Cần nhiều doanh nghiệp tư nhân mạnh
Theo ông Lược, việc Trung ương ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có thể nói là một bước tiến. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là tới đây các cơ quan chức năng sẽ cụ thể hóa nghị quyết của Đảng thành cơ chế, chính sách cụ thể như thế nào cho khu vực kinh tế vốn được coi là “động lực quan trọng”.
Khi nói đến khu vực kinh tế tư nhân thì cũng phải chia làm hai, một là doanh nghiệp tư nhân và hai là khu vực kinh tế hộ gia đình. Hiện nay khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng khoảng 40% GDP, nhưng có đến 30% là từ khu vực kinh tế hộ gia đình, cá thể, còn chưa đầy 10% là đóng góp từ doanh nghiệp tư nhân.
Đây là điều cần phải suy ngẫm, vì muốn phát triển nền kinh tế thì doanh nghiệp tư nhân mới là quan trọng, còn kinh tế hộ gia đình chỉ có ý nghĩa về mặt “ổn định”. Muốn kinh tế Việt Nam bứt phá, vươn lên thì phải dựa vào sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng của các doanh nghiệp tư nhân.
Theo ông, những chính sách cụ thể nào mà kinh tế tư nhân đang thực sự mong chờ?
Vừa qua, chúng ta đã có nhiều cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển như giảm thủ tục hành chính, cải cách việc đăng ký thành lập doanh nghiệp… Nhờ đó mà số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ngày càng tăng.
Tuy nhiên, vấn đề là sau khi được thành lập thì các doanh nghiệp đó hoạt động ra sao thì lại chưa được quan tâm thỏa đáng? Thực tế cho thấy, số lượng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng cũng vẫn còn rất lớn. Điều đó cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của chúng ta dù có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa kể tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu, tiêu cực… Nhiều doanh nghiệp tư nhân muốn tồn tại, phát triển lại phải “dựa lưng” vào các quan chức, thậm chí “dựa” vào doanh nghiệp nhà nước để làm ăn, hình thành ra “sân sau”, “sân trước”.
Như thế thì chứng tỏ cơ chế, môi trường kinh doanh của chúng ta còn vấn đề. Hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân khi ra đời gặp rất nhiều khó khăn về đất đai, mặt bằng. Cái nữa là vốn, với lãi suất 8- 10%/năm thì nếu doanh nghiệp không có vốn. Muốn doanh nghiệp tư nhân phát triển thì phải có ưu đãi về lãi suất, đất đai, mặt bằng…
Cổ phần hóa ì ạch vì lợi ích cục bộ
Như ông đã nhiều lần đề cập, cần quyết liệt đẩy nhanh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Điều đó có ý nghĩa ra sao trong phát triển khu vực kinh tế tư nhân?
Ở chúng ta, DNNN nắm khoảng 28% GDP, nếu kể cả khối ngân hàng quốc doanh và khối quốc phòng nữa thì còn lớn hơn rất nhiều. Cái đáng nói là doanh nghiệp nhà nước lại nắm hết những ngành quan trọng, thậm chí những ngành có lãi nhất cũng nắm giữ, như rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, cao su, sữa… Thế thì làm sao doanh nghiệp tư nhân có cơ hội để mà cạnh tranh.
Do đó, bây giờ vấn đề quan trọng là nhà nước cần buông các lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ. Nếu bán, cổ phần hóa thì không những nhà nước thu được một khoản tiền lớn mà còn dành đất để kinh tế tư nhân phát triển. Tư nhân hoạt động thì chắc chắn hiệu quả đạt được sẽ cao, từ đó tiền thuế thu được cho ngân sách cũng cao.
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được đặt ra từ lâu nhưng tiến độ vẫn hết sức ì ạch. Đâu là điểm cần đột phá trong lĩnh vực này thưa ông?
Tình trạng chậm cổ phần hóa có liên quan đến lợi ích cục bộ. Hiện ngành nào, bộ nào cũng có các doanh nghiệp nhà nước. Rồi địa phương nào cũng có vài chục, thậm chí cả trăm doanh nghiệp nhà nước. Điều này dẫn đến là nhiều khi vì lợi ích cục bộ, các đơn vị tìm mọi cách để ưu ái cho doanh nghiệp trực thuộc bằng những hợp đồng ngon nhất, béo bở nhất.
Muốn phát triển thì phải thu hẹp lại tỷ trọng doanh nghiệp nhà nước. Cổ phần hóa thì cũng phải mạnh dạn cổ phần trên 50%, chứ nếu không lại vơ vốn của tư nhân vào doanh nghiệp nhà nước rồi “chôn” ở đó, không tạo ra nhiều hiệu quả. Cần mạnh dạn cổ phần hóa bán trên 50% cổ phần ở những lĩnh vực mà nhà nước không cần chi phối, không cần nắm giữ. Có như thế mới tạo ra sự thay đổi.
Cảm ơn ông.
“Tình trạng chậm cổ phần hóa có liên quan đến lợi ích cục bộ. Hiện ngành nào, bộ nào cũng có các doanh nghiệp nhà nước. Rồi địa phương nào cũng có vài chục, thậm chí cả trăm doanh nghiệp nhà nước. Điều này dẫn đến là nhiều khi vì lợi ích cục bộ, các đơn vị tìm mọi cách để ưu ái cho doanh nghiệp trực thuộc bằng những hợp đồng ngon nhất, béo bở nhất”.
Ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam