Chuyện ly kỳ của nữ điệp viên anh hùng:

Kiến tạo đường dây tình báo cho Phạm Xuân Ẩn

Cô Tám Thảo giới thiệu tấm ảnh chụp với em gái tại căn cứ Củ Chi Ảnh: Trần Nguyên Anh
Cô Tám Thảo giới thiệu tấm ảnh chụp với em gái tại căn cứ Củ Chi Ảnh: Trần Nguyên Anh
TP - Sau khi Phạm Ngọc Thảo hy sinh, Tám Thảo nhận được lệnh “trường kỳ mai phục”, để bảo vệ an toàn cho mạng lưới. Tám Thảo và Mỹ Linh được cử đi học tiếng Anh, tiếp tục học thêm kỹ năng làm tình báo trong khoảng một năm. Người tới nhà dạy tiếng Anh cho hai chị em, không ai khác, đó chính là Phạm Xuân Ẩn, một nhà báo tiếng tăm. 

Sinh hoạt tổ đảng cùng Phạm Xuân Ẩn

Mỗi tuần, Phạm Xuân Ẩn tới nhà hai chị em Nhung, Linh và dạy tiếng Anh cho họ, rồi nhận xét: “Hai cô học rất tốt, sau này có thể làm việc được với tụi Mỹ”.

Cô Tám Thảo nhớ lại: “Khi ấy anh Ẩn chưa lộ ra là một nhà hoạt động tình báo tầm cỡ gì như Phạm Ngọc Thảo. Với chúng tôi, anh ấy là một nhà báo giao thiệp rộng, cực kỳ thông minh và cũng là thầy giáo dạy tiếng Anh của chúng tôi. Song chỉ có một điều, chỉ chúng tôi biết mà không ai trên đời này có thể biết, đó là vào những ngày nhất định, chúng tôi gặp gỡ nhau với tư cách một tổ tình báo, trong đó có 5 người thôi, gồm chỉ huy là anh Mười Hương, người cán bộ tổ chức là chị Phương Điền, còn lại là hai chị em tôi với anh Phạm Xuân Ẩn. Trong năm người, chỉ có mình em gái tôi Mỹ Linh còn là quần chúng, bốn người còn lại đều đảng viên”.

Sau khi học ở Mỹ trở về Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn đã tìm đến gặp Tám Thảo tại nhà riêng của cô. “Thời gian vài năm trôi qua, không biết mọi việc sẽ như thế nào? Anh Ẩn có còn muốn hoạt động nữa hay không?” - Tám Thảo rất lo lắng.

Anh Ẩn kể một câu chuyện thót tim vừa diễn ra ở sân bay: “Khi anh xuống sân bay, thấy xe bịt kín đậu ở chân cầu thang máy bay, anh nghĩ, có lẽ chúng đến bắt mình đây. Khách xuống, chúng ập tới bắt một người khác đưa đi”.

Tám Thảo hỏi anh Ẩn: “Bây giờ ý anh thế nào? Anh có muốn liên lạc với tổ chức không?”. Phạm Xuân Ẩn, khi đó dáng cao ráo, da trắng, tỏ ra rất nóng ruột, anh nói: “Anh muốn hoạt động, nên mới tìm đến em chứ”. Tám Thảo nói: “Vậy để em báo cáo tới tổ chức”.

Tám Thảo đích thân đi vào chiến khu gặp lãnh đạo tình báo của miền. Cô báo cáo ngắn gọn như sau: “Anh Ẩn về rồi. Bây giờ làm sao?”. Lãnh đạo miền nghe tin rất mừng, bảo: “Kêu ông Ẩn xuống gặp”. Sau đó mấy hôm, Tám Thảo và Phạm Xuân Ẩn đi xuống căn cứ Phú Hòa Đông bằng tắc xi. Tám Thảo ở ngoài, không vào trong. Phạm Xuân Ẩn gặp lãnh đạo của miền, trong đó có ông Võ Văn Kiệt.

Cô Tám Thảo vẫn nhớ như in vẻ quả quyết xen lẫn vui mừng khi được giao nhiệm vụ của anh Ẩn: “Sau khi họp xong, anh Phạm Xuân Ẩn đi ra, bảo tôi rất ngắn gọn như thế này “Chị làm liên lạc cho tôi!”.  Tám Thảo nhận nhiệm vụ. Phạm Xuân Ẩn lại bảo: “Bây giờ, mỗi tháng tôi và chị đều đóng đảng phí. Chị đóng qua tôi”.  Hai người trở lại thành phố.

Kiến tạo đường dây tình báo cho Phạm Xuân Ẩn ảnh 1

Cô Tám Thảo (hàng sau, người đầu tiên từ trái sang) gặp lại Phạm Xuân Ẩn (hàng sau, thứ ba, từ trái sang) sau ngày đất nước thống nhấtẢnh: Tư liệu

Vận chuyển 24 cuốn phim

Một buổi sáng, Tám Thảo đang bán tơ lụa, Phạm Xuân Ẩn tới, bảo “đi ăn sáng”. Nói vậy thôi chứ chẳng có bữa sáng nào hết, cả hai lên đường ngay. Phạm Xuân  Ẩn vừa lái xe vừa đưa một cái túi trong đó đựng hai cái gói, bọc trong giấy báo. Tám Thảo hỏi nhỏ: “Cái gì đấy?”. Anh Ẩn thì thào: “Phim, phim”. Tám Thảo không biết giấu số tài liệu kềnh càng vào đâu, chỉ biết cho hết vào hai cái túi đem theo, một cái túi có màu hồng sang trọng.

