Kinh tế Việt Nam trong “cơn bão giá”

Kinh tế Việt Nam trong “cơn bão giá”
TP - Thời gian qua, chúng ta liên tục nhận được nhiều thông tin “chuyến bay” của nền kinh tế Việt Nam đang vào vùng thời tiết xấu. Thông tin này quả thật đáng lo ngại trong bối cảnh chúng ta quen nghe cụm từ “nền kinh tế Việt Nam đang cất cánh”.

Những tin trong nước về lạm phát tăng, về giá vàng tăng, thị trường chứng khoán sụt giảm, tăng trưởng giảm sút..., thông tin nước ngoài về khủng hoảng tài chính tại Mỹ, về giá dầu thô và giá gạo tăng...đã tạo cho chúng ta một bức tranh kinh tế tương đối toàn cảnh và sắc màu.

Đã xuất hiện tâm lý hoài nghi, lo lắng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2008 và những năm tiếp theo. Thật bình tĩnh, chúng ta xem xét những dấu hiệu bất ổn đó đến với chúng ta bất ngờ không? Điều gì sẽ tiếp theo?

Nền kinh tế Việt Nam với những tên gọi “nền kinh tế mới nổi”, “ngôi sao đang lên...”, có tiếp tục câu chuyện thần kỳ về phát triển như những năm vừa qua?

Tôi cho rằng, những thông tin không tốt về thị trường thế giới, về nền kinh tế Mỹ và kinh tế Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2008 là bình thường và không tránh khỏi khi nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu với nền kinh tế khu vực và thế giới.

Trong biến đổi của nền kinh tế thế giới, chúng ta không mất nhiều như ta nghĩ, chúng ta cũng được lời không ít về giá dầu thô, về giá gạo và giá cà phê... đó sao.

Ngoài ra, đây là cơ hội chúng ta có thể tái cơ cấu một số lĩnh vực kinh tế không hiệu quả, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như trên thị trường thế giới. Hơn thế nữa, theo tôi điều này đến với Việt Nam trong năm 2008 là tốt hơn nếu điều này xảy ra vào những năm tiếp theo.

Chúng ta thường nói, vào WTO như là ra biển lớn và rất may chúng ta chưa ra đến đại dương mênh mông đã gặp tín hiệu thời tiết xấu. Như vậy, dù không muốn, chúng ta kịp xem lại con tàu, xem lại hành trình, xem lại thuyền viên và các tín hiệu cảnh báo... để có một chuyến đi an toàn.

Về nguyên nhân những bất ổn của kinh tế Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2008, nhiều kết quả nghiên cứu, nhiều bài báo đã nêu và Bộ Chính trị đã kết luận: chi phí đầu tư lớn, lãng phí tài sản xã hội, nhập siêu đạt mức kỷ lục, lượng tiền trong lưu thông tăng, không dự báo được diễn biến của thị trường trong và ngoài nước...

Quan điểm của tôi cho rằng, cần nghiên cứu nguyên nhân những bất ổn của kinh tế Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2008 trên góc độ trách nhiệm của các cơ quan quản lý và vai trò, trách nhiệm của các Tổng công ty nhà nước (nhiều nơi đã trở thành Tập đoàn) như thế nào, qua đó đề xuất các giải pháp cho phù hợp.

1 - Quản lý kinh tế: Có thể nói cả bốn cơ quan tham mưu cho Nhà nước về kinh tế gồm Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước trong những tháng qua cực kỳ vất vả.

Vừa nắm bắt thị trường trong và ngoài nước, vừa khẩn trương đề xuất với Chính phủ các giải pháp để ổn định tình hình. Tuy nhiên, sự cố gắng của các cơ quan tham mưu đã không mang lại kết quả như mong muốn. Tại phiên họp vừa qua, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận trách nhiệm trước Quốc hội.

Chúng ta nhớ lại 2 tháng trước đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khi trả lời phỏng vấn đã nói một cách đại thể: Các giải pháp do  Bộ Tài chính đưa ra là đúng và không sai.

Thực tế, theo tôi hiểu, các giải pháp do các cơ quan tham mưu đưa ra không thỏa mãn các yêu cầu tổng thể, toàn cục của nền kinh tế, chỉ đứng trên quan điểm của một ngành để đề xuất xử lý (Ngân hàng Nhà nước với việc thu 30.200 tỷ VNĐ trong tháng 2 vừa qua;

Bộ Tài chính với giải pháp phục hồi thị trường chứng khoán, Bộ Công Thương với tình trạng nhập siêu kỷ lục...). Điều này cho phép chúng ta nghĩ đến một cơ quan toàn quyền và duy nhất tham mưu cho Nhà nước về hoạch định kinh tế vĩ mô (chúng ta xem vai trò và trách nhiệm của Cục dự trữ Liên Bang - FED trong việc ứng phó với cuộc khủng khoảng tài chính ở Mỹ trong thời gian qua như thế nào).

