Nhiều xe container bị coi là "hung thần" xa lộ. |
Rà soát xe container
Từ lâu, người dân xem ô tô chở container như "hung thần" xa lộ, ông nghĩ sao?
Xe container là phương tiện vận tải tiên tiến được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, loại phương tiện này phát triển rất nhanh những năm gần đây. Luật Giao thông Đường bộ (GTĐB) năm 2001 quy định người điều khiển loại phương tiện này sử dụng giấy phép lái xe hạng C điều khiển ô tô vận tải từ 3,5 tấn trở lên và người lái xe trên 21 tuổi.
Năm 2001, loại hình vận tải này ở nước ta chưa phát triển nên quy định về giấy phép lái xe (với loại phương tiện này) chưa thật phù hợp, các đơn vị vận tải bố trí người điều khiển chưa chuyên nghiệp và chưa có những hướng dẫn cụ thể trong nội bộ, dẫn đến tình trạng một số lái xe có tay nghề còn yếu so với yêu cầu lái xe trọng tải lớn đi đường dài. Một bộ phận lái xe chưa nghiêm túc chấp hành các quy định khi tham gia giao thông.
Đến năm 2008, khi sửa luật GTĐB, nhiều điều kiện đối với người lái và đơn vị kinh doanh được siết chặt hơn. Theo đó, đơn vị kinh doanh phải là tổ chức (như doanh nghiệp, hợp tác xã? thay vì tư nhân cũng có thể kinh doanh vận tải container như trước) có bộ phận quản lý, theo dõi, hướng dẫn, tập huấn lái xe an toàn, có thiết bị giám sát hành trình...
Làm sao kiểm soát chuyện một số tài xế xe container sử dụng ma túy?
Chúng tôi chưa có số liệu chính thức về số người, tỷ lệ lái xe sử dụng chất ma túy khi điều khiển phương tiện. Nhưng theo quy định, người lái xe khi học, đổi giấy phép lái xe đều qua các kỳ khám sức khỏe, trong đó có xét nghiệm máu.
Với trách nhiệm quản lý người lao động, doanh nghiệp vận tải container phải thường xuyên tổ chức khám cho người lao động để sàng lọc, nhưng không thể kiểm soát được hết và nếu có, trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp sử dụng lao động.
Bằng lái xe FC giúp được gì trong việc kiềm chế TNGT và việc Bộ GTVT liên tục nhượng bộ các doanh nghiệp vận tải về bằng FC có phải là nuông chiều quá không?
Tiêu chí để được học, sát hạch lấy giấy phép lái xe FC là người có giấy phép lái xe hạng C điều khiển xe từ 3 năm trở lên với cây số lái xe an toàn là 100.000 km và trên 24 tuổi. Hai nội dung quan trọng để nâng hạng giấy phép lái xe là luật, đạo đức người lái xe và nội dung về kết cấu phương tiện. Các thiết bị và tính năng, nguyên lý điều khiển như lùi xe, giữ xe cân bằng khi điều khiển trên đường của xe container có nhiều đặc điểm khác so với nhiều phương tiện giao thông.
Về phía cơ quan nhà nước, chúng tôi nhanh chóng chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe một cách chu đáo. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải chưa quan tâm đầy đủ, làm đúng theo lộ trình của nhà nước ban hành. Đến thời điểm phải thực hiện, các doanh nghiệp này chưa đủ điều kiện thì không còn cách nào khác, cơ quan nhà nước phải điều chỉnh.
Nếu không điều chỉnh sẽ ảnh hưởng hoạt động chung của xã hội: Vận tải hàng hóa ách tắc (doanh nghiệp vin cớ không có đủ thời gian học nên tài xế nghỉ hàng loạt). Không thể nói là nuông chiều vì trên thực tế, không có cách khác, hoạt động trong đời sống xã hội có thể bị ách tắc. Cần thấy rõ, đây cũng là tiền lệ không tốt trong việc thực thi pháp luật ở nước ta hiện nay.
Sau vụ "hung thần" container gây TNGT thảm khốc tại Bình Thuận, Tổng Cục Đường bộ có biện pháp phòng chống gì?
