Một doanh nghiệp thất bại làm xe cẩu, xe cứu hộ
Ông Đỗ Mạnh Tuấn, Công ty Cổ phần Hợp Thành cho biết, ông bắt đầu kinh doanh từ những năm 1990. Từ một doanh nghiệp nhỏ, công ty dần trở thành một trong những doanh nghiệp top đầu của tỉnh Hải Dương. Sau khi đạt giải nhất cuộc thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hải Dương cho nghiên cứu cửa sau thùng xe tải ben ngày 6/12/2007, ông Tuấn bắt đầu ấp ủ các dự án chế tạo thùng xe tải cũng như bắt tay xây dựng nhà máy sản xuất cẩu cứu hộ đầu tiên tại Việt Nam.
Dù ý tưởng chế tạo các dòng xe cẩu cứu hộ được đánh giá khá cao, tuy nhiên, do đầu tư sai thời điểm, thiếu sự hỗ trợ về vốn và chính sách, công ty dần chạm đáy của phá sản. Đến năm 2013 khi nhiều lần đề xuất các chính sách cho công nghiệp hỗ trợ không được chấp thuận, đối mặt với sự nghiệt ngã của thương trường, ông Tuấn đành phải bán hai ngôi nhà để lấy tiền trả lương cho công nhân.
“Tôi là người đầu tiên ở Việt Nam mua dây chuyền sản xuất cẩu cứu hộ nên khi phải bán đi, lấy ai là người mua. Dây chuyền nằm đấy mãi như đống sắt vụn. Để lâu, cuối cùng phải tháo ra bán sắt vụn 4.000 đồng/kg”, ông Tuấn chia sẻ.
Điều đau đớn nhất, sau khi đóng cửa doanh nghiệp, thị trường phục hồi, nhiều doanh nghiệp tại các địa phương khác đã bắt chước sản xuất sản phẩm cửa sau thùng xe tải ben và thành công. “Thời đó, tôi cầu cứu khắp các nơi, gõ khắp các cửa ngân hàng nhưng kinh doanh có cái khắc nghiệt: Chỉ phù thịnh, không ai phù suy. Sau mệt mỏi, tôi buông tất cả. Giờ biết làm lại là thắng nhưng nhà xưởng đã bán, máy móc bị ngân hàng thu, tiền đầu tư không có. Ý tưởng chỉ còn trên giấy”, ông Tuấn kể.
Rào cản mềm khó vượt qua
Ông Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, mọi rào cản phát triển DN tư nhân, nhất là DN nhỏ và vừa đều nằm ở thể chế. Hiện qua rà soát bước đầu, đã có 33 chính sách cho khối DN nhỏ và vừa, nhưng thực sự không đi vào cuộc sống. Ông Khanh cho rằng, vừa qua Chính phủ quyết tâm, Thủ tướng quyết liệt, DN phấn khởi, xã hội đồng tình để tạo môi trường thuận lợi, phát triển DN, thế nhưng tại chính sách không vào cuộc sống. “Có ý kiến cho rằng, chính sách không đi vào cuộc sống. Họ soạn những văn bản chung chung, hỗ trợ này, kia nhưng không biết nguồn ở đâu, ai đứng ra giải quyết. Ngay cả dự thảo Luật hỗ trợ DN vừa và nhỏ hiện nay cũng quá chung chung, đến cả đầu mối để DN nhận hỗ trợ cũng không biết là ai. Điều này tạo cơ chế cho một bộ phận công chức nhũng nhiễu, phiền hà cho DN”- ông Khánh nói.
Theo ông Khánh, chính sách cho chăn nuôi hiện nay không đồng bộ, đang bị cắt khúc, nên kìm hãm sự phát triển của ngành. Ngay cả Bộ Công Thương nói xúc tiến thương mại tổ chức đoàn này, đoàn kia đi nước ngoài, nhưng thực sự có hỗ trợ được gì đâu. Trong khi đó, ông Vũ Duy Hải, Tổng Giám đốc Cty CP Vinacam-hoạt động lĩnh vực phân bón cho biết, những cách làm “khó hiểu” về cấp quota nhập khẩu tự động cho Ure và NPK đang là rào cản khiến doanh nghiệp khó phát triển.
Theo ông Hải, DN nhập phân bón từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia… chỉ cần 3 ngày về đến cảng. Tuy nhiên, Bộ Công Thương quy định cấp giấy phép trong 7 ngày làm việc sau khi nhận được đăng ký và nếu được đồng ý, DN sẽ nhận được giấy phép qua đường bưu điện. “Thế thì không biết khi đến tay DN, sẽ mất bao nhiêu ngày. Nếu tàu hàng lớn, thời gian đợi giấy phép, tiền phạt tàu cũng “chết” chắc”, ông Hải nói.
Ông Hải cho rằng, vì quy định như thế, nên dù không ai nói ra, nhưng khó tránh khỏi cơ chế xin-cho ở đây. “Bảo là thông thoáng thì ông cấp quota đó làm gì? Nếu Bộ Công Thương nói chỉ để nắm được số liệu hàng nhập về Việt Nam, thế thì rõ là nhiêu khê. Bộ chỉ cần yêu cầu DN, làm thủ tục hải quan xong thì gửi e-mail cho bộ là xong, hoặc chỉ cần liên thông với hải quan, thì biết hết”- ông Hải đặt vấn đề.
Tổng Giám đốc Vinacam cho biết, sau một thời gian “kêu”, Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Phân bón lên tiếng, mới đây, Bộ Công Thương mới báo cáo Chính phủ để điều chỉnh. “Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mới đây đã đồng ý ngừng cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số mặt hàng phân bón, theo kiến nghị của Bộ Công Thương, nhưng đến nay, bộ này cũng chưa có quyết định về việc thực hiện ngừng trên”- ông Hải cho biết.
“Phần phí và lệ phí DN vẫn chưa sợ bằng sự nhũng nhiễu, phiền hà. Để sản xuất được lợn, con gà giá đang rẻ, dân thua lỗ như vậy, nhưng phải bôi trơn từ khi lập dự án, đánh giá tác động môi trường, vận chuyển, giết mổ… Cửa ải nào DN cũng phải bôi, thử hỏi làm sao DN sống và có thể lớn lên được, vì chưa lớn đã bị bóp chết rồi”, ông Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam.