Sáng 1/4, UBND TPHCM tổ chức phiên họp tình hình kinh tế – xã hội quý 1, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 2 năm 2023; thảo luận chuyên đề thúc đẩy đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường chủ trì phiên họp.
Trao đổi mở đầu phiên họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết năm 2021, thành phố phải chiến đấu và vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19 trong điều kiện hết sức ngặt nghèo, với sự chung tay, hỗ trợ, sẻ chia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cộng đồng trong và ngoài nước. Sang năm 2022, thành phố đã phục hồi, lấy lại những gì đã mất của 2021.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Ngô Tùng |
Cũng theo Bí thư Thành ủy TPHCM, cuối năm 2022 và đầu năm 2023, thành phố cũng tính được năm nay sẽ có nhiều thử thách, do đó thành phố quyết tâm nâng cao chất lượng điều hành, thúc đẩy các hoạt động thích ứng và tận dụng cơ hội để vượt qua khó khăn. Đồng thời thành phố cũng đề ra mục tiêu thấp hơn năm 2022.
“Nhưng sự thật không ngờ kết quả lại thấp đến mức như thế dù đã nằm trong dự tính của chúng ta”, ông Nên nhìn nhận.
Ông Nên cho rằng cần có cái nhìn xác thực, khách quan nhất để đề ra kế hoạch cho quý 2 và chuẩn bị cho năm kế tiếp. “Chúng ta có thể hoàn thành không, có niềm tin chiến thắng bù lại cho những “bàn thua” của quý 1 hay không?”, ông Nên đặt vấn đề và đề nghị từng sở ngành đi sâu chỉ rõ và hành động khắc phục bằng giải pháp cụ thể nhằm mang đến hiệu quả trong thời điểm này.
Kinh tế quý 1 xấu hơn dự báo
Trao đổi tại cuộc họp, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia nhìn nhận thực tế tình hình quý 1 diễn biến xấu hơn dự báo và có mức giảm sút đáng báo động. Ông cho rằng có lẽ đây là lần đầu tiên tính từ khi có Nghị quyết 01 của Bộ Chính trị đến nay, mức tăng trưởng của thành phố tính trên cả nước thuộc nhóm “cầm đèn đỏ”.
TS. Trần Du Lịch trao đổi tại buổi họp. Ảnh: Ngô Tùng |
Ông Lịch nhắc lại điều đã trao đổi từ quý 4 năm ngoái, theo đó “nếu tác động kinh tế vĩ mô của thế giới tích cực thì TPHCM khai thác vượt trội yếu tố tích cực, và ngược lại nếu chịu tác động tiêu cực thì thành phố luôn tiêu cực, xấu hơn người ta”.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng quý 1 chỉ 0,7% là điều bất ngờ so với những gì dự báo.
Nêu giải pháp, TS. Trần Du Lịch cho rằng TPHCM phải gỡ hấp thụ vốn, đầu tư công, đầu tư tư nhân và minh bạch điều này để tạo niềm tin cho doanh nghiệp.
“Với truyền thống, vị thế sáng tạo, năng động cùng nỗ lực liên kết vùng, TPHCM tin rằng có thể đứng dậy trong những tháng tới nếu giải quyết được vấn đề cốt tử”, ông Lịch khẳng định.
Những tháng tới, TS. Lịch đề nghị TPHCM tháo gỡ cho vốn vào được nền kinh tế; đồng thời công khai, minh bạch toàn bộ vấn đề.
“Khi doanh nghiệp có niềm tin thì chúng ta mới phát triển. Bối cảnh quý 1 này thuận lợi hơn quý 4 năm ngoái và tình hình có thể khởi sắc hơn từ quý 3. Trong bối cảnh đó, sau hội nghị này, thành phố cần chuyển biến thật sự trong giải quyết những vấn đề tồn đọng nhiều năm và những vấn đề mới phát sinh”, TS. Lịch ý kiến.
Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đề nghị các sở ban ngành thành phố đi sâu chỉ rõ những tồn tại và hành động khắc phục bằng giải pháp cụ thể nhằm quyết tâm bù lại trong 3 quý còn lại. |
Về các giải pháp vượt qua giai đoạn khó khăn này thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết các doanh nghiệp đang cố cầm cự để đảm bảo hoạt động, doanh nghiệp còn nhiều hàng tồn kho. Do đó kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại có chính sách thông thoáng về tài chính với việc có chính sách hỗ trợ kịp thời dòng vốn lưu động, chấp nhận cho họ tín chấp bằng vật tư, nguyên liệu.
Đại diện các sở ngành TPHCM thông tin tại phiên họp. Ảnh: Ngô Tùng |
Theo ông Hòa, nhóm này cũng chờ đợi các giải pháp của Chính phủ và TPHCM; mong đợi thành phố đẩy mạnh đầu tư công nhằm giải thoát khó khăn hiện tại. Thời điểm này, doanh nghiệp cũng cố gắng xoay xở, ấp ủ nhiều ý tưởng đầu tư dài hạn, mở rộng trong tương lai. Về điều này, ông Hòa đề nghị cần có dòng vốn dài hạn với lãi suất dưới 10%, cùng đó Ngân hàng và các cơ quan chức năng phải giải quyết các điều kiện pháp lý để doanh nghiệp có thể thế chấp tài sản, thuê đất…
Mặt khác, thành phố cũng cần sớm xem xét, cho ý kiến đối với chương trình kích cầu để giúp doanh nghiệp bắt tay triển khai ngay các dự án.
“Trong điều kiện cầu chung bị co hẹp, chỉ tập trung vào một số thị trường trọng điểm, TPHCM nên hỗ trợ cho chương trình xúc tiến các thị trường mở, thị trường ngách, tìm kiếm những mặt hàng mới ngoài mặt hàng truyền thống”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM đề nghị.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I năm 2023 ước đạt 360.622,1 tỷ đồng (theo giá hiện hành). GRDP tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, khu vực nông lâm thuỷ sản tăng 2,06%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 3,60% (công nghiệp giảm 0,85%, xây dựng giảm 19,80%); khu vực thương mại dịch vụ tăng 2,07%; thuế sản phẩm tăng 1,14%.