Thách thức hậu cần khiến Ukraine khó duy trì vũ khí được phương Tây viện trợ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các quốc gia phương Tây hứa tài trợ nhiều vũ khí hạng nặng cho Ukraine để giúp nước này đối phó hiệu quả hơn với quân đội Nga trong giai đoạn mới của cuộc xung đột. Tuy nhiên, giới chuyên gia nói rằng Ukraine sẽ gặp nhiều thách thức hậu cần phức tạp khi sử dụng những vũ khí này.
Thách thức hậu cần khiến Ukraine khó duy trì vũ khí được phương Tây viện trợ ảnh 1

Đức cam kết sẽ cung cấp pháo phòng không Gepard cho Ukraine. ̣̣(Ảnh: Reuters)

Đức vừa tiếp nối Pháp, Anh, Mỹ và CH Séc cam kết cung cấp pháo phòng không Gepard cho Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần kêu gọi các nước viện trợ vũ khí hạng nặng, nhất là sau khi Nga chuyển trọng tâm chiến trường xuống vùng đông và đông nam Ukraine.

Giới chuyên gia cho rằng các loại pháo tự hành, xe tăng và xe bọc thép sẽ bổ sung đáng kể sức mạnh cho quân Ukraine, thậm chí tái tạo năng lực sau 2 tháng chiến sự. Tuy nhiên, Ukraine sẽ gặp phải nhiều vấn đề hậu cần nghiêm trọng để duy trì những vũ khí đó trên chiến trường.

Tuyến vận chuyển vũ khí hiện tại cho thấy việc chuyển giao các lô vũ khí mới cho Ukraine sẽ được thực hiện suôn sẻ. Các nước hậu thuẫn Ukraine hầu như vẫn tránh cung cấp vũ khí phức tạp, đòi hỏi huấn luyện lâu dài và nhiều hỗ trợ hậu cần, như xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất.

Xe bọc thép do Liên Xô sản xuất mà CH Séc cung cấp tương tự như loại Ukraine đang sử dụng, vì thế việc huấn luyện chỉ cần vài giờ đồng hồ.

Pháp sẽ gửi pháo tự hành Caesar, loại có tiếng là dễ sử dụng. Pháo phòng không Gepard của Đức khó dùng hơn, đòi hỏi nhiều tuần huấn luyện.

Một lựa chọn mà Berlin đang cân nhắc là cung cấp xe chiến đấu bộ binh Marder, loại mà binh lính Ukraine dễ thích nghi hơn.

Sau khi được đưa đến Ukraine, các phương tiện và vũ khí phức tạp này vẫn cần một chuỗi hậu cần phụ trách việc bảo dưỡng và thay thế phụ tùng nếu bị hỏng hóc hoặc hư hại trên chiến trường.

Tuy nhiên, ông Carlo Masala, công tác tại ĐH Quân sự Đức tại Munich, cho rằng điều quan trọng là đưa vũ khí ra chiến trường ngay để hỗ trợ quân Ukraine vào thời điểm quan trọng.

“Cần đào tạo họ cách sử dụng và đưa vũ khí đến Ukraine. Nếu họ có thể dùng Marder trong 3 tuần cũng sẽ tốt hơn là không có gì”, ông Masala nói với đài Deutsche Welle.

Tùy thuộc xung đột kéo dài bao lâu, việc cung cấp vật tư đạn dược cho các phương tiện mới có thể trở thành vấn đề.

“Mọi người hy vọng cuộc xung đột sẽ kết thúc nhanh. Nhưng nếu kéo dài, không thể loại trừ nguy cơ thiếu đạn dược, nhất là với pháo Caesar, dù vũ khí này cũng dùng cỡ nòng 155mm như loại mà Úc, Canada và Mỹ viện trợ”, ông Jean-Pierre Maulny, công tác tại Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Pháp (IRIS), cho biết.

Nỗ lực của Đức về việc cung cấp xe chiến đấu Marder cho Ukraine đang gặp khó khăn vì phụ thuộc vào đạn dược do Thụy Sĩ sản xuất. Bern đã gạt đề nghị cung cấp đạn cho Ukraine thông qua Đức vì nguyên tắc trung lập.

Nếu chiến sự kéo dài và ác liệt hơn, nhiều loại vũ khí mà Mỹ và các đồng minh viện trợ cho Ukraine có thể không duy trì được lâu, các chuyên gia nhận định.

Theo AP
MỚI - NÓNG