Kỷ niệm 45 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

Kỳ 3: Chiến dịch Linebacker II nhìn từ hai phía

Kỳ 3: Chiến dịch Linebacker II nhìn từ hai phía
TPO - Chiến dịch Linebacker II chỉ diễn ra trong vòng 12 ngày đêm, nhưng để lại những đánh giá rất khác nhau trong các tài liệu tổng kết và nghiên cứu của các bên. Đó là ý kiến của Thiếu tướng, TS Lê Văn Ngọc, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ).

Đưa các tổ bay vào chỗ chết?

Theo đó, từ phía Mỹ, một số tướng lĩnh, phi công và các nhà nghiên cứu cho rằng, chiến dịch đã đạt được mục tiêu chiến lược. Thậm chí có nhà phân tích ca ngợi cách điều hành chiến dịch của Tổng thống Ních-xơn khiến chính quyền Hà Nội phải ngồi vào bàn đàm phán để ký Hiệp định Paris.

Đầu năm 1973, chỉ vài tháng sau khi kết thúc chiến dịch, Bộ Chỉ huy Không quân chiến lược đã tiến hành nghiên cứu tổng kết về công tác điều hành và chiến thuật của Chiến dịch Linebacker II. Để phục vụ công tác nghiên cứu, ngay sau chiến dịch, Bộ chỉ huy Không quân chiến lược đã cho thu thập các ảnh chụp từ máy bay SR-71 và các máy bay không người lái về hiệu quả các đợt ném bom vào các mục tiêu của chiến dịch.

Một kết quả không mấy lạc quan là các số liệu tổng hợp cho thấy, xác suất trúng mục tiêu của các đợt ném bom không được như dự kiến. Mặc dù kết quả không được công bố rộng rãi, nhưng có các ý kiến phê phán cách điều hành máy móc chiến thuật của chiến dịch, khi đội hình tấn công trong ba đêm đầu tiên bay vào theo một đường thẳng, tiến vào cùng một hướng, cách tiếp cận mục tiêu cũng giống nhau, hướng cơ động sau khi ném bom là giống nhau và giãn cách 4 giờ sau mỗi đợt ném bom là giống nhau.

Ngoài ra, cách sử dụng hành lang nhiễu cũng kém hiệu quả, do hành lang này quá hẹp và gió đã thổi bay khá nhiều. Thậm chí, có tác giả tỏ ra hoài nghi về việc lựa chọn 8 mục tiêu chiến lược mà Bộ Tư lệnh Không quân chiến lược lựa chọn chưa đúng tầm các mục tiêu mang ý nghĩa chiến lược của một chiến dịch mang ý nghĩa quyết định cho toàn bộ cuộc chiến như Chiến dịch Linebacker II. 

Kỳ 3: Chiến dịch Linebacker II nhìn từ hai phía ảnh 1

Một số tác giả Mỹ cho rằng, nhiều sĩ quan của Bộ Chỉ huy Không quân chiến lược đặt tại căn cứ Offutt AFB, Omaha-Nebraska khởi thảo ra kế hoạch của chiến dịch, nhưng chưa bao giờ tham gia không chiến trên bầu trời miền Bắc Việt Nam, nhiều ý kiến của các phi công từ các căn cứ Andersen, Guam và Utapao, Thái Lan đã không được tiếp thu.

Một số tác giả cho rằng, hành động từ chối bay có thể có hai lý do: Thứ nhất, có thể là lý do đạo đức, tâm trạng lo sợ và phản đối cuộc ném bom xuống Hà Nội. Thứ hai, có thể họ bày tỏ thái độ không hài lòng với cách điều hành chiến thuật của Bộ Tư lệnh Không quân chiến lược và cho rằng các nhiệm vụ này đưa các tổ bay vào chỗ chết.

Chiến dịch Linebacker II là một trong những chiến dịch quan trọng nhất, có ý nghĩa chiến lược trong việc tìm lối thoát cho cuộc chiến ở Việt Nam của Mỹ. Về mục tiêu và tính chất, Không quân và Hải quân Mỹ đánh rất ác liệt vào các mục tiêu ở Hà Nội và Hải Phòng, có cả những mục tiêu dân sự như các khu dân cư, bệnh viện, trường học…, với mục đích tạo ra sự thay đổi tương quan lực lượng có tính chiến lược hòng gây sức ép mạnh nhất buộc Bắc Việt Nam phải đàm phán hòa bình theo các điều kiện do Mỹ đặt ra; đồng thời, tiếp tục đánh phá tiềm lực kinh tế và quốc phòng của miền Bắc, ngăn chặn chi viện cho miền Nam.

