Đảm bảo đủ vũ khí đánh địch
Chiến dịch phòng không tháng 12/1972 là một cuộc đấu trí, đấu lực vô cùng quyết liệt của quân và dân Việt Nam với không quân Mỹ, đặc biệt với lực lượng không quân chiến lược B-52 và là một cuộc đối chọi về chiến lược chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ ở thời điểm quyết định. Trong chiến dịch này, ngành kỹ thuật quân sự đã thực hiện tốt nhiệm vụ công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”.
Trước hết, ngành kỹ thuật đã bảo đảm đúng, đủ và kịp thời về vũ khí, trang bị cho các lực lượng phòng không, không quân tham gia tác chiến. Trước Chiến dịch phòng không tháng 12/1972, trên cơ sở nghiên cứu nắm chắc địch và kế thừa kinh nghiệm bảo đảm kỹ thuật trong Chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng vào cuối năm 1967, ngành kỹ thuật đã nhanh chóng triển khai kế hoạch bảo đảm kỹ thuật cấp chiến lược cho các lực lượng phòng không, không quân trên toàn miền Bắc theo phương thức bảo đảm mới là tăng cường lực lượng dự trữ cần thiết cho các đơn vị, có sự hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị bạn và địa phương, nhất là việc xây dựng hệ thống kho, trạm sửa chữa, các tuyến bảo đảm đạn, vật tư, vũ khí, trang bị kỹ thuật. Các đơn vị phòng không đều được bảo đảm đạn với cơ số dự trữ quy định để có thể liên tục chiến đấu trong một thời gian nhất định.
Cục Quân khí đã xuất kho, cấp pháo phòng không 57mm, 37mm hai nòng do Trung Quốc mới viện trợ. Chỉ tính riêng trong ba tháng, từ tháng 3 đến tháng 5/1972, tổng khối lượng vũ khí, khí tài, đạn dược đã được cấp là 19.559 tấn (trong đó có 8.540 tấn vũ khí, 11.019 tấn đạn), chủ yếu là vũ khí, đạn phòng không, gấp 5 lần chỉ tiêu đầu năm đề ra và lớn hơn khối lượng của các năm (1969, 1970, 1971) cộng lại. Ngoài số lượng cấp phát ở kho chiến lược, vũ khí trang bị còn được điều chỉnh từ đơn vị này sang đơn vị khác bảo đảm theo hướng chiến lược…
Riêng đối với Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ), ngành Kỹ thuật chỉ đạo Cục Quân khí chuyển vũ khí, đạn thẳng tới các sư đoàn phòng không trên các hướng. Đạn phòng không được dự trữ trên từng khu vực, theo từng cấp, đủ từ 2 đến 3 cơ số để bảo đảm từ 2 đến 3 đợt chiến đấu trong 5 đến 7 ngày; ở trận địa phòng không phải bảo đảm đủ 1 cơ số chiến đấu trong 1 đến 2 ngày (trong ngày tiêu thụ đến đâu bổ sung đến đấy).
Về đạn tên lửa, đến ngày 18/12/1972, các trung đoàn tên lửa bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng đều có từ 1,8 đến 2,1 cơ số dự trữ chiến đấu. Ngành kỹ thuật quân đội đã chỉ đạo Quân chủng PK-KQ tiếp nhận nhanh, gọn 7 trung đoàn pháo phòng không do Trung Quốc viện trợ ở Lạng Sơn để trang bị cho một số đơn vị mới thành lập của Quân chủng, Quân khu IV và các đơn vị.
Chống nhiễu cho vũ khí, khí tài
Trong Chiến dịch phòng không tháng 12/1972, để hạn chế hỏa lực tên lửa của lực lượng phòng không, không quân Việt Nam thì tác chiến điện tử được Mỹ đặc biệt coi trọng và cho rằng đây là “con đường sống còn của các lực lượng không quân”. Thực tiễn trong chiến dịch, nhiễu là một điểm mạnh của máy bay Mỹ, nhất là máy bay B-52, nhưng chính nhiễu lại làm lộ mục tiêu và là cơ sở để chúng ta ngắm trực tiếp vào nó mà đánh. Với cách đánh này, nhiều máy bay Mỹ đã bị bắn rơi, kể cả máy bay B-52.
