Ngày 15/5, tại hội nghị định hướng công tác bảo vệ thực vật (BVTV) trong tình hình mới, ông Hoàng Trung, Cục trưởng BVTV cho biết, công tác quản lý thuốc BVTV đang được siết chặt, tăng cường quản lý ở tất cả các khâu từ đăng ký, khảo nghiệm, cấp phép nhập khẩu, sản xuất, buôn bán, sử dụng.
Việc cấp phép khảo nghiệm được dựa trên cơ sở khoa học theo nguyên tắc loại bỏ dần những thuốc BVTV có độc tính cao, ảnh hưởng đến môi trường, đồng thời khuyến khích những loại thuốc hiệu quả, an toàn trong sử dụng đặc biệt là các loại thuốc sinh học.
Ông Trung cho biết, Bộ NN&PTNT đã hoàn thiện các báo cáo đánh giá và quyết định loại bỏ ra khỏi danh mục 7 hoạt chất (818 tên thương phẩm) có độc tính cao, tồn dư trên nông sản gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái. Đây cũng là những loại thuốc không đáp ứng quy định về quản lý thuốc BVTV hiện hành (gồm Carbendazim, Benomyl, Thiophanate - methyl, hoạt chất 2,4D, Paraquat, Trichlorfon và Carbofuran).
Cục BVTV đã vận động các doanh nghiệp tự rút khỏi danh mục 206 tên thương phẩm thuốc BVTV. Ngoài ra, Cục cũng khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký vào danh mục các loại thuốc BVTV sinh học, thuốc thế hệ mới an toàn hiệu quả và các thuốc bảo quản rau quả, ủ chín trái cây an toàn. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV hóa học cũng bắt đầu chuyển hướng phát triển sản phẩm sinh học đáp ứng nhu cầu ngày một tăng nhanh của thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Trung vấn đề quản lý, sử dụng thuốc BVTV vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Việc nông dân lạm dụng thuốc BVTV hóa học và phân bón vô cơ vẫn đang rất đáng báo động. Điều này dẫn đến các nguy cơ về mất an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất và đặc biệt là tình trạng kháng thuốc của sinh vật gây hại.
Cũng như phân bón, hiện số lượng thuốc BVTV trong danh mục còn mất cân đối. Trong 4.000 thuốc BVTV, chỉ 19% là thuốc sinh học, còn lại là thuốc háa học. Đáng lưu ý, có tới 3.800/4.000 loại thuốc cho cây lúa, chỉ khoảng 200 loại thuốc cho các loại cây trồng khác.
Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam đang sử dụng khoảng 100 nghìn tấn mỗi năm, chủ yếu nhập khẩu thuốc hóa học và con số này phải tiếp tục giảm. Bởi, lạm dụng thuốc sẽ dẫn đến giá thành sản xuất cao, chất lượng không tốt, gây độc hại cho chính nông dân và người tiêu dùng, hệ sinh thái suy kiệt.
“Một đất nước nông nghiệp, với ¾ là đồi núi mà sử dụng tơi 58% thuốc BVTV là thuốc trừ cỏ là rất gay, ảnh hưởng rất lớn đến thủy vực. Đây cũng là những điểm nghẽn, thách thức mới cần nhìn nhận lại”- ông Cường nói.
Theo Bộ trưởng Cường, Việt Nam đang chuyển từ trạng thái hàng hóa quy mô quốc gia sang sản xuất hàng hóa mức độ cao, đáp ứng nhu cầu thị trường 100 triệu dân trong nước và cũng như người tiêu dùng thế giới, với yêu cầu, đỏi hỏi về chất lượng, an toàn cao.
Trong khi đó, yêu cầu phát triển phải bám 3 trụ cột là kinh tế, môi trường và an sinh xã hội. “Cái gì bảo vì sức khỏe người dân, vì giống nòi, bảo vệ môi trường thì phải kiên quyết chỗ này”- Bộ trưởng nói.
Theo Bộ NN&PTNT, sắp tới sẽ tục rà soát, quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp ở tất cả các khâu từ khảo nghiệm, đăng ký đến sử dụng. Đến năm 2021, sẽ tăng lượng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp để sử dụng trong nước ít nhất là 3 triệu tấn/năm và xuất khẩu đạt 0,5 triệu tấn/năm; tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ so với tổng số sản phẩm phân bón từ 5% hiện nay lên 10%.
Đối với thuốc BVTV, sẽ rút ngắn 30% số lượng tên thương phẩm trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam; tăng 30% lượng thuốc BVTV sinh học được đăng ký và sử dụng. Tiếp tục khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất, kinh doanh và ứng dụng biện pháp sinh học, phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học để phòng, chống SVGH.