Ngân hàng Nhà nước mua ròng USD giá cao hơn thị trường tự do

Nhu cầu thị trường không cao nên ngoại tệ dư thừa, NHNN tranh thủ mua ròng
Nhu cầu thị trường không cao nên ngoại tệ dư thừa, NHNN tranh thủ mua ròng
TPO - Mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng tiếp tục giảm; tỷ giá mua VND giảm trên cả thị trường chính thức và tự do, hiện tại đều thấp hơn tỷ giá mua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Nguyên nhân khả năng đến từ nguồn vốn FDI tiếp tục khả quan, cầu ngoại tệ thấp và nguồn cung dồi dào cùng động thái mạnh tay mua ròng của NHNN.

Giảm tâm lý găm ngoại tệ

Theo bản tin tiền tệ của công ty chứng khoán SSI vừa cập nhật thì trong tuần qua, tỷ giá giao dịch USD/VND trên thị trường đã giảm 10 đồng/USD ở cả 2 chiều mua - bán trên ngân hàng về 23.150 đồng/23.250 đồng trong khi tỷ giá tự do giảm tới 20 đồng/USD ở chiều mua vào và không đổi ở chiều bán ra, hiện ở mức 23.195 đồng/23.220 đồng.

Ngược lại, tỷ giá trung tâm sau khi giảm 9 đồng/USD vào tuần trước đó đã quay trở lại xu hướng tăng của 3 tháng gần đây khi nâng thêm 17 đồng/USD, lên 22.923 đồng/USD trong tuần vừa qua. Và NHNN bắt đầu động thái mua ròng.

Theo bộ KH&ĐT, FDI giải ngân 2 tháng đầu năm 2019 đạt 2.58 tỷ USD, tăng 9,.8%  Đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây.

"Môi trường quốc tế ổn định hơn cùng với những diến biến tích cực trong nước đã đẩy lùi tâm lý đầu cơ, găm giữ ngoại tệ. Thêm vào đó, tỷ giá mua vào của NHNN hiện ở mức rất hấp dẫn nên NHNN liên tục mua vào được lượng lớn ngoại tệ. Hiện nay, áp lực với tỷ giá đã không còn, mặt bằng tỷ giá sẽ duy trì ổn định ở vùng 23.200đ/USD.", SSI nhận định.

Trước đó ngày 9/1, phát biểu trong Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết lượng ngoại tệ ròng Ngân hàng Nhà nước mua vào trong năm 2018 đạt khoảng 6 tỷ USD. Nhưng riêng tháng 1/2019, cơ quan này đã mua thêm 4 tỷ USD và được cho là tiếp tục mua vào ngoại tệ trong tháng 2.

Hoạt động điều hành tỷ giá  là một trong những thành công của NHNN  năm 2018, dù thực tiễn điều hành và kinh doanh ngoại tệ chịu tác động bởi nhiều yếu tố phức tạp và khó lường. Tiền đồng đã có một năm được đánh giá là ổn định khi đồng nội tệ nhiều quốc giá khác mất giá mạnh. Tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước đến cuối năm tăng 1,7-1,8%, trong khi tỷ giá liên ngân hàng tăng 2,16%

Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, thanh khoản dồi dào

Tuần qua, NHNN tiếp tục hút ròng 9.710 tỷ đồng thông qua OMO, kênh tín phiếu duy trì số dư bằng 0 khi không phát sinh giao dịch nào. Với việc hút ròng liên tiếp 3 tuần gần đây, khối lượng OMO lưu hành đã thu hẹp nhanh chóng từ mức hơn 150 nghìn tỷ đồng về gần 19 nghìn tỷ đồng.

Lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng ngày 01/3 ở mức 4.15%/năm. Nếu xét chung cả tuần, mặt bằng lãi suât ON của tuần qua duy trì ở mức 4-4.2%/năm là mức thấp hơn so với mức phổ biến khoảng 4.1-4.5%/năm của tuần 18-22/2/2019. Diễn biến trên cho thấy thanh khoản các NHTM hiện đang dồi dào và NHNN cũng đang điều tiết cung tiền chặt chẽ để duy trì lãi suất trên liên ngân hàng ổn định ở mức hiện tại. 

Lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn được điều chỉnh giảm ở nhiều ngân hàng, hiện duy trì ở mức 4.3-5.5%/năm với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng. Ở kỳ hạn từ 6 tháng trở lên có sự điều chỉnh trái chiều ở các ngân hàng, có ngân hàng giảm nhưng cũng có ngân hàng tăng, phụ thuộc vào nhu cầu cân đối vốn để đáp ứng yêu cầu tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của từng ngân hàng. Khoảng chênh lệch lãi suất vì thế cũng dãn rộng hơn, kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng là 5.5-7.5%/năm và 12,13 tháng là 6.4%- 8%/năm.

Bên cạnh yêu cầu đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vốn của NHNN có hiệu lực từ 1/1/2019 thì các tháng 3 thường là tháng tăng tốc giải ngân tín dụng để thực hiện mục tiêu quý 1 nên nhu cầu huy động vốn vẫn cao, vì thế mặt bằng lãi suất khả năng vẫnđược duy trì ổn định ở mức hiện tại.

MỚI - NÓNG