Khủng hoảng Dải Gaza thử thách lối đi riêng của Qatar

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chỉ vài giờ sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel, Thủ tướng Qatar đã tập hợp ngay một đội tại địa điểm không được tiết lộ ở thủ đô Doha. Khi vừa xuất hiện những hình ảnh đầu tiên về cuộc tấn công và bắt cóc con tin ở Israel, giới lãnh đạo của quốc gia vùng Vịnh này đã biết mình cần phải làm gì.
Khủng hoảng Dải Gaza thử thách lối đi riêng của Qatar ảnh 1

Lãnh đạo Ismail Haniyeh của Hamas (trái) và cựu Tiểu vương Qatar đến dự lễ làm móng cho khu dân cư mới ở Dải Gaza năm 2012. (Ảnh: Getty)

Một người nắm được tình hình các cuộc đàm phán cho biết, sau cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10, các cuộc trao đổi qua điện thoại diễn ra suốt ngày đêm, với Hamas và cả Israel, để nỗ lực xuống thang tình hình khi Israel dồn dập trút bom xuống Dải Gaza.

Qatar đã dành hơn một thập kỷ để khẳng định vai trò trung gian không thể thiếu ở Trung Đông, dù bị các nước láng giềng chỉ trích vì vừa cung cấp nơi ở cho lãnh đạo Hamas vừa duy trì các kênh với Israel. Đã đến lúc Qatar sử dụng lợi thế của mình.

Đó là cách mà Qatar coi là chìa khóa để đảm bảo an ninh của mình, một bán đảo nhỏ bé bị kẹp giữa hai cường quốc lớn là Ả-rập Xê-út và Iran. Cuộc khủng hoảng ở Dải Gaza trở thành phép thử lớn để Qatar chứng tỏ cho các đồng minh phương Tây rằng họ cũng cần Qatar như Qatar cần họ.

David Roberts, phó giáo sư tại King's College London, người từng làm việc tại Qatar để nghiên cứu về an ninh Trung Đông, cho biết: "Qatar từ lâu đã muốn đóng vai trò hữu ích cho các quốc gia quan trọng. Nó mang lại cho Qatar ảnh hưởng nhất định đối với những vấn đề trung tâm của thế giới Ả-rập, bằng cách xây dựng quan hệ với lực lượng rất quan trọng ở Dải Gaza, bất kể họ thích hay ghét”.

Trong trò chơi quyền lực mềm được hỗ trợ bởi quỹ đầu tư quốc gia trị giá 475 tỷ USD, quốc gia giàu khí đốt muốn khẳng định mình trên vũ đài quốc tế. Trong những năm qua, Qatar đã đầu tư vào các công ty như Barclays và Volkswagen, mua câu lạc bộ bóng đá Paris Saint-Germain và đăng cai World Cup. Đài truyền hình Al Jazeera có trụ sở tại Doha trở thành kênh tin tức bậc nhất ở Trung Đông.

Trong khi đó, Qatar xây dựng ảnh hưởng ngoại giao với mọi quốc gia. Nước này có quan hệ thương mại tạm thời với Israel từ năm 1996, dù không có quan hệ ngoại giao chính thức với nhà nước Do Thái. Qatar cũng có quan hệ với chính quyền Taliban ở Afghanistan và làm trung gian để lực lượng này thả tù nhân Mỹ.

Năm 2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden bổ sung Qatar vào danh sách các đồng minh lớn ngoài Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tuy nhiên, việc nước này có quan hệ với Hamas, một phong trào bị Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu đưa vào danh sách tổ chức khủng bố, đồng thời ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo bị cấm ở Ai Cập, đã gây ra sự tức giận ở Trung Đông. Đối với các quan chức ở Doha, việc đó giúp họ trở thành một đối tác hữu ích và đáng tin cậy, và có được một vị trí trong bàn đàm phán với các cường quốc thế giới.

Dennis Ross, đặc phái viên Trung Đông của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Bill Clinton, nhận xét: “Họ không thể có cả hai cách - họ không thể nói 'chúng tôi là cây cầu’ nhưng sau đó không có dấu hiệu nào cho thấy họ thực sự có thể ảnh hưởng đến Hamas”.

"Trách nhiệm của họ là đưa thêm con tin ra ngoài. Qatar cần phải làm được điều gì đó”, Ross nói.

Nhóm chuyên gia do Thủ tướng Mohammed bin Abdulrahman Al Thani tập hợp lại cũng chính là những người đã làm trung gian cho cuộc chiến tiêu hao giữa Israel và Hamas trong hơn 5 năm.

