Kiểm soát tải trọng đường bộ: Sợ không công bằng

Một trạm cân, “ngày cân, đêm bỏ” tại Ninh Bình. ảnh: Minh Đức
Một trạm cân, “ngày cân, đêm bỏ” tại Ninh Bình. ảnh: Minh Đức
TP - Sau hơn 2 tuần thực hiện cân xe trên toàn quốc, giá cước vận tải hàng hóa đường bộ có nơi tăng gấp đôi, hàng hóa ứ đọng. Nhưng lạ là không những không phản đối, nhiều chủ hàng đề nghị Bộ GTVT thực hiện quyết liệt, không để sót xe lách trạm để tạo sự công bằng...

Đội giá, tắc hàng

Bà Vũ Thị Huyền Đức, Tổng GĐ Tổng Cty Mía đường I cho biết, đang thực hiện đơn hàng 10.000 tấn đường sang Trung Quốc. Sau ngày 1/4, khi việc cân tải trọng bắt đầu, đơn hàng này có nguy cơ đổ bể. Bà gõ cửa nhờ cậy Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) để ký hợp đồng vận chuyển lên Lào Cai nhưng đợi một tuần không có toa xe.

Nóng ruột, bà Đức “đánh liều” nhắn tin cho ông Đinh La Thăng. Chỉ một ngày sau, bà được bố trí toa xe để chở đường lên biên giới.

Tuy nhiên, không phải ai cũng liều (và muốn) làm theo cách của bà Đức. Ông Khôi, một doanh nghiệp kinh doanh phôi thép, quặng sắt tuyến Lào Cai - Hà Nội cho rằng, mấy hôm nay, chủ hàng vẫn chờ cơ hội để lách trạm do làm việc với đường sắt bị vướng vì “bí” toa xe.

Tổng GĐ, Tổng Cty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, ông Cao Hoài Dương cũng không giấu giếm: Các nhà thầu chở đạm cho công ty đang “đợi thời cơ” cao điểm cân tải trọng “xẹp xuống” như đã từng xảy ra trước đây để thông hàng. Nhưng chờ nhiều ngày không được, hiện các chủ hàng bắt đầu quay ra đề nghị ông tăng cước.

Không thống kê giá cước nhưng một số chủ hàng cho biết, nhiều doanh nghiệp vận tải đã đòi tăng giá lên gấp đôi. Nhưng, điều ngạc nhiên, nhiều chủ hàng có mặt không phản đối chủ trương cân tải trọng của Bộ GTVT mà còn đề nghị bộ này làm quyết liệt.

“Đề nghị Bộ GTVT đã cân thì phải cân đồng bộ, nghiêm khắc, dẹp hết các xe lách luật để tạo ra một môi trường công bằng” - một lãnh đạo Tổng Cty Công nghiệp Xi măng Việt Nam nói. Đại diện Cty Phân đạm Hà Bắc, Tổng Cty Phân bón và Hóa chất Dầu khí cũng cùng chung đề nghị trên.

Xóa nạn chạy chọt trong vận tải

Tổng GĐ Tổng Cty Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc - Đỗ Doãn Hùng cho rằng, doanh nghiệp ông chấp nhận một mặt bằng giá cước ôtô mới, đồng thời tính phương án dịch chuyển hàng hóa sang loại hình vận tải khác. Tuy nhiên, như nhiều chủ hàng lớn, ông Hùng bức xúc trước khả năng đáp ứng của Tổng Cty ĐSVN.

“Nói thực, làm việc với ngành đường sắt rất khó, hình như không quan tâm nhau lắm. Hay nói cách khác đó là sự độc quyền”, ông Hùng nói.

Lãnh đạo của ngành đường sắt có mặt cho rằng đây là cơ hội “trời cho” trong tình cảnh toa xe, tuyến tàu lâu nay ế ẩm. Tuy nhiên, khi cơ hội đến, ngành này lập tức bị rối, không giải phóng kịp hàng. Lý do được đưa ra là chủ hàng không chịu dỡ hàng xuống buổi đêm. Có giải phóng hàng, Hải quan cũng không thông quan trong đêm. Vì thế, có thời điểm, đường sắt đọng đến 500 toa xe tại ga Lào Cai.

“Yêu cầu ngành đường sắt, đường thủy và hàng hải tập trung ưu tiên cho hàng nông sản thực phẩm tươi sống và nguyên liệu cho sản xuất nông nghiệp. Có làm như vậy mới góp phần hỗ trợ được cho nông dân và nông nghiệp vốn là những lĩnh vực còn khó khăn”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng

Với đường biển, đường sông những ngày qua hàng hóa vận chuyển cũng gia tăng khá lớn và gặp vấn đề ách tắc tương tự.

Ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vận tải cho biết, giá cước đường sắt chỉ bằng 30-50% so với đường bộ; đường thủy nội địa bằng 25-40%, đường biển chỉ bằng 15-20% đường bộ. Nhưng chi phí và thời gian trung chuyển hàng hóa giữa các phương thức còn quá cao so với chi phí vận tải.

Cho rằng việc “chia lửa” cho đường bộ hiện chưa được thực hiện tốt, người đứng đầu Bộ GTVT phê bình Tổng Cty ĐSVN chậm tổ chức các tuyến, trung tâm bốc dỡ hàng hóa chuyên dụng; đợi khi hàng hóa từ đường bộ đổ sang (dù Bộ đã chỉ đạo) mới làm là “ngồi chờ sung rụng”.

Ông Thăng chỉ đạo các cơ quan trực thuộc tiếp tục duy trì, ngăn chặn tiêu cực trong kiểm soát tải trọng để bảo vệ bằng được hạ tầng giao thông đường bộ. Xem đây là cơ hội để điều tiết lại, hợp lý hóa các loại hình vận tải, ông Thăng đề nghị ngành đường sắt, hàng hải và đường thủy phải sớm cải thiện tình hình bốc dỡ, hình thành nên phương thức vận tải trọn gói, giảm thời gian và chi phí.

“Các anh nói, các doanh nghiệp lớn phải ngồi với nhau nhưng tôi cho là các tư tưởng lớn phải ngồi lại. Doanh nghiệp lớn mà tư tưởng nhỏ ngồi lại chỉ cãi nhau. Điều quan trọng nhất, các mảng vận tải này phải có ý thức “trải thảm đỏ” mời các doanh nghiệp đến với mình” - ông Thăng nói.

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.