'Kiếp nạn' của hoa bằng lăng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Xưa nay, vốn được biết đến là loài hoa nở rộ vào mùa hè với sắc màu tím biếc, lãng mạn, gợi nhớ những kỷ niệm thân thương tuổi học trò, nhưng mùa hè năm nay, hoa bằng lăng bỗng dưng được chị em yêu bếp “khoác” thêm sứ mệnh mới: trở thành một món trên bàn ăn.

Bằng lăng “giải cứu” hoa phượng, măng cụt…

Mới đây, trên một hội nhóm chuyên cập nhật các kinh nghiệm nấu ăn của chị em, một thành viên tên Phương Yến đã gây kinh ngạc khi chia sẻ công thức làm món gỏi từ hoa bằng lăng. Món ăn này gồm thịt bò, tôm, hành tây, cà rốt, hoa bằng lăng và nước sốt.

'Kiếp nạn' của hoa bằng lăng ảnh 1

Món gỏi được làm từ hoa bằng lăng gây “sốt” trên mạng xã hội

“Là người mê nấu ăn nên mình hay mò mẫm thử nhiều món mới. Nhà có trồng một cây bằng lăng ở góc vườn nên mình nghĩ đến việc thử làm món gỏi với hoa bằng lăng, không ngờ lại thành công. Mình được biết ở miền Tây mọi người hay chế biến món này nên an tâm thử nghiệm. Mình chỉ hái một ít thôi là đủ dùng", chị chia sẻ trong bài viết.

Trả lời những thắc mắc về hương vị, chị Yến cho biết hoa bằng lăng không hề đắng mà có vị chua nhẹ, rất hợp để làm gỏi. Chỉ sau vài giờ đăng tải, bài viết này đã nhận được hơn 1.400 lượt bình luận, hơn 4.400 lượt tương tác.

'Kiếp nạn' của hoa bằng lăng ảnh 2

Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia: “Đối với hoa bằng lăng, hiện chưa có nghiên cứu nào về giá trị dinh dưỡng. Nếu chế biến gỏi từ hoa cần chú ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”

Bên dưới bài viết, nhiều bình luận tỏ ra bất ngờ và hứa hẹn sẽ làm thử. Một số người còn hài hước cho rằng sau “cơn sốt” gỏi hoa phượng rộ lên năm ngoái thì năm nay là “tam tai của bằng lăng”, “kiếp nạn của hoa bằng lăng” đã đến.

Cũng không ít người hoài nghi hương vị của nó liệu có ngon thực sự, có an toàn cho sức khỏe... “Mình biết cây bằng lăng có khá nhiều tác dụng, nhưng hoa thì sao, và liệu có phải ai cũng ăn được hay không?”, một thành viên bày tỏ lo ngại.

Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết đối với hoa bằng lăng, hiện chưa có nghiên cứu nào về giá trị dinh dưỡng. Một số bà nội trợ chế biến gỏi từ hoa để đổi vị cho bữa ăn. Tuy nhiên, cần chú ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Thường thì hoa bằng lăng được trồng ở ngoại ô, tại những thành phố có nhiều xe cộ lưu thông không đảm bảo an toàn. Thậm chí, hoa có thể bị nhiễm chì, và sử dụng hoa này có thể gây hại đến sức khỏe. Vì vậy, chỉ nên sử dụng hoa từ những vùng trồng hoa sạch và đảm bảo quá trình chế biến an toàn để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe”, bác sĩ phân tích.

'Kiếp nạn' của hoa bằng lăng ảnh 3

Món gỏi gà măng cụt của đất Lái Thiêu (Bình Dương). Ảnh: Vương Tâm

Nếu như măng cụt non rất khó lột vỏ, hoa phượng thường nằm trên cao thì hoa bằng lăng lại mọc rải rác khắp các con đường, với những tán cây thấp trong tầm với, sẵn sàng cho bất kỳ ai muốn thử làm đĩa gỏi bằng lăng cho kịp “trend” (trào lưu, xu hướng).

Chính sự dễ dàng này khiến nhiều người quan ngại những hàng cây bằng lăng sẽ trở thành nạn nhân của những cuộc “đồ sát" không kiểm soát, khi người ta vô tư hái hoa, bẻ cành.

"Nếu đua nhau hái hoa để ăn thì còn gì là vẻ đẹp của phố phường nữa. Thôi xin các vị tha cho hoa bằng lăng!"..., một ý kiến nhận được nhiều sự đồng tình trên mạng xã hội.

Ăn theo “trend”

Còn nhớ, cũng vào mùa hè năm ngoái, món gỏi gà măng cụt liên tục xuất hiện trên nhiều diễn đàn, hội nhóm ẩm thực. Mọi người rầm rộ chia sẻ hình ảnh, công thức, hương vị của món ăn. Măng cụt dùng trong món gỏi là măng cụt xanh, đầu bếp phải khéo léo gọt bỏ phần vỏ, lấy phần thịt để trộn cùng gà luộc hay hấp, xé miếng vừa ăn.