Xe chạy tới ngang Hóc Môn, bỗng dưng bị cảnh sát tuýt còi dừng lại để xét. Số phim hoàn toàn không ngụy trang gì ngoài bọc giấy báo, địch khám sẽ phát hiện ra ngay! Khoảnh khắc này, liên quan đến sinh mệnh cá nhân, liên quan đến một đường dây hoạt động quan trọng và cả những tài liệu nữa, đòi hỏi người liên lạc phải đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác.

Cô Tám Thảo kể: “Bản chất tôi trầm, không hốt hoảng bao giờ. Lúc đó tôi biết phim trong túi, một cuộn đã chết rồi, nói gì 24 cuộn. Tôi ngồi ở băng ghế đầu, tôi xách hai cái túi thản nhiên đi xuống. Tôi đi thẳng xuống chỗ tên chỉ huy. Tôi bảo: Chào thầy, rồi cứ thế nói chuyện huyên thuyên. Gia đình chúng tôi có nghề buôn bán, mẹ tôi ăn nói rất khéo. Tôi cố làm sao nói chuyện thật khéo, để nó không để ý gì hết”.

Thời gian trôi qua như hàng thế kỷ vậy. Cô nhớ lại: “Chúng tôi cứ nói chuyện, lính của nó cứ xét người, xét xe. Đến khi xe sắp chạy, tên chỉ huy hỏi: Sao cô không lên xe đi? Tôi trách là tại thầy nói nhiều. Nó nói vậy, nhưng không quên nhiệm vụ đâu, nó quay lại hỏi tôi: lính xét cô chưa? Tôi nói: chưa xét, tại thầy cả đấy, thầy xét đi. Tôi giả bộ đưa túi cho nó. Khi ấy xe sắp chạy rồi, bác tài nổ máy rồi. Nó bảo: “Thôi đi đi”. Thể là tôi thong thả lên xe.

“Thần giao cách cảm”

Một lần, vì tài liệu quá gấp và hết sức quan trọng, Phạm Xuân Ẩn trực tiếp chở Tám Thảo xuống Củ Chi, tới tận bót gác của địch mới dừng xe lại. Thường thì tại bót này có xe đò đưa khách đi tiếp vào các xã ngoại ô, nhưng hôm đó lại sửa đường, xe không chạy. Tình huống xảy ra ngoài dự kiến. Tám Thảo đứng loanh quanh ở bốt gác rất dễ bị khám xét, lên xe quay về sẽ bị nghi ngay.

Cô Tám Thảo không bao giờ quên cảm giác khi ấy: “Tôi đứng ở bốt gác trò chuyện tìm hướng giải quyết. Anh Ẩn lo lắm, anh ngồi trên ô tô, tay cầm điếu thuốc, tàn rất dài rồi mà không hút. Nhìn anh ấy, tôi thấy sự thông cảm của anh với tôi như thần giao cách cảm vậy. Anh vừa thương vừa lo cho tôi”. Người nữ tình báo bùi ngùi: “Nhìn dáng vẻ anh, tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Tôi mới hỏi những người xung quanh rằng có cách gì giúp tôi đi ăn giỗ ở quê được không? Có người bảo chỉ còn cách đi xe ngựa. Thế là tôi gọi một chiếc xe ngựa mà đi trước họng súng của lính gác”.

Tổ chức nhận thấy sự nguy hiểm khi Tám Thảo thường xuyên từ trung tâm thành phố đi vào căn cứ, nên đã cử một người liên lạc mới từ Củ Chi vào nội thành nhận tài liệu của Phạm Xuân Ẩn. Nhưng anh Ẩn vẫn gặp Tám Thảo đưa tài liệu, nhờ Tám Thảo đến gặp người liên lạc mới để giao nhằm tăng thêm độ bảo mật. Hàng năm trời sau đó, Tám Thảo vẫn làm người trung gian chuyển tài liệu từ Phạm Xuân Ẩn cho người liên lạc từ Củ Chi vào nội thành, đảm bảo an toàn cho Phạm Xuân Ẩn.

(Còn nữa)

 “Cô Tám Thảo thông báo anh Phạm Xuân Ẩn đã về Sài Gòn từ năm 1959 nhưng không dám bắt liên lạc với ai. Lúc đó ngành tình báo chưa bắt được liên lạc với Phạm Xuân Ẩn. Anh Mai Chí Thọ yêu cầu tôi tổ chức rước anh Phạm Xuân Ẩn vào chiến khu. Tôi viết thư cho Tám Thảo, ký tên Xuân Mạnh, giao nhiệm vụ cho Tám Thảo đưa Phạm Xuân Ẩn vào chiến khu. Buổi tiếp Phạm Xuân Ẩn có ông Võ Văn Kiệt, ông Cao Văn Chiếm và tôi”. 
Đại tá Nguyễn Xuân Mạnh, nguyên Trưởng phòng Điệp báo Cục II, 
Bộ Quốc phòng - Trích từ Sách Hai Tiểu thư tình báo Sài Gòn của Diệu Ân

MỚI - NÓNG