Một người nắm được tình hình cho biết, các cuộc đối thoại chính trị vẫn đang diễn ra. Kết quả rõ ràng nhất cho đến nay là 4 con tin cao tuổi đã được Hamas trả tự do. Cố vấn an ninh quốc gia Israel Tzahi Hanegbi cho biết, "những nỗ lực ngoại giao của Qatar là rất quan trọng vào thời điểm này".

Sức mạnh của sự giàu có

Hành trình của Qatar nhằm trở thành đối tác quan trọng gặp phải không ít gây tranh cãi.

Là một quốc gia nhỏ bé, Qatar sống sót sau chiến dịch tẩy chay kéo dài gần 3 năm của các nước láng giềng vùng Vịnh, dẫn đầu là Ả-rập Xê-út. Họ cắt đứt quan hệ và kết nối giao thông, cáo buộc Doha hỗ trợ các nhóm cực đoan và thân thiện với Iran. Qatar gọi đó là chiến dịch bao vây bất hợp pháp và bác bỏ cáo buộc.

Sự rạn nứt đó khiến Qatar nhìn về tương lai của mình vượt ra ngoài Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, nhóm gồm 6 thành viên do Ả-rập Xê-út và UAE thống trị. Cốt lõi trong suy nghĩ của Qatar luôn là sự an toàn của chính họ.

Nếu cuộc xung đột mới nhất kéo theo Iran và Mỹ, eo biển Hormuz có thể bị đóng cửa, nơi 1/5 nguồn cung dầu hằng ngày của thế giới đi qua. Điều đó sẽ gây trở ngại cho hoạt động bán khí đốt của Qatar cũng như các nhà xuất khẩu vùng Vịnh khác. Nghiêm trọng hơn là sự gián đoạn ở Biển Đỏ và kênh đào Suez, nơi vận chuyển khoảng 12% thương mại thế giới. Doha tạo dựng những liên hệ mới và củng cố mối quan hệ với các đồng minh trong thời gian bị cô lập. Bây giờ, các bên đều đang đối thoại với Qatar.

Rất ít quốc gia giàu có hoặc phô trương sức mạnh tài chính ở nước ngoài nhiều như Qatar. Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người ở Qatar là khoảng 82.000 USD, cao hơn gấp đôi so với Ả-rập Xê-út và ngang bằng với Thụy Sĩ, Singapore và Na Uy. Người Qatar sở hữu 824 tỷ USD tài sản ở nước ngoài, tương đương trung bình khoảng 2 triệu USD cho mỗi công dân Qatar.

Tiểu vương 43 tuổi Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani nắm quyền điều hành đất nước vào năm 2013, từ khi cha ông thoái vị. Dưới thời của ông, Qatar bắt đầu sử dụng sự giàu có của mình để tạo ảnh hưởng, đầu tư về cả chính trị và tài chính.

Một năm trước khi từ chức, cha của ông đã trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến thăm Dải Gaza kể từ khi Hamas tiếp quản vùng đất ven biển này năm 2007, sau trận chiến với nhóm Fatah của Palestine.

Những tấm áp phích in hình ảnh của ông được treo khắp nơi sau khoản đầu tư 400 triệu USD vào dải đất này.

Theo một người quen thuộc với tình hình, Tiểu vương hiện nay là một nhà điều hành tinh tế hơn, dựa trên các mối quan hệ cá nhân thân thiết và nhóm hỗ trợ ông duy trì quan hệ với nhiều đặc vụ khác nhau.

Chính sách đối ngoại của Qatar vẫn khiến các đồng minh và láng giềng khó chịu. Qatar đứng đối diện với UAE trong cuộc chiến ủy nhiệm ở Libya và ủng hộ các phong trào Hồi giáo ở Ai Cập và Tunisia, bất chấp sự phản đối của các quốc gia Ả-rập vùng Vịnh.

Tuy nhiên, bất chấp những lời chỉ trích như vậy, đặc biệt là về mối quan hệ với Hamas, hiện nay có vẻ không ai thay thế được Qatar trong nỗ lực dàn xếp để xuống thang tình hình ở Dải Gaza.

Kristin Diwan, học giả thường trú cấp cao tại Viện các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập ở Washington, nhận xét: "Không ai khác có thể đóng vai trò trung gian trong quá trình đàm phán với Hamas vào thời điểm quan trọng này”.

Theo Bloomberg
MỚI - NÓNG