Theo chia sẻ của nhiều chị em trên mạng xã hội, việc gọt, tách lấy phần thịt từ măng cụt xanh không chỉ tốn thời gian mà còn dễ dính mủ. Chưa kể, mỗi kg măng cụt xanh, người gọt chuyên nghiệp sẽ tách được tầm 200g phần thịt nhưng người mới học việc thì chỉ được khoảng 100-150g. Cũng vì nhiều nhóm buôn bán online nhanh chóng đẩy giá măng cụt xanh gọt vỏ với mức khá “chát” từ 400.000 đồng/kg.

Măng cụt xanh khó gọt, giá cao, nên một người anh em khác được mang ra để "gánh phụ" – đó là chôm chôm. Tương tự măng cụt, chôm chôm được sử dụng trong món gỏi là chôm chôm hơi chuyển màu vàng để có vị chua song vẫn có thể tách bỏ hạt. Theo cánh chị em chia sẻ thì gỏi chôm chôm cho vị ngon, lạ không kém gỏi gà măng cụt xanh nhưng giá thành thấp hơn, việc tách thịt từ quả chôm chôm cũng đơn giản.

'Kiếp nạn' của hoa bằng lăng ảnh 4

Nhiều người quan ngại việc trở thành món ăn sẽ khiến hoa bằng lăng bị “đồ sát”

Khi các món gỏi từ quả bắt đầu hết độ hot thì bỗng một ngày, trên diễn đàn nội trợ, bếp núc xuất hiện một tài khoản facebook chia sẻ cách làm gỏi từ hoa phượng, như một cách "đổi vị" mới lạ.

Cánh hoa phượng được các “siêu đầu bếp” mang về trộn gỏi với tôm thịt, có người còn hồ hởi khoe độ sáng tạo với món cánh hoa phượng chiên giòn. Không để kém cạnh, nhiều chị em khác mạnh dạn chiên giòn các loại hoa khác như hoa giấy, hoa lan...

Thậm chí nhiều người còn làm trà từ hoa giấy, mãng cầu, chôm chôm… Nhiều cửa hàng bán đồ uống còn tự sáng tạo ra những thức uống khó hiểu “có một không hai” như trà sữa hành lá, trà sữa ớt...

Khi hoa và quả bắt đầu nhàm, Facebook và TikTok lại rộ lên các món ăn mà khi đọc tên không ít người phải phì cười ngạc nhiên như: vỏ sầu riêng chiên giòn, vỏ sầu riêng hầm xương, bẹ cau non hầm chân giò, hoa cau non xào thịt bò, quả mùng tơi xào thịt băm, đọt đu đủ chấm muối…

Đến nỗi nhiều người phải thốt lên ví von "Năm nay tam tai của măng cụt", “Hoa giấy tới số rồi”, hay “Đến lượt hoa cau bị đồ sát”… để nói lên "số phận" của những loại hoa quả khi vô tình trở thành món ăn chế biến mà các mẹ, các chị đua nhau săn lùng, tìm kiếm. Tuy nhiên, điểm chung của các món ăn độc lạ này là chỉ gây xôn xao một thời gian rồi lại lắng xuống nhường chỗ cho món ăn khác “leo trend”.

Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa tư vấn dinh dưỡng - Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, hiện chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể nào cho thấy hoa phượng, hoa giấy, hoa lan… mang lại giá trị dinh dưỡng thiết thực và những món ăn như gỏi gà măng cụt, gỏi hoa phượng, hoa lan chiên, trà hoa giấy… không phải là món ăn, thức uống thông dụng, mà chỉ là một bộ phận nhỏ giới trẻ tự nghĩ ra để tạo “trend”, câu lượt xem.

Bác sĩ phân tích, đến thời kỳ khó khăn nhất, thực phẩm thiếu mà ông cha ta cũng không sử dụng hoa lá đó để làm món ăn. Do đó, giới trẻ đang coi thường sức khỏe dinh dưỡng, cảm thấy thích thú với món ăn nào là chế biến món đó, không cần biết đó là món ăn, thức uống có lành mạnh, khoa học hay không.

Còn nhớ, dạo gỏi gà măng cụt đang sốt xình xịch, trên trang facebook của mình, nghệ sỹ Thành Lộc đã chia sẻ câu chuyện bản thân chứng kiến những năm 70-80 đã từng rộ lên kiểu ăn nhậu măng cụt sống ở miền Tây. Người nhậu chấm măng cụt với đường. Đó là thời kinh tế khó khăn, mọi người có gì ăn nấy. Cũng theo chia sẻ của nam nghệ sỹ, sau đó có nhiều người ngộ độc vì măng cụt rất nhiều nhựa, khi gặp đường sẽ có phản ứng ngộ độc.

MỚI - NÓNG