiệu chỉnh khí quyển. Thu các tín hiệu cảm biến trên mặt đất sau đó chuyển các dữ liệu này một cách nhanh chóng tới các địa điểm cách xa nhau trên Trái Đất.Thử nghiệm công nghệ vật liệu mới (Atomic oxygen, Antimony Tin Oxide Coating Solar cell).
Sau MicroDragon, Việt Nam sẽ tiếp tục chế tạo hai vệ tinh gồm LOTUSat-1 và LOTUSat-2, hai vệ tinh theo công nghệ radar tiên tiến hiện nay. LOTUSat-1 có có khối lượng tới 600kg, gần 12 lần MicroDragon, kích thước là 1,5mx1,5mx3m, tồn tại trên vũ trụ 5 năm. Vệ tinh sử dụng công nghệ radar, có thể chụp ảnh trong một điều kiện thời tiết và có thể phát hiện các vật thể trên bề mặt trái đất có kích thước từ 01m trở lên.
LOTUSat-1 sẽ do Nhật Bản chế tạo với sự tham gia của các kỹ sư Việt Nam. Đến LOTUSat-2, việc thiết kế, chế tạo sẽ diễn ra ở Việt Nam, do đội ngũ người Việt thực hiện. Theo lộ trình mới nhất, LOTUSat-1 sẽ phóng vào khoảng 2019-2020. Hiện đang trong quá trình thương thảo và ký hợp đồng. LOTUSat-2 sẽ được chế tạo vào 2022.
Để chuẩn bị cho việc chế tạo LOTUSat-2 tại Việt Nam, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đang gấp rút đào tạo nhân lực với nhiều lượt cán bộ được cử đi đào tạo tại các quốc gia có nền công nghệ vũ trụ tiên tiến nhất. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở hạ tầng hiện đại đang được xây dựng và hoàn thiện.