Kiến nghị áp dụng biên độ giao dịch lệch trên cả 2 sàn

Kiến nghị áp dụng biên độ giao dịch lệch trên cả 2 sàn
TPO – Theo đề xuất của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) liên quan đến một số giải pháp nhằm ổn định sự hoạt động của TTCK thì nên áp dụng biên độ lệch - 1% và + 3% trên cả hai sàn.
Kiến nghị áp dụng biên độ giao dịch lệch trên cả 2 sàn ảnh 1

VAFI kiến nghị áp dụng biên độ giao dịch lệch trên cả 2 sàn

Theo đại diện VAFI, việc áp dụng biên độ lệch nhằm đưa ra tín hiệu rằng đa phần giá cổ phiếu hiện nay đã quá rẻ, thấp hơn nhiều so với giá mà các nhà đầu tư tổ chức đã tính toán mua đầu tư đồng thời nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ giá xuống và giúp trấn an tâm lý các nhà đầu tư.

“Những giải pháp liên quan đến các cơ quan nhà nước không thể ra đời nhanh chóng, chúng ta phải chấp nhận thực trạng này và phải có độ trễ về thời gian. Khi TTCK hồi phục thì chúng ta có thể nới dần biên độ và khoảng thời gian này là không lâu”- Đại diện VAFI cho biết.

Liên quan đến việc giải chấp cổ phiếu cầm cố có tổ chức và có hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, VAFI cũng kiến nghị cho phép các ngân hàng thương mại cổ phần được bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài (theo chế độ đăng ký và báo cáo thay vì phải xin phép) với tỷ lệ không quá 5%/ vốn điều lệ theo cơ chế của Ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện cổ phần hoá.

Cùng với đó không thực hiện việc bán ồ ạt cổ phiếu cầm cố khi tới hạn giải chấp, và vẫn tiếp tục thực hiện việc vay nợ từ cầm cố chứng khoán nếu như nhà đầu tư vẫn có khả năng trả lãi hàng tháng, hàng quý cho ngân hàng thương mại.

Theo tìm hiểu của VAFI thì nguồn cổ phiếu cầm cố trên các sàn giao dịch không còn nhiều. Tuy nhiên việc giải chấp trong điều kiện tính thanh khoản của thị trường kém thì không có hiệu quả. Hiện nhiều nhà đầu tư đang mắc kẹt từ cổ phiếu cầm cố nhưng họ vẫn có khả năng trả lãi cho ngân hàng.

“Trong thời gian vừa qua, việc thị trường chứng khoán suy giảm liên tục có nguyên nhân từ nguồn cung cổ phiếu cầm cố được bán không có tổ chức, kết quả là thị trường chứng khoán mất dần tính thanh khoản, đồng thời ngân hàng thương mại cũng không bán được cổ phiếu cầm cố. Khi đã không bán được cổ phiếu cầm cố thì bán làm gì, việc này chỉ không có lợi cho các ngân hàng thương mại”- VAFI cho biết.

Về việc xử lý loại cổ phiếu cầm cố mà nhà đầu tư không có khả năng thanh toán các khoản lãi đến hạn , VAFI cũng đề nghị Chính phủ cho phép các Ngân hàng thương mại nhà nước chuyển các khoản nợ trên thành khoản đầu tư cổ phiếu của các ngân hàng.

Điều này là do nhìn về dài hạn thì hầu như các loại cổ phiếu cầm cố đều là cổ phiếu tốt chứ không phải như những dây chuyền thiết bị lạc hậu hoặc không phải như những khoản nợ xấu từ các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc chuyển nợ thành khoản đầu tư chứng khoán của ngân hàng thương mại nhà nước sẽ mang lại giá trị lớn hơn nhiều giá trị cầm cố trong tương lai.

MỚI - NÓNG