Kiev hứng tên lửa hành trình

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thủ đô Kiev của Ukraine hứng các vụ tấn công bằng tên lửa hành trình ngay trong ngày Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đang ở thăm. Trước đó vài giờ, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo về một khoản viện trợ kinh tế và quân sự khổng lồ dành cho Ukraine.
Kiev hứng tên lửa hành trình ảnh 1

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres thăm các khu dân cư ở thủ đô Kiev. (Ảnh: Guardian)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng đợt tấn công xảy ra “ngay sau khi” ông có cuộc gặp ông Guterres.

Một tên lửa lao trúng toà nhà chung cư gần nhà máy quốc phòng Artem, nơi dân cư đã được sơ tán trước khi xung đột nổ ra.

Ông Guterres nói rằng ông bị sốc vì đợt tấn công tên lửa, “không phải vì tôi đang ở đây mà vì Kiev là thành phố thiêng liêng với cả người Ukraine và Nga”.

Trong bài phát biểu lúc đêm muộn, ông Zelensky nói rằng đợt tấn công tên lửa này vào Kiev và các thành phố khác “cho thấy chúng tôi không thể giảm bớt cảnh giác”.

Ông cảm ơn Mỹ với đề xuất gói hỗ trợ mới để tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Tổng thống Mỹ Biden đề xuất Quốc hội lập tức thông qua gói viện trợ 33 tỷ USD để viện trợ vũ khí chống tăng, phòng không, pháo và xe bọc thép cho Ukraine, đồng thời phục vụ việc tăng cường chia sẻ thông tin tình báo, triển khai công cụ chống chiến tranh trên mạng internet.

Cũng trong gói đó, ông Biden đề xuất dành 8,5 tỷ USD để hỗ trợ kinh tế cho Ukraine và 3 tỷ USD cho hoạt động nhân đạo, cùng với các khoản ngân sách giúp Mỹ tăng cường sản xuất lương thực và khoáng sản chiến lược để bù đắp tác động của cuộc xung đột ở Ukraine lên các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tổng giá trị của gói hỗ trợ này là 33 tỷ USD, cao hơn gấp đôi khoản ngân sách mà Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 3 và vượt qua tổng ngân sách quốc phòng của Ukraine cùng nhiều quốc gia khác.

Tổng thống Mỹ nói rằng gói hỗ trợ này sẽ giúp Ukraine đẩy lùi quân Nga ở miền đông và nam, đồng thời chuyển đổi để đáp ứng những nhu cầu an ninh lâu dài.

Cùng ngày, Quốc hội Mỹ cập nhật một đạo luật từ năm 1941 để giúp Mỹ dễ dàng hơn trong việc cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine.

Trước đó, Nga cảnh báo rằng việc phương Tây tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ đe dọa an ninh của châu Âu, dẫn đến việc Nga sẽ đáp trả và làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân.

Tổng thống Nga Vladimir Putin doạ sẽ “đáp trả nhanh như chớp” nếu phương Tây can thiệp vào Ukraine.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc Mỹ và các đồng minh đang tiến hành chiến tranh đại diện ở Ukraine.

Theo Guardian
MỚI - NÓNG