Tái cơ cấu DNNN 2016 - 2020: Cơ hội cho kinh tế tư nhân vươn lên

Tái cơ cấu DNNN 2016 - 2020: Cơ hội cho kinh tế tư nhân vươn lên
TP - Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) diễn ra chậm. Theo các chuyên gia kinh tế, cần bỏ bệnh thành tích trong quá trình tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 tạo cơ hội cho kinh tế tư nhân phát triển.

Tại diễn đàn Kinh tế 2017 với chủ đề “Cơ hội đầu tư trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2017” ngày 2/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, giai đoạn 2011 - 2015 đã sắp xếp 558 doanh nghiệp (DN), cổ phần hóa 479 DN. Tuy nhiên, thực tế số vốn thoái ra chỉ chiếm tỷ lệ 2%, sự thay đổi về quản trị DN chưa cải thiện được nhiều.

Một số DNNN thực chất chỉ là chuyển sang công ty cổ phần về “bề mặt” trong khi cổ phần được bán cho tư nhân rất nhỏ, không có nhà đầu tư chiến lược. Có trường hợp, đối tác mua cổ phần của DNNN này lại chính là một, một số DNNN khác. Xét chung vẫn là sở hữu chéo lẫn nhau. “Tôi đánh giá cổ phần hóa DNNN trong thời gian qua vẫn là một quá trình rất chậm và chưa thực chất”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nói.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, so với tốc độ của phát triển của nền kinh tế thì việc cổ phần hóa chậm do chưa thay đổi được quản trị của DN. Tính trách nhiệm với hiệu quả đồng vốn chưa cao.

“Tôi nghĩ, việc thoái vốn của Nhà nước tại các DN sẽ tạo nên niềm vui và động lực, cơ hội cho khu vực tư nhân. Phải làm sao tất cả các DN tư nhân, DN nhỏ và vừa có thể tham gia vào quá trình tái cấu trúc”. 

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Đại diện Ủy ban Kinh tế Quốc hội chỉ ra, điểm nhấn lớn nhất của đề án tái cơ cấu lần này là danh sách ngành nghề kinh doanh có điều kiện ngày càng co lại. Một số ngành nghề trước đây là độc quyền nhà nước nay đã có tư nhân tham gia. Quan trọng nhất trong đề án là không khống chế tỷ lệ sở hữu của các thành phần kinh tế tại doanh nghiệp.

Theo đại diện VCCI,  trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, kinh tế tư nhân là động lực chính để phát triển nền kinh tế. Khi DNNN thoái vốn sẽ tạo cơ hội cho DN tư nhân mua cổ phần và trở thành cổ đông, nhà đầu tư chiến lược.

“Tôi nghĩ, việc thoái vốn của Nhà nước tại các DN sẽ tạo nên niềm vui và động lực, cơ hội cho khu vực tư nhân. Phải làm sao tất cả các DN tư nhân, DN nhỏ và vừa có thể tham gia vào quá trình tái cấu trúc”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói.

Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Traphaco thì khẳng định, phiền hà lớn nhất với DN là cải cách thủ tục hành chính. “Các chính sách nhà nước cần hiểu DN và tháo gỡ các khó khăn cho DN trong quá trình hội nhập sâu rộng như hiện nay”, bà Thuận nói.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.