Chúng tôi đã có văn bản gửi cho các Sở GTVT tổ chức kiểm tra tất cả đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container ở các địa phương. Trong đó, chủ yếu kiểm tra điều kiện kinh doanh các doanh nghiệp: Bộ máy quản lý, bộ phận quản lý an toàn giao thông, công tác quản lý người lái xe theo quy định pháp luật, tổ chức thời gian làm việc của lái xe không quá 10 giờ/ngày và 4 giờ liên tục. Sau khi kiểm tra, rà soát, cơ quan chức năng kiên quyết xử phạt, thu hồi giấy phép các đơn vị không đảm bảo.
Ông Nguyễn Văn Quyền. |
Chạy theo lợi ích, xem nhẹ an toàn
Mỗi lần các quy định mới như lắp thiết bị giám sát hành trình, nâng hạng bằng FC, cấm xe tùy tiện bắt khách dọc đường… được đưa ra, doanh nghiệp vận tải lại phản đối. Theo ông, vì sao?
Các cơ quan quản lý nhà nước mong muốn phục vụ lợi ích chung của xã hội: Đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao chất lượng phục vụ; trong khi mục tiêu của các doanh nghiệp là doanh thu mà coi nhẹ sự an toàn. Các doanh nghiệp nên chấp nhận việc hiệu quả kinh doanh trong giai đoạn đầu có thể giảm đi, nhưng hiệu quả chung của xã hội được đảm bảo và về lâu dài, những biện pháp này có hiệu quả, có tính ổn định cao.
Năm nào cũng tuyên truyền và đưa ra các giải pháp, nhưng sao TNGT vẫn không giảm?
Nhiều cơ quan, nhiều cấp làm công tác tuyên truyền nhưng mới ở chiều rộng, chưa đi vào chiều sâu. Nội dung tuyên truyền còn chung chung, kiểu "hãy chấp hành luật giao thông đường bộ”, nhưng từng đối tượng (người lái xe, người dân ở 2 bên đường) như thế nào...thì chưa có. Thêm nữa, tính thường xuyên, liên tục còn yếu kém nên việc chuyển ý thức chấp hành luật của người dân thành sự tự giác chưa thể có được ngay.
Theo ông, cần bao lâu để giảm bớt TNGT đường bộ?
Các quốc gia khi chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn, phương tiện giao thông bùng nổ, mức độ đô thị hóa, cơ giới hóa tăng thì đều trải qua thời kì tăng mạnh số vụ TNGT, nhưng diễn biến trong bao lâu lại phụ thuộc vào sự nỗ lực, cố gắng của từng nước.
Ở nước ta, trong thời gian qua, nhà nước và các cấp ngành có nhiều chủ trương, biện pháp. Mỗi khi có nghị định mới, ra quân quyết liệt thì số vụ TNGT giảm xuống. Rồi sau đó lại tăng. Biểu đồ về TNGT tăng, giảm liên tục, không có tính bền vững.
Kiểm tra nồng độ cồn tại bến xe
Việc kiểm soát tài xế uống rượu bia từ các bến xe được tiến hành ra sao?
Chúng tôi đang thí điểm mô hình này tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa. Hoạt động chủ yếu là tuyên truyền trong đội ngũ lái xe, doanh nghiệp vận tải, đưa thiết bị kiểm tra nồng độ cồn vào bến xe để lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn của lái xe trước khi xuất bến. Công tác kiểm tra tiến hành vào tất cả các ngày trong tuần. Từ đó, sẽ rút ra những giải pháp tốt nhất và triển khai khắp cả nước.
Chỉ thị 22 của Ban Bí thư và một số nghị quyết có quy trách nhiệm cho những người đứng đầu địa phương để xảy ra nhiều vụ TNGT, nhưng dường như chưa có lãnh đạo nào bị kỷ luật, cán bộ vi phạm Luật GTĐB chưa được báo về cơ quan hay địa phương?
Trong các cuộc họp, Chính phủ đã kiểm điểm và phê bình đối với các tỉnh có số vụ TNGT tăng. Một số địa phương vẫn thực hiện công tác kiểm soát, báo về cơ quan đối với các cá nhân sai phạm. Các cán bộ trong ngành nếu vi phạm cũng sẽ bị xử lý nghiêm.
Cán bộ Tổng cục Đường bộ vi phạm Luật GTĐB có bị xử lý gì không?
Chúng tôi có đầy đủ biện pháp xử lý, từ nhắc nhở, kiểm điểm tới hạ bậc thi đua cuối năm. Tuy nhiên, từ trước tới nay, chưa có ai bị xử lý.
Cám ơn ông.
Đình Thắng - Nguyễn Thảo