Sáng 30/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức tọa đàm Thảo luận và góp ý dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, với sự tham gia của các cơ quan, bộ ngành trung ương và TPHCM.
Trao đổi mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết kỳ họp cuối năm 2022 đã tổng kết Nghị quyết 54 và cho phép kéo dài Nghị quyết này đến 31/12/2023. Trong thời gian đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND TPHCM phối hợp các bộ ngành xây dựng một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 hiện hành.
Chủ tịch UBND TPHCM trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Ngô Tùng |
Ông Phan Văn Mãi khẳng định, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, TPHCM đã khẩn trương phối hợp các bộ ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ trình nghị quyết thay Nghị quyết 54. Cho đến nay, đã thống nhất mấy điểm: Chính phủ sẽ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bổ sung vào chương trình ban hành pháp luật năm 2023 việc ban hành nghị quyết thay Nghị quyết 54 và thông qua nghị quyết tại một kỳ họp (kỳ họp tháng 5/2023).
Cùng với đó, đến giờ này, Chính phủ đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký bổ sung chương trình xây dựng pháp luật năm 2023. Ngay sáng nay (30/3), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp để thẩm định các nội dung bổ sung cho chương trình xây dựng pháp luật, trong đó có nội dung thực hiện nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. Dự kiến, ngày 19/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp cho ý kiến bổ sung chương trình xây dựng pháp luật, rà soát các nội dung có liên quan để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5 của Quốc hội sẽ khai mạc 22/5/2023.
Nếu không có gì thay đổi, nội dung này sẽ được Ủy ban Pháp luật và các cơ quan Quốc hội đề xuất để Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật và chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội về dự thảo nghị quyết.
Trình khoảng 40 cơ chế, chính sách trong dự thảo
Ông Phan Văn Mãi nêu một số điểm khác biệt rõ rệt giữa Nghị quyết 54 và nghị quyết thay thế. |
Về dự thảo nghị quyết, TPHCM đã bổ sung, cập nhật liên tục để đưa ra bản thảo mới nhất. Nói về điểm khác nhau giữa Nghị quyết 54 hiện hành và nghị quyết thay thế, ông Phan Văn Mãi cho biết Nghị quyết 54 tập trung vào khai thác nguồn thu cho TPHCM, còn với nghị quyết mới thay thế, thành phố không đặt nặng đến khai thác nguồn thu mà xin đề nghị thí điểm các cơ chế đột phá, vượt trội để huy động nguồn lực phát huy tiềm năng để thành phố phát triển.
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, nhìn nhận TPHCM là nơi tập họp người tài của cả nước. Đây là vốn liếng rất lớn, là tài sản quý của TPHCM. “Nguồn nhân lực đang được phát triển như thế nào và đã xứng tầm chưa và cơ chế thế nào để phát triển, phát huy nguồn nhân lực này?”, ông Bình đặt vấn đề.
Ông Bình cũng đặt ra vấn đề mô hình quản lý đại đô thị đối với TPHCM: “Chính quyền thành phố phải quản lý như thế nào, trong đó tính đến mô hình thành phố vệ tinh. Ngoài TP. Thủ Đức, tới đây chúng ta có thêm thành phố nào nữa không và cần chuẩn bị ra sao. Cơ chế này đã hình dung đến vấn đề đó hay chưa?”, ông Bình nói.
Đó là những việc luật chưa quy định, hoặc có quy định nhưng còn chồng chéo nhau, không giải quyết những vấn đề thực tiễn phát triển thành phố... nhằm mục tiêu khai phóng các nguồn lực phát triển để thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam bộ, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TPHCM.
“Từ thực tiễn TPHCM, chúng tôi đề xuất những cơ chế, chính sách đáp ứng tiêu chí đột phá, vượt trội. Có những việc thành phố chưa tìm ra nhưng các bộ ngành, các cơ quan trung ương nhìn thấy và mong muốn thành phố được thí điểm. Trong quá trình này, TPHCM nhận được rất nhiều gợi ý, giao nhiệm vụ từ lãnh đạo các bộ, ban ngành trung ương và các chuyên gia”, ông Mãi nêu rõ và nhắc lại, TPHCM làm việc này không phải, không chỉ cho thành phố mà cho cả nước, bởi nếu thành phố phát triển thì sẽ đóng góp cho sự phát triển của cả nước; do đó, thành phố cũng không đặt vấn đề so sánh tại sao được nhiều cơ chế hay mất cân đối so với các địa phương khác.
Ông Mãi cũng nhấn mạnh, nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 không gọi là "cơ chế đặc thù" mà là những "cơ chế, chính sách đột phá phát triển thành phố". Trong dự thảo nghị quyết này, thành phố tập trung nhiều đến việc làm sao những cơ chế, chính sách để phân cấp phân quyền mạnh mẽ tạo sự chủ động cho thành phố để thành phố chủ động giải quyết những vấn đề đó nhanh hơn, đồng thời cũng rút kinh nghiệm sau này trung ương phân cấp phân quyền cho các địa phương.
Các chuyên gia trao đổi bên lề tọa đàm. Ảnh: Ngô Tùng |
Tại tọa đàm này, ngoài việc góp cho các nội dung về cơ chế chính sách, thành phố mong muốn các chuyên gia, đại biểu góp cho thành phố cách để triển khai nhằm trình được bộ hồ sơ hoàn thiện nhất được Quốc hội thông qua.
Mặt khác, chuẩn bị điều kiện để ngay khi Quốc hội thông qua thì tổ chức thực hiện, rút kinh nghiệm ở Nghị quyết 54 khi kết quả thực hiện chưa đạt như mong muốn.
“Nếu tháng 6 Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết, tháng 7 HĐND TPHCM sẽ có kỳ họp giữa năm để lấy ra một số nội dung chuẩn bị để đi trước. Số lượng nội dung chính sách còn dao động từ nay đến khi hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội và vào khoảng 40 nội dung cơ chế, chính sách chia thành 4 nhóm”, ông Phan Văn Mãi nói.
Trao quyền nhiều hơn
GS.TS Nguyễn Trọng Hoài (Trường Đại học Kinh tế TPHCM) cho rằng từ khoá bao trùm nghị quyết mới là “trao quyền nhiều hơn, kiểm soát ít hơn”.
“Để có thể trao quyền nhiều hơn, kiểm soát ít hơn, lãnh đạo TPHCM phải có trách nhiệm hơn; các sở ngành phụng sự công phải có năng lực hơn, để triển khai các chính sách mang tính thí điểm vượt trội. Được vậy, nghị quyết mới đi vào hiện thực, tránh vướng những cơ chế cũ như Nghị quyết 54”, ông Hoài bày tỏ quan điểm.
GS. Hoài nhìn nhận, với một thành phố siêu đô thị “dân nhiều hơn đất” như TPHCM hiện nay, ngoài vốn và đất đai, cần khai thác những yếu tố về mặt nhân lực, văn hóa lịch sử, môi trường đầu tư và đặc biệt là địa kinh tế - chính trị.