Kinh doanh thương mại - ngành “chìa khóa” trong xu thế tự do hóa thương mại toàn cầu

Kinh doanh thương mại là học cách quản trị và xây dựng chiến lược mua bán ở cấp vĩ mô
Kinh doanh thương mại là học cách quản trị và xây dựng chiến lược mua bán ở cấp vĩ mô
Trên báo đài hay Internet, bạn nghe nói ngày càng nhiều về Hiệp định thương mại tự do, “thuế nhập khẩu 0%”, khu vực thương mại tự do,... Đây chính là biểu hiện cụ thể nhất của xu thế tự do hóa thương mại toàn cầu - xu thế tất yếu cho sự phát triển của mọi nền kinh tế. Và để sẵn sàng cho xu thế này, Việt Nam đang rất “khát” nguồn nhân lực ngành Kinh doanh thương mại.

Cụ thể hơn, Kinh doanh thương mại là ngành “phụ trách” hầu hết hoạt động của doanh nghiệp thương mại - gồm hoạch định, tổ chức, quản trị nhân sự, quản trị bán hàng, quản trị thương hiệu, quản trị kế toán - tài chính, xây dựng chuỗi cung ứng,... Nếu bạn yêu thích hoạt động kinh doanh, tự tin về khả năng tính toán thì hãy dành một chút thời gian tìm hiểu ngành này nhé, vì rất có thể đây chính là ngành học dành cho bạn!

Kinh doanh thương mại không chỉ là ngành... bán hàng

Điều đầu tiên cần khẳng định khi học Kinh doanh thương mại: kiến thức bạn được trang bị không chỉ là mua bán hàng hóa mà là quản trị và chiến lược mua bán. Phạm vi kiến thức của ngành này gồm quản trị bán hàng, quản trị mua hàng, xuất - nhập kho, quản trị chuỗi cung ứng, quản trị bán lẻ, nghiên cứu hành vi tiêu dùng,... Nói cách khác, Kinh doanh thương mại không mua bán một mặt hàng mà là mua bán ở cấp độ vĩ mô - một dòng sản phẩm, một ngành hàng, thậm chí là bao quát cả một thị trường.

Để vận dụng tốt những kiến thức trên, sinh viên còn được trang bị các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, làm việc online, kỹ năng điều hành và quản lý các dự án kinh doanh, xử lý tình huống kinh doanh,... Bạn đã hình dung được phần nào khối lượng kiến thức “khủng” cũng như phạm vi ứng dụng rộng lớn của ngành Kinh doanh thương mại trong nền kinh tế hiện nay rồi, phải không?

Chọn Kinh doanh thương mại, bạn chính là “ngòi nổ” của thị trường

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện đại - đặc biệt là khi mọi doanh nghiệp đều phải thích nghi nhanh chóng, tiến đến nắm vững để khai thác hiệu quả phương thức giao dịch thương mại của các nước - không quá khó hiểu khi nhân lực ngành Kinh doanh thương mại được coi là nguồn “năng lượng sống còn” của doanh nghiệp.

Kinh doanh thương mại - ngành “chìa khóa” trong xu thế tự do hóa thương mại toàn cầu ảnh 1 Nhiều cơ hội việc làm và thăng tiến trong công việc cho sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh doanh thương mại

Cụ thể, bạn có thể làm việc ở bộ phận kinh doanh, xuất - nhập khẩu, quản lý kho bãi, nghiên cứu thị trường, quản lý ngành hàng, marketing, chăm sóc khách hàng,... của doanh nghiệp trước khi thăng tiến trở thành trưởng ngành hàng, quản lý, trưởng phòng hay giám đốc bộ phận. Bạn chính là người lên kế hoạch, xây dựng, vận hành các chiến dịch để hàng hóa từ doanh nghiệp đến các chuỗi siêu thị, hệ thống bán lẻ,... và cuối cùng là đến tay người tiêu dùng.

Theo báo cáo của Nielsen - công ty nghiên cứu thị trường độc lập hàng đầu thế giới thì thị trường Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bậc nhất tại châu Á. Thu nhập bình quân đầu người được nâng cao, thị trường rộng lớn, dân số trẻ, đô thị hóa mạnh mẽ,... là những lợi thế không thể bỏ qua của lĩnh vực kinh doanh thương mại tại Việt Nam.

Ngoài khả năng tính toán, ngành Kinh doanh thương mại còn những yêu cầu gì?

Với một ngành học thiên về kinh doanh, phân tích, quản lý như Kinh doanh thương mại thì chắc hẳn khả năng tính toán và phân tích logic là những tố chất đầu tiên cần có. Tuy nhiên, đây chỉ là điều kiện cần - bởi trong môi trường kinh doanh nhiều biến động, yêu cầu tiếp xúc với rất nhiều người thì sự nhạy bén, kỹ năng giao tiếp, trình bày - thuyết phục, xử lý tình huống và cả khả năng làm việc dưới áp lực cao là những tố chất đặc biệt cần thiết.

Kinh doanh thương mại - ngành “chìa khóa” trong xu thế tự do hóa thương mại toàn cầu ảnh 2 Khả năng tiếng Anh tốt là điểm cộng lớn cho sinh viên ngành Kinh doanh thương mại (Ảnh: Sinh viên HUTECH thường xuyên giao lưu, học tập cùng sinh viên quốc tế)

Khả năng tiếng Anh tốt và những kỹ năng mềm như phân bổ công việc, quản lý thời gian,... cũng là điểm cộng lớn cho sinh viên ngành Kinh doanh thương mại. Nhưng bạn lưu ý nhé, vì tố chất chỉ là xuất phát điểm, quá trình học tập và trau dồi mới chính là giai đoạn quyết định - đây cũng là tiêu chí bạn cần lưu ý khi chọn trường theo học. Những địa chỉ uy tín về khối ngành kinh tế như trường ĐH Kinh tế TP.HCM, trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) hay trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) sẽ là những gợi ý không thể bỏ qua nếu bạn quyết tâm chinh phục ngành học này!

Thông tin xét tuyển ngành Kinh doanh thương mại tại một số trường Đại học:

- Trường Đại học Kinh tế TP.HCM: Xét tuyển các tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh), D07 (Toán, Hóa, Anh) theo kết quả thi THPT Quốc gia.

- Trường Đại học HUTECH: Xét tuyển các tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), C01 (Toán, Văn, Lý), D01 (Toán, Văn, Anh) theo kết quả thi THPT Quốc gia; hoặc xét tuyển học bạ lớp 12 với tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên; hoặc xét kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐHQG-HCM; hoặc kỳ thi tuyển sinh riêng của HUTECH.

- Trường Đại học UEF: Xét tuyển các tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), C00 (Văn, Sử, Địa), D01 (Toán, Văn, Anh) theo kết quả thi THPT Quốc gia; hoặc xét tuyển học bạ; hoặc xét kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐHQG-HCM.

MỚI - NÓNG