Lãnh đạo TPHCM đối thoại với doanh nhân trẻ:

Không phải khởi nghiệp nào cũng tốt

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đối thoại với các doanh nhân trẻ và thanh niên khởi nghiệp. Ảnh: Huy Thịnh.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đối thoại với các doanh nhân trẻ và thanh niên khởi nghiệp. Ảnh: Huy Thịnh.
TP - Chiều 19/7, tại cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa 300 doanh nhân trẻ và thanh niên khởi nghiệp với Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, nhiều giám đốc các doanh nghiệp thành đạt cho rằng: Cần tránh để khởi nghiệp trở thành một phong trào không thực tế, bởi không phải khởi nghiệp nào cũng tốt nếu không tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội.

Bạn Lê Thị Bích Hoàn (công ty Phong cách và kỹ năng) cho biết đã nhận được lời mời tham dự một chương trình tại Lisbon (Bồ Đào Nha) nhưng không rõ có được UBND thành phố hỗ trợ trong quá trình ra nước ngoài tiếp cận môi trường đầu tư thế giới. Ngoài ra, những người vừa khởi nghiệp rất cần được tư vấn tài chính nhưng không biết tư vấn ở đâu, như thế nào…

Coi chừng “dao hai lưỡi”

Với kinh nghiệm khởi nghiệp 20 năm trước, ông Trần Việt Anh, chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Nam Thái Sơn đã chỉ ra những chọn lựa tốt nhất để khởi đầu. Ông Việt Anh kể: “Thế hệ của tôi khởi nghiệp từ sản xuất lúc cả nước đang thiếu thốn hàng tiêu dùng nên đa phần thành công. TPHCM có một chương trình rất lớn cho công nghiệp phụ trợ, theo tôi, cái này chỉ phù hợp với doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa. Giữa khởi nghiệp và phụ trợ phải liên kết với nhau”.

“Cánh cửa tốt nhất cho các bạn khởi nghiệp chính là công nghiệp phụ trợ. Sắp tới, các mục tiêu phát triển hạ tầng của thành phố đều cần công nghiệp phụ trợ. Nếu muốn không phụ thuộc vào việc nhập khẩu, phải tạo mọi điều kiện để “cánh cửa” này được mở ra cho DN khởi nghiệp” - ông Việt Anh đề nghị.

“Đã hội nhập kinh tế sâu rộng, tầm nhìn không thể bó hẹp trong phạm vi quốc gia. Tầm nhìn đó phải là tầm nhìn toàn cầu, khu vực. Nếu ăn xổi ở thì đừng mong bền vững”. 

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong

Theo ông Việt Anh, khởi nghiệp đang là vấn đề nóng của cả nước và cần tránh để khởi nghiệp trở thành một phong trào không thực tế. Muốn vậy, cần giao các doanh nhân “đàn anh” tiêu biểu nâng đỡ, hướng dẫn các DN khởi nghiệp. Ngoài ra, cần có công trình tập hợp những kinh nghiệm và cả thất bại của doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp trong 20 năm qua để các bạn trẻ tránh dẫm vào vết xe đổ của những người đi trước.

Ông Trần Bằng Việt, Giám đốc Công ty cổ phần giải pháp phát triển Đông A cho rằng không nên xem mở một xe bánh mỳ hay nghỉ việc tại một công ty B để mở một công ty C nào đó y chang hiện tại là khởi nghiệp. Nếu chỉ mua đầu này bán lại đầu kia, không tạo ra giá trị gia tăng thì cũng không phải là khởi nghiệp. Nếu dành công sức, thời gian, tâm huyết để hỗ trợ cho những cách làm này thì rất lãng phí. Cần tập trung hỗ trợ những DN, những mô hình khởi nghiệp tạo ra các giá trị xã hội mới, tạo sự bền vững, các giá trị cạnh tranh và qua đó về lâu dài tạo ra năng suất lao động cho đất nước.

“Không phải khởi nghiệp nào cũng tốt, cũng được ưu tiên, được dành nguồn lực, cơ chế đặc biệt. Thành phố nên ưu tiên hỗ trợ cho những DN thuộc ngành nghề mũi nhọn, tạo ra giá trị hơn là những DN chỉ dịch chuyển giá trị. Hỗ trợ tốt có nghĩa là vừa đủ, đến nơi đến chốn, kịp thời. Hỗ trợ quá nhiều có thể làm hại chính các bạn trẻ khởi nghiệp”, ông Việt nói.

Ưu tiên 4 ngành chủ lực

Đánh giá cao sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân trẻ, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các ngành, các cấp tham mưu, tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN và tập trung ưu tiên tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp với mục tiêu đến năm 2020, TPHCM sẽ có 500.000 doanh nghiệp.

Theo ông Phong, TPHCM đang tập trung ưu tiên cho những hoạt động thiết lập hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, trọng tâm là 4 ngành công nghiệp chủ lực, gồm cơ khí, điện tử – công nghệ thông tin, hoá dược và công nghiệp thực phẩm.

TPHCM đang triển khai đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ. Rất nhiều DN đã đến đầu tư tại hai KCN Hiệp Phước và Long Hậu. Đặc biệt, tại KCN Long Hậu hiện có nhiều DN vừa và nhỏ, diện tích nhà xưởng chỉ khoảng 50 m2 nhưng trang bị máy móc rất hiện đại, sản xuất sản phẩm rất chi tiết và hiệu quả.

“Vừa qua, tôi kiểm tra bên Sở Khoa học công nghệ mới biết chúng ta có đề án về đổi mới thiết bị công nghệ và có quỹ hỗ trợ cho các DN nhưng chỉ hoạt động một thời gian rồi ngưng. Sắp tới thành phố sẽ tái lập lại để hỗ trợ các DN. Tôi đề nghị Thành Đoàn tham mưu thường trực ủy ban các cơ chế hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp như các nguồn quỹ đầu tư và cơ sở hạ tầng cho các hoạt động đào tạo khởi nghiệp”- Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh. Ông cho rằng ý kiến của doanh nhân trẻ Trương Lý Hoàng Phi đề nghị thành phố bố trí không gian cho hoạt động khởi nghiệp là còn khiêm tốn lắm. “Tại sao không đề nghị cần có một toà nhà đẹp? Những quốc gia sản sinh ra những thương hiệu danh tiếng thì bao giờ tinh thần khởi nghiệp cũng rất mạnh mẽ”- ông Nguyễn Thành Phong lưu ý.

MỚI - NÓNG