Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quan ngại sâu sắc về thực tế này ở Việt Nam. TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề này. Ông Tùng cho biết: Việt Nam quản lý nguồn nước theo quy chuẩn, trong đó nước sinh hoạt áp dụng quy chuẩn cao nhất là A1. Điều đó cho thấy chúng ta cũng đặt chất lượng nước cho sinh hoạt là quan trọng nhất.
Tuy nhiên, bất cập lớn nhất hiện nay là chưa quy hoạch mục đích sử dụng nước các lưu vực sông. Việc quy hoạch đã có trong Luật Tài nguyên nước song thực tế do nhiều khó khăn chưa triển khai được dẫn đến việc không biết áp dụng quy chuẩn nào để xác định mức độ ô nhiễm của nguồn nước.
Cụ thể những khó khăn đó là gì, thưa ông?
Khi khảo sát thực tế, phát hiện rất nhiều mâu thuẫn trong sử dụng nguồn nước hiện nay. Cùng một đoạn sông nhưng có thể có nhiều mục đích sử dụng nước khác nhau. Một nhà máy nước sạch Hà Nam từng phải dừng hoạt động nhiều lần do nguồn nước thường xuyên bị ô nhiễm từ Hà Nội chảy xuống.
Ở Đồng Nai và Bình Thuận có chuyện, cùng một đoạn sông cách nhau vài mét lại được dùng cho 2 mục đích khác nhau, phía trên dùng cho tưới tiêu nuôi trồng thủy sản, phía dưới dùng để cấp nước sinh hoạt. Cũng có trường hợp đoạn sông dùng cho cấp nước sinh hoạt có cả hoạt động chăn nuôi. Khi xây dựng quy chuẩn nước thải chăn nuôi, cơ quan quản lý chất lượng nước yêu cầu nước thải chăn nuôi phải đạt quy chuẩn chặt chẽ (loại A) nếu muốn xả thải vào vùng dành cho cấp nước nước sinh hoạt thì bị phàn nàn là không khuyến khích sản xuất, đánh đố người dân. Thực tế, việc quản lý nước hiện nay rất khó khăn, nhiều vấn đề.
Tại Việt Nam, WHO từng khuyến cáo giải pháp, quy trình bảo vệ nguồn nước cấp sinh hoạt. Tôi có trao đổi với đại diện WHO, họ nói rất tiếc Việt Nam chưa thực hiện quy trình đó.
Trong sự cố dầu thải nước sông Đà có người đặt vấn đề, nếu đó không phải là dầu thải mà là một số chất độc khác thì hàng chục vạn người dân đã bị ảnh hưởng sức khỏe ngay lập tức. Điều đó cho thấy, chúng ta đang có những lỗ hổng rất lớn trong quản lý nguồn nước.
Vậy theo ông các giải pháp cấp bách cần làm là gì?
Hiện nay, rất nhiều nhà máy dùng nước sông để cấp nước sinh hoạt, không chỉ tại Hà Nội mà ở nhiều địa phương khác như Đà Nẵng, Đồng Nai, TPHCM. Trước mắt, cần xác định rõ ràng các vùng nước cấp sinh hoạt gồm đoạn nào, sông suối nào. Đây là vùng cần ưu tiên bảo vệ nghiêm ngặt, được công bố rộng rãi để người dân biết.
Trên cơ sở đó, xây dựng quy trình an toàn nguồn nước cấp sinh hoạt như quan trắc online những thông số nào, quan chắc định kỳ, hệ thống an toàn, quy trình ứng phó sự cố ra sao. Quy trình an toàn nguồn nước cấp sinh hoạt đã được WHO cũng như nhiều quốc gia xây dựng, chúng ta có thể tham khảo.
Tại các vùng được xác định là dùng cho cấp nước sinh hoạt, cần tiến hành tổng rà soát các nguồn thải. Tại lưu vực đó cần phải biết cụ thể những nhà máy nào, trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất nào, nước thải trực tiếp, gián tiếp ra là gì để có những biện pháp cương quyết xử lý nếu không tuân thủ các quy định môi trường. Nếu không đáp ứng các yêu cầu về môi trường thì phải di dời, đình chỉ sản xuất ngay. Đồng thời phải có hệ thống quan trắc chất lượng chi tiết, kết hợp quan trắc tự động và định kỳ, cùng các biện pháp bảo đảm an toàn nguồn nước.
Sau sự cố này, chúng ta cũng cần triển khai ngay quy hoạch sử dụng nguồn nước, phân vùng cụ thể cho cấp nước sinh hoạt, nước tưới tiêu…Việc phân vùng này sẽ rất khó khăn do nhiều mâu thuẫn phát sinh trong thực tế sử dụng nước hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta phải làm và làm bằng được. Việc phân vùng này phải có sự đồng bộ, thống nhất của cơ quan quản lý địa phương và Bộ Tài nguyên và Môi trường bởi hiện nay quy định của Luật Tài nguyên nước là địa phương quản lý sông, suối nội tỉnh còn Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý sông suối liên tỉnh.
Cảm ơn ông!