Một trong những giếng hoá đá (petrifying well) nổi tiếng nhất thế giới nằm ở thị trấn Knaresborough, North Yorkshire, Anh. Giếng hoá đá Knaresborough được khai thác du lịch lần đầu vào năm 1630 và đến bây giờ vẫn khiến du khách ngạc nhiên về “khả năng” kỳ lạ - có thể hoá đá mọi vật.
Trong nhiều thế kỷ, người dân địa phương tin rằng, giếng hoá đá này bị quỷ dữ nguyền rủa. Người ta càng chắn chắn vào giả thiết này khi một bên thành giếng trông giống như một hộp sọ khổng lồ. Người dân bị ám ảnh với nỗi sợ sẽ bị biến thành đá nếu chạm vào nước giếng.
Điều đáng kinh ngạc nhất là tốc độ của hiện tượng địa chất này. Một vài du khách bỏ lại những vật dụng hàng ngày trong giếng với mục đích chứng kiến sự biến đổi, và chúng hoá đá chỉ sau vài tuần.
Những đồ vật từ lâu đời, như chiếc mũ cao và mũ có dây buộc cho phụ nữ thời Victoria từ những năm 1800, vẫn còn cho đến nay, dĩ nhiên đã chuyển sang trạng thái đá rắn. Những năm gần đây, du khách để lại gấu bông, ấm nước… và thậm chí cả xe đạp trong giếng hoá đá, và chúng cũng bị biến đổi. Theo The Vintage News, những vật thể trên được bao bởi lớp vỏ cứng khoáng chất, tương tự như các nhũ đá và măng đá hình thành trong hang động.
“Khi nhìn thấy những con gấu bông đóng đá treo dưới thác nước cùng với quần áo, mũ, giày và thậm chí cả một chiếc ô, tôi nhận ra bản thân đang quan sát một cảnh tượng địa chất tuyệt vời. Gấu bông nhỏ mất từ ba đến năm tháng. Những món đồ lớn hơn (gấu bông lớn và quần áo) mất từ sáu đến mười hai tháng. Các vật phẩm cứng hơn như mũ đội đầu hoặc mũ bảo hiểm có thể mất tới 18 tháng mới bị hoá đá hoàn toàn”, du khách tên Monty White viết trên blog.
Các nhà khoa học hiện đại đã phân tích mẫu nước từ giếng hoá đá và phát hiện lượng khoáng chất cao đột biến, tạo thành một lớp phủ xung quanh các vật thể. Thời gian càng lâu, lớp phủ này sẽ trở thành lớp vỏ khoáng cứng, giống như cách hình thành thạch nhũ, nhưng với tốc độ nhanh hơn nhiều. Trên thực tế, nồng độ canxit trong nước cao tới mức du khách bị cấm uống.
Tài liệu tham khảo sớm nhất về giếng nước là của John Leyland, nhà khảo cổ sống ở thời Henry VIII (1491-1547), từng đến thăm giếng nước vào năm 1538. Ông viết, vào thời điểm đó giếng nước rất nổi tiếng, du khách thi nhau uống và tắm vì tin rằng nước nơi đây có khả năng chữa bệnh thần kỳ. Tuy nhiên, khi nhận ra đồ vật rơi xuống giếng đều bị hoá đá, không còn ai dám chạm vào nước giếng.
Người nảy sinh ý tưởng biến giếng nước vốn bị cho là quỷ ám thành điểm du lịch là một quý tộc Anh có tên Charles Slingsby. Người ta nhận định, ông mua lại mảnh đất có giếng nước từ Vua Charles I (1600-1649) vào năm 1630 vì nhận ra cơ hội kiếm tiền. Kể từ đó, giếng hoá đá và khu vực xung quanh luôn là điểm đến thu hút du khách ưa sự bí ẩn.