Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng BVTV (Bộ NN&PTNT) cho biết, Việt Nam phần lớn nhập khẩu thuốc BVTV từ Trung Quốc về gia công vì đây là “công xưởng”, chiếm khoảng 40% thị phần thế giới về thuốc BVTV. “Khâu sản xuất rất độc hại, nên kéo về nước ta sản xuất, đồng nghĩa với việc kéo ô nhiễm về”- ông Hồng nói.
Cục trưởng BVTV cho biết, trong cơ cấu thuốc BVTV ở Việt Nam, khoảng 45% là thuốc trừ cỏ; thuốc trừ sâu chiếm 20%, khoảng 20% là thuốc trừ bệnh (các loại nấm, vi khuẩn), khoảng 10% là các loại thuốc điều hòa kích thích sinh trưởng cây trồng; còn lại là thuốc trừ ốc, chuột, mối, xông hơi kiểm dịch thực vật…
Theo ông Hồng, hiện xu hướng sử dụng thuốc trừ cỏ ngày càng tăng. Người dân ít làm cỏ thủ công như trước đây, mà dùng thuốc trừ cỏ như trên lúa, các cây trồng khác ngô, sắn… “Nhắc đến thuốc trừ cỏ lại nghĩ đến chất độc màu da cam như trước thì không đúng. Các loại thuốc hiện nay đã loại bỏ thuốc nguy cơ độc hại cao, khả năng gây ung thư, ảnh hưởng đến sinh sản… thế giới họ cũng đã loại bỏ cả rồi”- ông Hồng nói.
“Trong các chính sách, chúng tôi chỉ khuyến khích sản xuất thuốc sinh học, chứ không phải sản xuất thuốc hóa học” - ông Hồng nói. Cũng theo ông này, khi triển khai các nội dung về sản xuất an toàn, Việt Nam có thể giảm tới 50% thuốc BVTV đang sử dụng hiện nay.
Theo Cục BVTV, một số hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật có chiều hướng gia tăng là nhập lậu thuốc BVTV ngoài danh mục; sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV giả, có nhãn sai quy định, lạm dụng và sử dụng thuốc BVTV sai quy định mất an toàn vệ sinh thực phẩm; nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhưng không có chứng thư kiểm dịch thực vật.
Ông Hồng cho biết, vấn đề “đau đầu” nhất hiện nay chính là thuốc BVTV nhập lậu. “Chúng tôi đang phối hợp với phía công an, để trinh sát, dần dần bóc các đường dây buôn lậu mặt hàng này”- ông Hồng nói.
Trong một cuộc họp gần đây về an toàn thực phẩm, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nói: “Hơn 100 nhà máy sản xuất thuốc BVTV trong nước chúng ta có thể giám sát được, nhưng còn nhập lậu thì phải sao? Cần phải giám sát, mạnh tay xử lý kinh doanh thuốc giả, kém chất lượng, độc hại… Tôi đi kiểm tra và báo cáo đến tay tôi, các thuốc giả kém chất lượng, độc hại, phần lớn là nhập lậu và chúng ta biết đến từ đâu là chính”.
Theo Bộ NN&PTNT, trong 3 tháng đầu năm 2016, cả nước chi tới 175 triệu USD nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu, giảm gần 10% so cùng kỳ năm 2015. Dù kim ngạch nhập khẩu có giảm so cùng kỳ năm ngoái, nhưng phần lớn thuốc trừ sâu và nguyên liệu, Việt Nam nhập từ Trung Quốc (chiếm tới 46% tổng giá trị của mặt hàng này trong 2 tháng đầu năm). Năm 2015, Việt Nam chi trên 730 triệu USD nhập khẩu thuốc BVTV.