Về công tác điều hành Chiến dịch Linebacker II, một số tác giả Mỹ đã khái quát các nguyên tắc trong điều hành bao gồm: Một, nguyên tắc tính mục đích; hai, nguyên tắc tấn công; ba, nguyên tắc tập trung hỏa lực; bốn, nguyên tắc hiệu quả; năm, nguyên tắc chỉ huy thống nhất; sáu, nguyên tắc linh hoạt và bảy, nguyên tắc bất ngờ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích Mỹ cũng như các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự của Liên Xô và Việt Nam đã cho rằng, nhiều điểm trong các nguyên tắc trên chưa được tuân thủ. Ví dụ như nguyên tắc chỉ huy thống nhất chưa được tuân thủ khi có đến ba cơ quan chỉ huy riêng rẽ điều hành chiến dịch. Nguyên tắc bất ngờ cũng không đạt được, khi nhiều đêm liên tiếp không thay đổi chiến thuật, đường bay, cách ném bom và hướng thoát ly. Một số tác giả còn phân tích cách sử dụng các thiết bị tác chiến điện tử, thời điểm thả nhiễu sớm đã bị gió thổi đi và bị hệ thống rađa của Việt Nam phát hiện để phán đoán hướng vào và thời điểm xuất hiện của máy bay B-52.

Việt Nam đã phóng bao nhiêu quả tên lửa?

Theo Thiếu tướng Lê Văn Ngọc, trong 12 ngày đêm, Không quân Mỹ đã sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng với 795 lần xuất kích nhưng chỉ có 729 lần chiếc bay được đến mục tiêu. Các máy bay B-52 đã trút 15.287 tấn bom vào 34 mục tiêu. Phá hủy hoặc gây hỏng nặng 1.600 cơ sở quân sự và công nghiệp. Cùng với các máy bay B-52, các máy bay chiến thuật của Không quân và Hải quân Mỹ đã xuất kích 1.041 lần chiếc ban ngày và 1.082 lần chiếc ban đêm (các số liệu này do phía Mỹ đưa ra).

Trong 12 ngày đêm của chiến dịch, theo ước tính của phía Mỹ có khoảng 884 đến 1.285 quả tên lửa SAM-2 đã được phía Bắc Việt Nam phóng lên, trong đó chỉ có 24 quả trúng mục tiêu (tỷ lệ bắn trúng là 2,7%). Phía Mỹ thừa nhận có 15 chiếc B-52 bị bắn hạ, 3 chiếc bị thương nặng, 6 chiếc bị thương nhẹ.

Kỳ 3: Chiến dịch Linebacker II nhìn từ hai phía ảnh 2  Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và động viên bộ đội PK-KQ trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng Chạp năm 1972

 Mặc dù tỷ lệ rơi B-52 như vậy là thấp hơn dự đoán của nhiều chuyên gia (1,89%), nhưng đây cũng là tổn thất khá lớn của Không quân Mỹ, đó là một cái giá quá đắt. Theo thống kê của một số tác giả Mỹ, trong 12 ngày đêm, chỉ có 27 lần chiếc MiG xuất kích đánh B-52, số liệu này gần trùng với số liệu của phía Việt Nam. Về cường độ, trong 12 ngày đêm, Không quân và Hải quân Mỹ hoạt động mỗi ngày và đêm trung bình 3 ÷ 4 đợt, gồm 300 ÷ 400 lần chiếc, cao nhất 465 lần chiếc. Riêng B-52 hoạt động trung bình 70 ÷ 80 lần chiếc, ngày cao nhất 105 lần chiếc (đêm 26/12/1972).

Một trong những câu hỏi mà được nhiều chuyên gia và các nhà báo vẫn hay đặt ra là trong 12 ngày đêm của chiến dịch, phía Bắc Việt Nam đã phóng lên bao nhiêu quả tên lửa? Đã có nhiều con số được đưa ra, nhưng nói chung người Mỹ nói có khoảng từ 800 ÷ 1.000 quả, còn phía Việt Nam nói đã phóng 134 lần với 239 quả. Mặc dù con số do hai phía đưa ra có khác nhau, nhưng rất thú vị là một số phi công máy bay U-2 và RC-135 và một số nhà báo lại thiên về con số do phía Việt Nam đưa ra.

