Không phải việc của tôi

Không phải việc của tôi
TP - Lần tập trung tại cổng trường, gặp hai người khách Tây cứ loay hoay bên cạnh máy ATM, một người trong lớp nói: “Nh. biết tiếng Anh lại chỉ giúp họ với kìa”. Cô ta thở dài: “Không phải việc của tôi”.

Không phải việc của tôi - nghe thật buồn lòng. Không biết việc mà bày tỏ thái độ quan tâm thì ít ra cũng an ủi được người ta. Đằng này có thể lại thờ ơ. Việc ấy có vất vả, hay tốn kém gì cho cam. Họ đành lòng nhìn người khác khổ sở trong khi mình biết cách xử lý, chỉ dẫn.

Đây không phải là đặc tính của người phương Đông. Văn hóa nông nghiệp, cuộc sống cộng đồng người ta đề cao tính tập thể. Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, chỉ dẫn cho nhau những kinh nghiệm quý.

Chỉ có những người hẹp hòi mới đối xử với nhau như vậy. Nhưng trong xã hội ngày nay loại người này còn khá nhiều. Kể cả ở các cơ quan, công sở.

Lo giấy tờ học, tôi vướng vì sổ hộ nghèo không ghi ngày tháng cấp. Khi công chứng bị trả lại. Về thôn bảo lên xã. Xã bảo phải hỏi huyện. Huyện lại nói là “việc của bà Hoa ký” nhưng bà ấy còn đi công tác tuần nữa mới về.

Trong khi tôi chỉ còn 4 ngày phải vào nhập học. Bác tôi đã làm hồ sơ về chính sách và tìm cho tôi cái sổ xem có ghi ngày 01/01. Tôi lấy ngày ấy và đi công chứng. Khi hoàn tất chị Dương làm chính sách xã xem nói:  Sổ hộ nghèo đúng là cấp vào đầu năm nhưng ngày 01/01 là Tết Dương lịch nên phải ghi là ngày 02/01”.

Hóa ra họ biết cả nhưng trước đây không ai nói hay giải thích cho tôi. Chỉ vì cái sổ “quên” ngày tháng mà các cơ quan bảo chờ đúng người có thẩm quyền. 

Cái sổ ghi ngày 01/01 ấy tôi và ông bác dùng đến giờ vẫn không sao. Mà nếu bị hỏi còn có thể “trình bày” được, hơn mấy chục ngàn nhà có sổ cũng bị quên ấy khi đụng việc cần kíp chẳng biết hỏi ở đâu.

Thầy tôi đi nộp tiền điện cho tháng trước. Cô thu tiền thấy không có hóa đơn nên nhất định không cho nộp. Nhờ cô dò sổ hay nhập tên vào máy tính là ra ngay, nhưng câu trả lời là: Tôi chỉ có trách nhiệm thu tiền! Khổ nỗi có hai ông bà đều nhà giáo nên đi cả ngày biết họ đưa hóa đơn khi nào?

Về lục mãi chả thấy. Thầy đành đón cậu em rể làm phó giám đốc của sở ấy cầu cứu. Thấy thầy nói chuyện với sếp mình thì cô ấy dò sổ và chạy ra bảo tìm thấy rồi, mời thầy vào nộp. Mừng mà mếu! Nếu hôm ấy không gặp được chú em rể thì chưa biết thầy còn lật đật đến khi nào?

Ở đây, hình như họ khước từ sự tin nhờ và lời cảm ơn. Trong khi cơ quan phải là nơi đón tiếp, giải quyết thắc mắc của dân. Nhưng những người này thì không. Nhiều người còn cảm thấy khó chịu khi bị hỏi.

Đã đành việc công sở thì phải đảm bảo đúng trách nhiệm. Nó tạo thói quen giữ bí mật và hoàn thành nghĩa vụ. Nhưng những việc ấy thì có quan trọng và lớn lắm đâu, họ nhiệt tình thì vẫn giúp được.

“Không phải việc của tôi”  là một sự dửng dưng đến tắc trách. Vẫn giữ cách giải quyết ấy thì không biết khi nào các quan hệ mới thông thoáng được, đừng nói là “đi tắt đón đầu” để hiệu quả cao, để phát triển nhanh.

MỚI - NÓNG