Theo Cục Chăn nuôi, vụ Đông-Xuân 2020-2021 xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Số gia súc bị thiệt hại là 2.271 con. Rét đậm, rét hại thường vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Trong khi, thời gian này, người chăn nuôi chuẩn bị Tết, buông lỏng công tác phòng, chống đói, rét cho gia súc, không che chắn chuồng trại, không dự trữ thức ăn lâu dài, không nhốt đàn gia súc khi giá rét, chuồng trại không được giữ khô sạch trong mùa đông… khiến trâu, bò bị chết.
Những năm qua, nhờ sự chủ động trong chỉ đạo phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi từ Trung ương đến địa phương nên số lượng gia súc, gia cầm thiệt hại do đói, rét đã giảm rõ rệt. Nếu như, vụ Đông Xuân năm 2007-2008 rét đậm, rét hại kéo dài liên tục trong 34 ngày, gây thiệt hại trên 200.000 gia súc (chủ yếu là trâu, bò) thì sau hơn 10 năm, rét đậm, rét hại Đông Xuân 2017-2018 chỉ thiệt hại khoảng 7.100 con gia súc. Trong đó, vụ Đông Xuân năm 2013-2014 có thời tiết cực đoan nhất từ trước đến nay với hơn 30 ngày nhiệt độ dưới 0 độ C ở một số nơi nhưng chỉ có khoảng 2.800 con trâu, bò bị chết.
Để phòng ngừa đợt rét năm nay, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các cơ quan chuyên môn thông tin kịp thời và thường xuyên về các đợt rét đậm, rét hại để người dân biết, không chủ quan và chủ động phòng chống đói, rét cho vật nuôi. Từ đó, các địa phương cần hướng dẫn nông dân che chắn chuồng trại đảm bảo giữ ấm cho gia súc, không thả rông gia súc khi nền nhiệt độ xuống dưới 13 độ C; dự trữ thức ăn thô xanh cũng như bổ sung thêm thức ăn tinh để tăng sức đề kháng cho gia súc và thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí ưu tiên cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.., để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn vật nuôi.