Theo Bộ Công Thương, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Một số siêu thị, hệ thống phân phối trong vùng dịch đã xuất hiện ca F0 đến mua sắm dẫn đến phải đóng cửa, ảnh hưởng tới nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu.
“Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ Y tế và các cơ quan liên quan chính thức bổ sung nhóm đối tượng là người lao động tại các hệ thống phân phối bán lẻ hàng hoá thiết yếu (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi…) và tại các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hoá, cửa hàng kinh doanh các mặt hàng thiết yếu vào danh sách nhóm đối tượng do ngân sách Nhà nước hỗ trợ được ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19”, Bộ Công Thương đề xuất.
Theo Bộ Công Thương, việc bổ sung đối tượng này nhằm bảo vệ đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao do hàng ngày phải tiếp xúc với hàng triệu lượt khách hàng và bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân trong mọi cấp độ dịch bệnh.
Cơ quan này cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, UBND cấp tỉnh tại các địa phương đang có dịch khẩn trương sắp xếp, ưu tiên tiêm gấp vắc xin phòng COVID-19 cho người lao động tại các cơ sở phân phối bán lẻ hàng hoá thiết yếu.
Cùng đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan hỗ trợ tìm nguồn cung vắc xin, hướng dẫn thủ tục hành chính nhập khẩu vắc xin và tổ chức tiêm cho người lao động tại các doanh nghiệp ngành phân phối bán lẻ có nhu cầu tiêm cho người lao động bằng nguồn tài chính của doanh nghiệp.
Liên quan đến việc mua vắc xin phòng COVID-19, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, tập đoàn đã có đề nghị với Chính phủ và cũng có văn bản chính thức gửi đến Ban chỉ đạo Nhà nước về phòng chống dịch COVID-19 về việc các doanh nghiệp của Vinatex sẵn sàng chi trả tất cả các chi phí dành cho việc tiêm vaccine cho toàn thể 150.000 cán bộ, công nhân viên, người lao động. Việc này nhằm giúp gánh vác một cách trực tiếp cho nguồn lực của quốc gia trong giai đoạn này, để nguồn lực quốc gia cộng với các nguồn đóng góp khác có thể hỗ trợ khu vực người dân chưa có việc làm hoặc còn nhiều khó khăn về kinh tế.
Theo ông Trường, các doanh nghiệp của Vinatex ước tính cần dành nguồn ngân sách khoảng 100 – 200 tỷ đồng để chuẩn bị cho chương trình tự lo vaccine cho người lao động.
Tại hội nghị trực tuyến do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cuối tuần qua, lãnh đạo nhiều hiệp hội doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện tử, dệt may, da giày, gỗ, sữa đã kiến nghị được đồng hành cùng Chính phủ tìm nguồn vắc xin, tự chi trả chi phí, đóng góp kinh phí tiêm vắc xin cho người lao động để sớm khôi phục sản xuất và chia sẻ gánh nặng với Chính phủ. Việc cho phép các doanh nghiệp được tìm nguồn vắc xin để tiêm cho hàng triệu người lao động sẽ giúp giảm gánh nặng cho Chính phủ.
Bắc Giang tiêm vắc xin cho thương nhân và lái xe thu mua vải thiều
Tỉnh Bắc Giang đang tiến hành tiêm vắc xin cho thương nhân và lái xe đến huyện Lục Ngạn thu mua vải thiều để đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID – 19.
Trao đổi với phóng Tiền Phong, ông Nguyễn Thế Thi – Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: Ngày 3/6, huyện này bắt đầu tiến hành tiêm vắc xin cho các thương nhân và lái xe đến thu mua vải thiều để đảm bảo an toàn về dịch. Theo lịch, có 367 thương nhân và lái xe được tiêm vắc xin, trong đó ưu tiên thương nhân ở tỉnh ngoài.
“Tiêm vắc xin cho thương nhân và lái xe đến thu mua vải là một biện pháp quan trọng nhằm đảm an toàn vùng vải thiều sạch không có dịch”, ông Thi nhấn mạnh.
Tỉnh Bắc Giang tiêm vắc xin cho thương nhân và lái xe thu mua vải thiều |
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, đến nay, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ đạt khoảng gần 27.500 tấn, giá bán trung bình từ 13000 -33.000đồng/kg. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh COVID -19 diễn biến phức tạp, việc vận chuyển, tiêu thụ vải thiều bằng đường bộ đang gặp rất nhiều khó khăn, thiếu phương tiện và thời gian vận chuyển bị kéo dài không đáp ứng được yêu cầu thời vụ.
Để tiêu thụ vải thiều thuận lợi, tỉnh Bắc Giang đã đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải quan tâm chỉ đạo các hãng hàng không trong nước hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh phấn phối vải thiều từ Bắc Giang vào các tỉnh phía Nam với mức giá ưu đãi trong thời gian thu hoạch vải.
UBND tỉnh Bắc Giang cam kết yêu cầu các doanh nghiệp, các đơn vị vận tải, chủ xe, lái xe khi vận chuyển vải thiều từ Bắc Giang đến cảng hàng không và ngược lại phải tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch.