Không nói ra, sợ người ta không biết!!!

Không nói ra, sợ người ta không biết!!!
TP - Có câu: “Hữu xạ tự nhiên hương”, nếu ai đó có tài năng thì mọi người sẽ cảm nhận được qua hành động, việc làm hằng ngày. Thế nhưng có người làm được cái gì đó bé cỏn con lại sợ không nói ra mọi người sẽ không biết.

Ông A viết được một bài đăng báo, liền photocopy hàng trăm bản mang tặng cho mọi người trong cơ quan, kể cả khách đến công tác. Ông coi đó là thành tích phải nói ra cho mọi người biết.

Luật Giáo dục đã quy định: Người tốt nghiệp Đại học Y khoa, Dược khoa gọi là bác sỹ, dược sỹ; tốt nghiệp Đại học Kiến trúc gọi là kiến trúc sư… Người đã tốt nghiệp đại học, học lên cao hơn, khi đủ điều kiện được cấp bằng thạc sỹ, tiến sỹ.

Quy định như vậy là rõ ràng. Thế mà, nhiều vị  vẫn ghi trong danh thiếp: “Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thanh N”, hoặc “Thạc sỹ, dược sỹ Trần Quang V”, hay “Tiến sỹ, kiến trúc sư Võ H”…

Đã có bằng thạc sỹ, tiến sỹ đương nhiên trước đó anh phải có bằng đại học (cử nhân, kỹ sư, bác sỹ, kiến trúc sư đều là đã tốt nghiệp đại học), vậy cần gì phải ghi như trên? 

Nếu muốn thiên hạ biết mình làm nghề gì, tại sao không ghi Tiến sỹ y khoa, Tiến sỹ dược khoa… mà phải ghi tiến sỹ, bác sỹ… Tôi có bằng THPT trước khi có bằng cử nhân, nếu theo cách xưng danh trên chắc tôi phải ghi “Cử nhân, THPT Thuỳ Hương”?

Đó là chuyện của mỗi người, còn sau đây là chuyện của Nhà nước. Trước đây học vị tiến sỹ ở nước ta có 2 cấp: Tiến sỹ và phó tiến sỹ. Gần đây, Nhà nước bỏ cấp phó tiến sỹ, chỉ còn tiến sỹ. Thế là số phó tiến sỹ, “sau một đêm thức dậy” trở thành tiến sỹ. Như vậy cũng tốt, phù hợp với hệ thống bằng cấp của nhiều nước. Học vị chỉ là ghi nhận quá trình học tập, còn tài năng thể hiện ở sự cống hiến.

Thế nhưng sự đời không phải như vậy. Anh Phó tiến sỹ “sau một đêm” nay lại “ngồi” chung chiếu với anh tiến sỹ thực thụ thì không ổn. Để phân biệt, Nhà nước lại phải nâng anh tiến sỹ kia lên “tiến sỹ khoa học”. Thiên hạ đặt câu hỏi: Phải chăng chỉ có mấy vị kia là “khoa học”, còn mấy vị mới được “lên đời” là “không khoa học”??? 

Nói cho vui thôi, thật ra Nhà nước muốn phân biệt các vị tiến sỹ khoa học có trình độ cao hơn tiến sỹ.  Và theo logic của sự việc thì tiến sỹ chỉ là giai đoạn “quá độ”, sau đó phải phấn đấu lên tiến sỹ khoa học.

Thực tế lại hoàn toàn trái ngược: Tiến sỹ khoa học chỉ là “quá độ” trong học vị tiến sỹ. Số tiến sỹ khoa học ngày càng ít đi, teo lại và đến một thời điểm nào đó sẽ “chết”, sẽ là con số 0 trong làng tiến sỹ (bởi vì từ nay không phong tiến sỹ khoa học nữa, số đã có sẽ già đi và lần lượt đi vào cõi vĩnh hằng ).

Theo tôi, nếu họ thực sự tài năng thì xã hội sẽ kính trọng, không cần thiết phải thêm cho họ cái đuôi “khoa học”, nhưng có lẽ tôi nói ra điều này đã quá muộn. Không nên vì phân biệt hai loại tiến sỹ mà phải đưa ra một danh hiệu “không giống ai” như vậy.

Có lẽ tâm lý không nói ra sợ mọi người không biết là một trong những nguyên nhân làm cho “bệnh” thành tích ở nước ta phát triển tràn lan. Trong thi đua khen thưởng, có cần thiết phải đặt ra quá nhiều danh hiệu, nhiều loại bằng khen, giấy khen, huân huy chương như hiện nay không?

Thuỳ Hương
Phú Yên

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.