Xây dựng Luật công nghiệp trọng điểm:

Kỳ 1: Điểm tên những ngành công nghiệp ưu tiên

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Là một trong những động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhiều năm qua nhưng ngành công nghiệp đang đối mặt với khó khăn. Nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp phát triển, Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Luật Công nghiệp trọng điểm với nhiều điểm mới, đột phá.

Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành công nghiệp

Chia sẻ tại tọa đàm về Dự án nghiên cứu, xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (14/7), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, nhằm thể chế hóa, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển công nghiệp, Bộ Công Thương đã và đang nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định, Luật Công nghiệp trọng điểm không hướng tới các công cụ quản lý theo hướng tăng cường sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường và hoạt động của doanh nghiệp. Các chính sách dự kiến quy định tại Luật Công nghiệp trọng điểm hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững ngành công nghiệp, đưa ra các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp theo định hướng của Đảng – đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng trong từng thời kỳ hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao.

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, việc ban hành Luật Công nghiệp trọng điểm là cấp thiết nhằm khuyến khích, kích thích ngành công nghiệp phát triển. Đề cương Luật Công nghiệp trọng điểm đề xuất Chính phủ ban hành chương trình quốc gia về phát triển công nghiệp theo từng thời kỳ 10 năm, nhằm định hướng và xác định mục tiêu phát triển cho các ngành công nghiệp trọng điểm trên phạm vi toàn quốc trong từng giai đoạn.

"Chương trình có vai trò quan trọng trong việc định hình chiến lược và kế hoạch phát triển bền vững cho ngành công nghiệp, đồng thời tập trung tối ưu sử dụng các nguồn lực của đất nước từ trung ương đến địa phương", ông Hoài cho hay.

Kỳ 1: Điểm tên những ngành công nghiệp ưu tiên ảnh 1

Cơ khí là một trong những ngành được ưu tiên phát triển trong Luật Công nghiệp trọng điểm. (Ảnh Quỳnh Nga)

Góp ý cho dự thảo luật, Ngân hàng Nhà nước cho biết, công nghiệp chế biến chế tạo là một trong những lĩnh vực ưu tiên cho vay vốn. Từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo ngân hàng tập trung vốn tín dụng cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay ngắn hạn. Đến cuối năm 2020, dư nợ tín dụng ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm gần 14% tổng dư nợ nền kinh tế.

“Đề nghị Bộ Công Thương rà soát, nghiên cứu, đánh giá, đề xuất chính sách tín dụng hỗ trợ phù hợp. Việc xây dựng chính sách ưu đãi với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cần được nghiên cứu thận trọng, phù hợp cam kết quốc tế”, Ngân hàng Nhà nước lưu ý trong văn bản góp ý dự thảo Luật Công nghiệp trọng điểm.

Tạo động lực phát triển lâu dài

Theo ông Lương Đức Toàn - Phó trưởng Phòng Công nghiệp chế tạo (Cục Công nghiệp), các ngành ưu tiên phát triển được quy định rõ trong dự thảo luật, nhằm tránh chồng chéo với hệ thống pháp luật hiện hành.

Theo ông Toàn, dự thảo Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ có chính sách ưu tiên nguồn lực, có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp. Tiêu biểu như ưu tiên phát triển thép hợp kim, thép đặc chủng phục vụ công nghiệp chế tạo máy thế hệ mới.

Cùng đó, ưu tiên phát triển cơ khí chế tạo cho sản xuất máy nông nghiệp, ô-tô, tàu biển, thiết bị công trình, thiết bị năng lượng, thiết bị điện, thiết bị y tế… Ngoài ra, một số ngành công nghiệp mũi nhọn tập trung phát triển như công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp; công nghiệp sinh học tập trung vào gen, dược phẩm và các chế phẩm sinh học. Công nghiệp dệt may, da giày ở các khâu tạo giá trị gia tăng cao dựa trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa; công nghiệp văn hóa...

“Việc xây dựng và triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2030, chú trọng đáp ứng các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do, tập trung vào các lĩnh vực: điện tử thông minh, ô tô, dệt may-da giày, cơ khí và tự động hóa…”, ông Toàn cho biết.

Góp ý cho dự thảo luật. PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và điều chỉnh sự phát triển của ngành công nghiệp. Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ tạo ra khung khổ thống nhất và thuận lợi, giúp các doanh nghiệp và ngành công nghiệp không "chệch đường" khỏi cấu trúc đã được đề ra trong các quy hoạch và chiến lược.

Ông Thiên khuyến nghị, dự án Luật cần xác định và lựa chọn đối tượng trọng điểm, đối tượng dẫn xuất vì nguồn lực thực hiện Luật sẽ rất hạn chế. Về phạm vi của dự án Luật, phải có tiêu chuẩn rõ ràng hơn, đủ để làm mốc lựa chọn các ngành đối tượng và khung thời gian ưu đãi, ưu tiên cho phù hợp.

“Tinh thần của dự án Luật Công nghiệp trọng điểm khác hẳn các đạo luật khác, được xây dựng theo hướng mở để thúc đẩy phát triển chứ không phải quản lý. Nên trong dự án Luật cũng cần quy định rõ Nhà nước làm gì, tư nhân được làm gì và không can thiệp sâu gây tổn hại thị trường. Hai đối tượng này cần có sự kết hợp, bổ trợ cho nhau cùng phát triển chứ không vì lợi ích nhóm”, ông Thiên khuyến nghị.

Trong dự thảo Luật Công nghiệp trọng điểm, Bộ Công Thương đề xuất phát triển công nghiệp hỗ trợ cho nhiều ngành như: dệt may, da - giày, cơ khí, điện tử, ô tô, công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp vật liệu, luyện kim; công nghiệp điện tử; công nghiệp cơ khí chế tạo… Dự kiến, cơ quan chức năng sẽ ưu tiên nguồn lực và cơ chế đủ mạnh để tạo điều kiện cho ngành này phát triển.

MỚI - NÓNG
10.000 phụ huynh Hàn Quốc phản đối sách của Han Kang
10.000 phụ huynh Hàn Quốc phản đối sách của Han Kang
TPO - Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 22/10, Liên đoàn các Hiệp hội Phụ huynh Hàn Quốc cho biết một cuốn sách có nội dung cực đoan và bạo lực như "The Vegetarian" (Người ăn chay) của nhà văn Han Kang không nên được đặt trong các thư viện trường học ở Hàn Quốc.