Việc nghiên cứu nhiễu và chống nhiễu cũng như việc nghiên cứu đối phó với thủ đoạn sử dụng tên lửa “Sơ-rai” của Mỹ trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thường xuyên của ngành kỹ thuật. Ngay từ những năm 1967, 1968, sau khi thu được các máy trinh sát điện tử, máy gây nhiễu trên các máy bay Mỹ bị bắn rơi, ngành Kỹ thuật chỉ đạo Viện Kỹ thuật quân sự, Trường Đại học Kỹ thuật quân sự, Phòng Nghiên cứu kỹ thuật Quân chủng PK-KQ phân tích và khôi phục cho máy gây nhiễu làm việc. Nhờ vậy, các cán bộ kỹ thuật quân sự Việt Nam không những đã tìm hiểu được nguyên lý làm việc, đánh giá đúng các thông số kỹ thuật của các máy gây nhiễu, mà còn đo được chính xác sơ đồ cánh sóng nhiễu, phát hiện khu mù của nhiễu trong đội hình, của các loại máy bay cũng như các điểm mạnh, yếu của chúng.
Từ tháng 3/1971, Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam loại rađa K8-60 đi kèm với pháo phòng không 57mm, ta đã sử dụng nhưng luôn bị nhiễu và không phát hiện được mục tiêu. Trước tình hình trên, ngành kỹ thuật chỉ đạo Cục Quân khí giao cho nhóm kỹ sư rađa của Phòng Vũ khí phòng không tiến hành nghiên cứu, khắc phục tình trạng kỹ thuật của rađa. Sau một thời gian dày công nghiên cứu, nhóm kỹ sư đã đưa rađa K8-60 hoạt động ổn định và tránh được tên lửa “Sơ-rai” của Mỹ phóng vào.
Do được chỉ đạo chuẩn bị tốt về vũ khí, trang bị kỹ thuật, ngay trong đêm đầu của Chiến dịch phòng không tháng 12/1972, lực lượng rađa đã kịp thời phát hiện, xác định đúng; lực lượng không quân sử dụng máy bay MiG-21 cất cánh; bộ đội pháo phòng không và tên lửa đều khai hỏa kịp thời vào các tốp máy bay địch đánh phá. Đêm ngày 18/12, ta đã bắn rơi 8 máy bay địch; đặc biệt bộ đội tên lửa đã bắn rơi 3 chiếc máy bay B-52, trong đó có 2 chiếc rơi tại chỗ. Tiếp đó, đêm 26/12, các lực lượng phòng không trên cả ba khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đã có trận đánh lớn giành thắng lợi giòn giã bắn rơi 8 máy bay B-52 của Mỹ, có 4 chiếc rơi tại chỗ...
Sẵn sàng cho chiến tranh công nghệ cao
Theo Trung tướng Lê Quý Đạm, từ thực tế chiến đấu 12 ngày đêm của Chiến dịch phòng không tháng 12/1972, ngành kỹ thuật đã rút ra bài học kinh nghiệm về công tác chỉ đạo bảo đảm kỹ thuật quân sự cho cuộc chiến tranh công nghệ cao.
Đó là nghiên cứu sử dụng phương tiện kỹ thuật để làm vô hiệu hóa vũ khí điện tử của địch; tăng cường các biện pháp ngụy trang, nghi binh nâng cao khả năng che giấu, bảo vệ lực lượng, phương tiện; nâng cao khả năng cơ động, linh hoạt di chuyển, dịch chuyển phòng tránh, kịp thời phân tán, sơ tán vũ khí trang bị kỹ thuật để bảo toàn lực lượng; kịp thời bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật vũ khí trang bị kỹ thuật cho các lực lượng tham gia.
Để chống lại vũ khí trang bị ngày càng hiện đại của đối phương trong chiến tranh công nghệ cao, ngay trong thời bình, Nhà nước, Quân đội cần phải trang bị và bảo đảm kỹ thuật cho mọi chủng loại vũ khí, trang bị phòng không ở mức cao nhất trong điều kiện có thể để các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời, biển đảo, bảo vệ chế độ, bảo vệ công cuộc lao động hòa bình của nhân dân. Đồng thời răn đe, ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, không để xảy ra chiến tranh, sẵn sàng đánh thắng những đòn tiến công xâm lược bằng đường không vào Việt Nam.
"Nhận thức rõ việc bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, khí tài tham gia đánh lớn, đánh liên tục là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, ngành kỹ thuật quân đội đã tích cực đôn đốc các đơn vị hoàn thành kế hoạch bảo quản định kỳ... Nhờ vậy, đến đầu tháng 12/1972, 100% khí tài các tiểu đoàn tên lửa đều sẵn sàng chiến đấu; có từ 95 đến 100% pháo phòng không ở phía Bắc và phía Nam Đường số 1, ở Hải Phòng và Hà Nội có tình trạng kỹ thuật tốt; khí tài pháo phòng không tốt đạt từ 70 đến 80%, rađa cảnh giới dẫn đường tốt đạt 87%, máy bay phản lực tốt đạt 70%, máy bay cánh quạt tốt đạt 77%".
Trung tướng Lê Quý Đạm