Chẳng nhẽ đến nay Ngân hàng Nhà nước không nhận trách nhiệm về rối loạn tiền tệ trong thời gian qua. Chẳng nhẽ đến nay Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính không nhận phần trách nhiệm của mình về vốn đầu tư của Nhà nước bị thất thoát, bị lãng phí và không hiệu quả hay sao.

Chẳng nhẽ đến nay Bộ Công Thương không nhận phần trách nhiệm về tăng giá chóng mặt của thị trường trong nước, về thâm hụt ngoại thương hay sao?

Sự lúng túng, vội vã của các cơ quan tham mưu dẫn đến sự rối loạn của nền kinh tế trong thời gian qua đã đưa các doanh nghiệp vào tình trạng “sốc” nặng (quyết định thu 30.200 tỷ VNĐ của Ngân hàng Nhà nước, quyết định tăng thuế nhập khẩu ôtô từ 70 lên 83%...).

Ngoài ra, khi giá vàng và dầu thô tăng cao, các nhà quản lý cho rằng vì đồng đô-la mất giá. Đến nay đồng đô-la lên giá trong khi giá dầu thô vẫn tăng thì giải thích thế nào?

Chính cách điều hành này đã gây tâm lý hoang mang trong hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành nghề trong thời gian vừa qua. Dư luận cần các cơ quan tham mưu của Chính phủ trả lời.

2 - Tổng công ty và Tập đoàn trong khối doanh nghiệp Nhà nước: Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần định hướng XHCN. Về thực chất chúng ta muốn huy động mọi nguồn lực kinh tế (cả trong và ngoài nước) để phát triển kinh tế.

Không nói ai cũng hiểu vị trí vai trò của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong quá trình xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần định hướng XHCN quan trọng đến mức nào.

Thực tế trong thời gian qua chúng ta đã tái cơ cấu nhiều DNNN và thành lập một số Tổng công ty lớn (khoảng 70 Tổng công ty và được gọi là Tổng công ty 90-91) với hy vọng là xương sống của nền kinh tế, sâu xa hơn nữa các Tổng công ty 90-91 sẽ quyết định sự thành bại của nền kinh tế nhiều thành phần định hướng XHCN.

Nói một các khác, các tổng công ty 90-91 là những “đạo quân” tinh nhuệ, thiện chiến của Nhà nước trên mặt trận kinh tế (thực tế các vị trí trọng yếu của nền kinh tế đều do các Tổng công ty 90-91 nắm giữ).

Đến nay theo tôi hiểu, chúng ta chưa có tổng kết, đánh giá nghiêm túc, khách quan về hoạt động của các Tổng công ty 90-91 cũng như nhận định các xu thế phát triển của các Tổng công ty 90-91 trong giai đoạn hiện nay và đến 10-15 năm tới.

Trong khoảng từ năm 2005 đến nay, một số tổng công ty đã trở thành tập đoàn (mặc dù mô hình này chưa được luật hóa). Có thể nói, cơ sở pháp lý, cơ sở kinh tế và yêu cầu nội tại của một số tổng công ty để phát triển thành tập đoàn chưa được đầy đủ và chắc chắn (vấn đề này hình như chúng ta chỉ hiểu phát triển thành tập đoàn là xu thế tất yếu).

Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tổng công ty, tập đoàn: Với số lượng không lớn, nhưng các tổng công ty, tập đoàn giữ vai trò áp đảo trong số DNNN về doanh thu, về kim ngạch XNK, về thu ngân sách... nhưng nói về hiệu quả lại là vấn đề hoàn toàn khác.

Khi nói về hiệu quả của DNNN trong thời gian qua, ông Nguyễn Đức Kiên-Ủy viên UBKT của Quốc hội nhận xét “Chiếm 60% tổng đầu tư Nhà nước nhưng thu từ khu vực này, không đủ trả nợ thì nền kinh tế ổn định ở chỗ nào?”.

Chúng ta không cần bình luận, không cần giải thích gì thêm khi nói về hiệu quả của DNNN (mà thực chất là hiệu quả của các tổng công ty, Tập đoàn).

------------------- 

Còn nữa

V.T

MỚI - NÓNG