Xử phạt gần 40 tỷ đồng hành vi sử dụng chất cấm trong nông nghiệp

Cơ quan chức năng đã phát hiện trên 5.200 cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp.
Cơ quan chức năng đã phát hiện trên 5.200 cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp.
TPO - Cơ quan chức năng ngành nông nghiệp kiểm tra gần 70.600 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản, phát hiện trên 5.220 cơ sở vi phạm và xử phạt 39,8 tỷ đồng.

Ngày 21/2, Bộ NN&PTNT cho biết, kết quả giám sát tại các địa phương năm 2018 cho thấy, không phát hiện mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol (chất tạo nạc trong chăn nuôi) trong các mẫu thịt, nước tiểu.

Trong khi đó, 271/2.060 mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh (chiếm 13,1% giảm so với năm 2017 tỷ lệ là 26,7%). Có 5/2.472 mẫu thịt tươi vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh (chiếm 0,2% giảm so với năm 2017 là 0,63%, năm 2016 là 1,76%).

Tuy nhiên, các mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh tăng lên, khi tới 46 mẫu/3018 mẫu, chiếm 1,5% vi phạm (tăng so với năm 2017 là 0,89%, năm 2016 là 1,07%).

Năm 2018, Bộ NN&PTNT đã rà soát đưa ra khỏi danh mục 1.774 tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật, 1.052 sản phẩm thuốc thú y, 3.621 sản phẩm phân bón kém chất lượng, không an toàn ra khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.

Theo Bộ NN&PTNT, năm qua, nhiều địa phương tổ chức thanh, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, vẫn còn có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan. Đặc biệt nhiều địa phương chưa chuyển hướng mạnh sang thanh tra đột xuất như chỉ đạo của Bộ và Chính phủ nên hiệu quả thanh tra không cao...

Năm 2019, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ tiếp tục rà soát, loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn khỏi danh mục thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm xử lý môi trường, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, phân bón được phép sản xuất, kinh doanh.

Xử phạt gần 40 tỷ đồng hành vi sử dụng chất cấm trong nông nghiệp ảnh 1

Hàng nghìn sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu bị bắt giữ, tiêu hủy ở Lạng Sơn trong năm 2018

Tổ chức giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản rủi ro cao, tiêu thụ nhiều nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và thanh tra, truy xuất, xử lý tận gốc các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm. 

Bộ sẽ chỉ đạo hệ thống thanh tra, ưu tiên thanh tra đột xuất cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, cơ sở giết mổ, cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm nhỏ lẻ nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm. Truy xuất và xử lý triệt để các cơ sở sản xuất, nhập khẩu đưa sản phẩm vi phạm chất lượng ra lưu thông trên thị trường.

Cùng đó, Bộ cũng phối hợp với các lực lượng của Bộ Công an, các bộ ngành liên quan phát hiện, điều tra, thanh tra đột xuất, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu, các cơ sở sản xuất, tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi ngoài danh mục được phép sử dụng.

MỚI - NÓNG