Không “Liệu cơm gắp mắm”

Không “Liệu cơm gắp mắm”
TP - Biết vươn lên phấn đấu là điều ai cũng phải khen, ngưỡng mộ. Thế nhưng nhiều người không thấy được thực lực của mình, làm một nói mười, làm ít nói nhiều, làm láo báo cáo hay... sinh ra căn bệnh thành tích mà xã hội lên án.

Họ đặt ra chỉ tiêu quá cao, thế nên mấy ai đạt được? Thời gian qua chúng ta đã quá quen với kiểu ban hành những cái trên trời. Việc thực thi rất khó, thành ra khi muốn tổng kết, báo cáo một vấn đề người ta phải nâng lên cho nó đủ chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Người ban hành không sát thực tế, chỉ ngồi bàn giấy thì làm sao hiểu được nhu cầu, khả năng thực hiện... của nhân viên và nhân dân như thế nào?

Đi nhiều nơi, nhiều thành phố ta có thể thấy đầy tấm bảng: Khu phố, khóm, xóm, làng... quyết tâm xây dựng... văn hóa... Nhưng văn hóa làm sao được khi mà chiều đến một đống rác bốc mùi nồng nặc ngay dưới chân tấm bảng?

Trong con hẻm dựng cái bảng ấy lại là cảnh tượng nhếch nhác đập vào mắt: Người bán hàng lấn chiếm hẻm, có nhà nấu cơm nấu nước ngay bên ngoài, nước dơ cứ thế tạt ra con hẻm thoải mái không cần suy nghĩ... Thế nhưng lâu lâu vẫn nghe đài oang oang: “Khu phố X, làng Y... đã thực hiện xong phong trào 3 không: Không xả rác bừa bãi, không tụ tập gây mất an ninh trật tự, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường...”.

Có một huyện ở Tây Nguyên, khi ông nọ được lên chức, bèn tỉ tê với quan anh thế nào, quan anh liền cho cấp kinh phí xây cái nhà văn hóa giống thiết kế của nhà hát gì nổi tiếng bên Úc và nói chẳng ngoa, to nhất tỉnh.

Cũng được thôi,  từ đây người dân sẽ có chỗ tập thể dục, khỏi phải lang thang ngoài đường rồi bị mấy quái xế “hỏi thăm”, có chỗ vui chơi cho con em... nhưng dân huyện nghèo xơ xác, thời gian đâu mà đến nhà văn hóa?

Chưa kể kinh phí tỉnh rót nhỏ giọt nên xây cũng từng ít, người dân bảo: “Thợ xây khỏe thật, mỗi anh đi làm cầm theo 2 cục gạch, xây xong về!”. Ì ạch mãi cũng xây xong dù trễ tiến độ. Dân cũng mừng, nhưng rồi thất vọng tràn trề vì tuy bề thế nhưng bên trong chẳng có gì, tôi cũng chưa một lần bước chân vào dù nhà ở ngay cạnh.

Hòa chung phong trào phổ cập của cả nước, huyện nọ cũng phổ cập giáo dục tiểu học. Ngay khi nghe chỉ tiêu cánh giáo viên đã hoang mang tột độ, bởi vùng đất có hơn một nửa đồng bào dân tộc thiểu số, đi rừng nhiều hơn ở nhà. Ngày qua ngày tất bật lo cho cái miệng chưa đủ thì thời gian đâu để học?

Lẽ ra phải chăm lo đời sống cho dân trước nhưng cán bộ cứ một mực phải hoàn thành kế hoạch. Vận động các em đi học, thầy cô cũng khổ, đến lúc dạy càng khổ hơn, học trò học trước quên sau, buộc phải đạt chỉ tiêu và chuyện “ngồi nhầm lớp” là tất yếu.

Còn hàng ngàn câu chuyện mà chúng ta vẫn từng ngày chứng kiến, nó dần hình thành một thói xấu. Tại sao không làm khác được? Ví như lắng nghe ý kiến của người dân, xem họ cần gì, nghĩ gì... từ đó đưa ra phương hướng hành động? Những việc làm, chỉ tiêu đặt ra nên tìm hiểu thực tế và cũng phải biết thực lực của chính mình.

Cấn Thị Phương
Khánh Hòa

MỚI - NÓNG