Tham dự Lễ Kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn; Trưởng Ban kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình; Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, anh Nguyễn Phi Long, cùng lãnh đạo các ban, ngành, địa phương.
Đặc biệt, buổi lễ còn có sự tham dự của thân nhân các liệt sỹ và gần 400 cựu thanh niên xung phong (TNXP) của 8 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Nam Định và Hải Dương tham gia mở đường năm xưa.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho TNXP 8 tỉnh tham gia mở “Con đường hạnh phúc”. Ảnh Duy Ngợi
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chúng ta tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày hoàn thành "Con đường Hạnh phúc" nhằm ôn lại một giai đoạn cực kỳ khó khăn, gian khổ của cả nước nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, trân trọng tưởng nhớ, tri ân sự hy sinh gian khổ, mất mát và những đóng góp to lớn của lực lượng thanh niên xung phong và đồng bào, đồng chí trong quá trình xây dựng con đường mang lại hạnh phúc, ấm no cho hàng vạn đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang.
Năm tháng đã qua đi, nhưng "Con đường Hạnh phúc" mãi mãi là niềm tự hào, là biểu tượng sáng ngời của tinh thần lao động kiên cường, ý chí sắt đá, quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước của nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang và vùng Tây Bắc. Những bài học về sự đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc, giữa miền núi với miền xuôi, sự học phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong quá trình xây dựng công trình này vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay.
Vợ chồng cựu TNXP tham gia mở “Con đường hạnh phúc” Đàm Ngọc Lạng và Hoàng Thị Sao ở Trà Lĩnh, Cao Bằng tại lễ kỷ niệm. Ảnh Duy Ngợi.
Các cựu TNXP tại lễ kỷ niệm. Ảnh Duy Ngợi
Tại Lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh nêu rõ: Năm 1959, T.Ư Đảng, khu tự trị Việt Bắc quyết định mở con đường nối Hà Giang với 4 huyện vùng cao nguyên đá. Ngày 10/9/1959, “Con đường Hạnh phúc” được khởi công. Sau 6 năm xây dựng, con đường với chiều dài gần 200 km xuyên địa hình hiểm trở đã hoàn thành.
Trong quá trình mở đường, các TNXP, công nhân và dân công hỏa tuyến vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, thiếu thốn vật chất để hoàn thành con đường lịch sử. Trên con đường này, 14 TNXP đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.
Sự thành công của con đường khẳng định chủ trương đúng đắn của T.Ư Đảng, đồng thời ghi nhận công lao to lớn của nhân dân. Con đường là một kỳ tích, biểu tượng minh chứng cho sức mạnh đoàn kết các dân tộc, tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc vùng xuôi với đồng bào dân tộc thiểu số rẻo cao Hà Giang.
Một số hình ảnh chương trình nghệ thuật với chủ đề “Hà Giang - khúc tráng ca từ đá”. Ảnh Duy Ngợi
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân cho các cựu thanh niên xung phong 8 tỉnh tham gia làm tuyến đường này cách đây tròn 50 năm.
Sau phần lễ, chương trình tiếp nối với các màn biểu diễn nghệ thuật mang chủ đề “Hà Giang - khúc tráng ca từ đá”. Chương trình có sự tham gia của hàng trăm nghệ sỹ tái hiện lại một thời hào hùng, gian khổ, kiên cường của lực lượng TNXP 8 tỉnh đi mở “Con đường hạnh phúc” Hà Giang.