Một số nhà phân tích đặt ra vấn đề, tại sao Mỹ có vũ khí hiện đại và hệ thống tình báo “siêu việt” nhất thế giới mà lại không biết trong kho Bắc Việt Nam còn lại bao nhiêu quả tên lửa? Tại sao Mỹ không đánh tiếp vài ngày nữa? Trả lời câu hỏi này có lẽ phải lập luận cả khía cạnh chính trị và quân sự. Về khía cạnh chính trị, chắc người ta sẽ phải tìm đến các tài liệu tuyệt mật về kết quả của các cuộc đàm phán Mỹ - Xô và Mỹ - Trung Quốc mới có thể có được câu trả lời chính xác. Đồng thời, chắc Ních-xơn cũng không muốn kéo dài đến thời điểm Quốc hội Mỹ quay lại làm việc sau kỳ nghỉ Noel. Đến ngày 26/12/1972 (theo giờ Washington) phía Mỹ đã điện cho Việt Nam đề nghị nối lại các cuộc đàm phán hai bên đã thỏa thuận, các cuộc gặp sẽ diễn ra vào ngày 08/01/1973. 

Kỳ 3: Chiến dịch Linebacker II nhìn từ hai phía ảnh 3

Về phía ta, mặc dù một số tác giả Mỹ đánh giá khác nhau về kết quả của chiến dịch, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là chiến thắng của quân và dân miền Bắc trong chiến dịch phòng không 12 ngày đêm đã góp phần quyết định buộc Mỹ phải từ bỏ dã tâm dùng B-52 hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng và gây sức ép lên phía Việt Nam trên bàn đàm phán. Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris với các điều khoản quan trọng nhất có lợi cho phía Việt Nam như: Mỹ phải rút quân mà lực lượng quân giải phóng và các đơn vị miền Bắc vẫn ở lại miền Nam Việt Nam, tạo tiền đề cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Đúng như nhận định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Nếu số lượng B-52 bị rơi từ 1 ÷ 2% thì Mỹ vẫn chịu được, nếu số lượng B-52 rơi từ 6 ÷ 7% thì Nhà Trắng sẽ rung chuyển, nếu tỷ lệ B-52 rơi trên 10% thì Mỹ sẽ chịu thua”. Khi kết thúc chiến dịch, số lượng máy bay B-52 bị lực lượng Phòng không và Không quân Việt Nam bắn rơi là 34 trên tổng số 193 chiếc mà Mỹ huy động (tỷ lệ tổn thất là 17,6%). Đúng như tiên đoán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nước Mỹ đã rung động và buộc phải chấm dứt ném bom, ngồi vào bàn đàm phán để ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.

"Trong chiến tranh giữa một nước lớn phát triển với một nước nhỏ chưa phát triển, phía nước lớn rất khó thừa nhận bị thất bại, cho nên các con số thống kê có khác nhau, đó là điều không tránh khỏi.
Chiến tranh đã lùi xa, rất khó và có lẽ không cần thiết phải tranh luận về những con số tuyệt đối. Tuy nhiên, chiến thắng của quân và dân miền Bắc Việt Nam mà nòng cốt là lực lượng của Quân chủng PK-KQ trong chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 trên bầu trời Hà Nội là không phải bàn cãi. Nó đã được cả thế giới gọi là trận “Điện Biên Phủ” trên bầu trời Hà Nội".

Thiếu tướng Lê Văn Ngọc

MỚI - NÓNG
3 người tử vong trên sông Pô Kô, có 2 cán bộ huyện
3 người tử vong trên sông Pô Kô, có 2 cán bộ huyện
TPO - Thấy chị T (công chức Phòng TN&MT huyện Đức Cơ) trượt chân rơi xuống sông Pô Cô, trung tá N.V.V (Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Đức Cơ) và anh L.K.L (trú tại TP.Pleiku, Gia Lai) lao xuống cứu nhưng không được, cả ba người bị dòng nước chảy xiết cuốn tử vong.