Giải mã công nghệ màng lọc xử lý nước nhiễm dầu sông Đà

TPO - Các miếng lọc dầu có xuất xứ từ Mỹ, được sản xuất từ sợi tái chế của ngành dệt, có khả năng lọc dầu lẫn trong nước đang trở thành "cứu cánh" cho nước nhiễm dầu tại thượng nguồn sông Đà sau sự cố đổ trộm dầu thải.

Sau 4 ngày làm việc, Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS) triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm dầu trong môi trường đất, nước và bùn sa lắng tại khu vực xảy ra sự cố đổ trộm dầu thải dẫn đến ô nhiễm nguồn nước cấp sông Đà.

Giải mã công nghệ màng lọc xử lý nước nhiễm dầu sông Đà ảnh 1
Biện pháp khẩn cấp đầu tiên là lắp màng lọc tại đầu nguồn nơi xảy ra sự cố kéo dài đến kênh dẫn nước của nhà máy nhằm tách dầu lẫn trong nước thoát ra từ hoạt động thu gom đất, bùn, rác nhiễm dầu trên suối.
Giải mã công nghệ màng lọc xử lý nước nhiễm dầu sông Đà ảnh 2
Dầu khuếch tán lẫn trong nước không nhìn được bằng mắt thường đều bị chặn lại tạo lớp màu vàng tại lớp lọc. Đây là một sản phẩm lọc dầu lẫn trong nước rất hiệu quả ngay cả với lưu tốc dòng chảy mạnh, đặc biệt thích hợp cho ứng phó sự cố dầu tràn chìm trong nước xâm nhập vào bờ biển, đồng nuôi thủy sản, các khu vực nhạy cảm hoặc dầu tràn ra cống rãnh ao hồ. Sản phẩm này có xuất xứ từ Mỹ, được sản xuất từ 100% sợi tái chế của ngành công nghiệp dệt với giá thành rất hợp lý, khoảng 300.000 đồng/m2. 
  Giải mã công nghệ màng lọc xử lý nước nhiễm dầu sông Đà ảnh 3

Từ Suối Trầm đến Suối Bằng, hàng chục màng lọc dầu chuyên dụng được sử dụng, sắp xếp theo nguyên tắc: trong 50m từ nơi khởi nguồn sự cố, cách 5-15m một màng lọc.

Trong 500 mét tiếp theo, cứ 50-70m một màng lọc, sau đó khoảng 200m một màng lọc. Theo ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc SOS, việc lắp nhiều lớp màng lọc nhằm "bắt" dầu ngay khi thoát hay nhả ra từ đất hoặc cỏ mà nó bám dính, không cho dầu có cơ hội khuếch tán trong nước hay sa lắng xuống đáy. Khi các màng lọc ngấm đủ dầu, màng lọc mới sẽ được thay thế. Hiện Trung tâm ứng phó sự cố môi trường quốc gia đã tiến hành căng 18 tấm màng ngăn dầu, mỗi tấm dài khoảng 15 m, rộng hơn 2 m được căng ngang lòng kênh. 

Giải mã công nghệ màng lọc xử lý nước nhiễm dầu sông Đà ảnh 4

Các xe chuyên dụng được huy động để thu gom cây cỏ nhiễm dầu nơi đầu nguồn sự cố. Dự kiến hoạt động này kéo dài 1-2 ngày tới.

Giải mã công nghệ màng lọc xử lý nước nhiễm dầu sông Đà ảnh 5

Toàn bộ khu vực đất có nguy cơ nhiễm dầu được đào lên nhằm ngăn chặn mưa lớn có thể cuốn dầu trong đất xuống suối. 

Giải mã công nghệ màng lọc xử lý nước nhiễm dầu sông Đà ảnh 6

Đất nhiễm dầu được thu gom vào các bao dứa, đưa về nơi tập kết, sau đó được đưa đi xử lý như chất thải nguy hại. 

Giải mã công nghệ màng lọc xử lý nước nhiễm dầu sông Đà ảnh 7

Tại khu vực hồ Đầm Bài tiếp giáp với suối Bằng, kênh dẫn nước vào trạm bơm Nhà máy nước sạch sông Đà, các chuyên gia SOS tiến hành bơm hút bùn sa lắng đưa lên lưu giữ tại nơi được thiết kế đúng quy chuẩn. Bùn thải này sẽ được mang đi phân tích, nếu là chất thải nguy hại sẽ được xử lý đúng quy trình.

Giải mã công nghệ màng lọc xử lý nước nhiễm dầu sông Đà ảnh 8
Toàn cảnh khu vực xảy ra sự cố ô nhiễm dầu thải. Trung tâm SOS đang tiếp tục triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm khu vực này. Công việc dự kiến kéo dài trong những ngày tới. 
 
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.