Không hạn chế người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội

Cử tri bỏ phiếu lựa chọn đại biểu Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TP
Cử tri bỏ phiếu lựa chọn đại biểu Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TP
TP - “Trong thời gian còn lại, ứng viên tại các địa phương khác vẫn có thể tiếp tục tự ứng cử theo quy định. Do vậy, số đại biểu tự ứng cử cũng có thể tăng thêm ở địa phương và cũng có thể ở cả Trung ương. Việc này không có hạn chế gì cả, miễn là ứng viên đủ tiêu chuẩn, đây là quyền của mỗi công dân”, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Hầu A Lềnh, trao đổi với PV Tiền Phong.

Vẫn có thể tăng số lượng ứng viên tự ứng cử

Vì sao đến thời điểm này chỉ có 5 địa phương có người tự ứng cử, thưa ông?

Theo báo cáo của các tỉnh, thành sau kết thúc Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, chỉ có 5 địa phương có người tự ứng cử, gồm Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nam, Yên Bái, Tuyên Quang. Trong thời gian còn lại theo quy định, đại biểu các địa phương khác vẫn có thể tiếp tục tự ứng cử. Do vậy, số đại biểu tự ứng cử cũng có thể tăng thêm ở địa phương và cũng có thể ở cả Trung ương. Việc này không có hạn chế gì cả, đây là quyền của mỗi công dân.

Nhưng chúng ta có thể mở rộng cửa hơn cho các ứng cử viên tự ứng cử?

Điều này trong chỉ thị của Bộ Chính trị, các nghị quyết hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đã nêu rất kỹ càng. Mỗi ứng viên ứng cử trước hết phải đủ tiêu chuẩn. Thứ nữa, dù có là cá nhân tự ứng cử, nhưng nếu ở cơ quan nhà nước, thì vẫn phải chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước, được cơ quan đó đồng ý. Việc đó là đương nhiên rồi, bởi anh còn phải chịu sự điều chỉnh của các quy định khác, ví dụ đảng viên phải theo Điều lệ Đảng, cán bộ nhà nước phải theo Luật Công chức… Ứng viên phải báo cáo thủ trưởng cơ quan và được sự đồng ý mới được ứng cử.

Còn nếu anh ứng cử tự do bên ngoài, cũng còn phụ thuộc vào tín nhiệm của cử tri nơi anh cư trú. Đó là quy định để lựa chọn được đại biểu thực sự có uy tín. Khi ứng cử vào đại biểu Quốc hội, họ phải đại diện cho cử tri nơi cư trú, hoặc lĩnh vực, ngành nghề họ đang hoạt động. Chính vì thế, ứng viên đó cần phải được cử tri nơi địa phương, hoặc ngành nghề đó ủng hộ. Đó là điều kiện theo quy trình của các hội nghị, chứ không phải sự cản trở gì cả. Mỗi ứng viên nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn, là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không vi phạm pháp luật, không đang trong thời gian thi hành án thì hoàn toàn được phép ứng cử theo quy định.

Không hạn chế người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội ảnh 1

Ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Còn mục tiêu có từ 25-50 đại biểu ngoài Đảng tham gia Quốc hội thì sao?

Mục tiêu người ngoài Đảng tham gia Quốc hội từ 5-10% và sẽ phấn đấu đảm bảo chỉ tiêu đó. Bây giờ đã tiến hành xong bước hiệp thương lần một rồi, và chúng tôi đang chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết điều chỉnh cơ cấu, thành phần số lượng. Sau đó, các cơ quan, đơn vị sẽ giới thiệu người, thông qua đó sẽ cập nhật lại xem có đủ số lượng, thành phần không. Việc giới thiệu số lượng thành phần cụ thể phải từ đầu tháng 3 cho đến trước ngày 11/3 mới biết được cụ thể. Nếu không đáp ứng được, lúc đó sẽ đề nghị các địa phương giới thiệu bổ sung cho đủ thành phần, cơ cấu theo chỉ thị của Bộ Chính trị và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Có thể lập điểm bầu cử tại nơi cách ly tập trung

Ông có thể chia sẻ về những nhiệm vụ quan trọng sẽ phải làm thời gian tới?

Mặt trận sẽ phải thực hiện 5 nhiệm vụ, trong đó có tham gia chủ trì, tổ chức các hội nghị hiệp thương, đồng thời giới thiệu, lựa chọn đại biểu, cũng như tham gia quá trình kiểm tra, giám sát công tác bầu cử… Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, chúng tôi đang chờ việc điều chỉnh cơ cấu, thành phần số lượng từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đó sẽ thông báo cho các cơ quan làm căn cứ giới thiệu người tham gia.

Đồng thời, chúng tôi tổ chức các hội nghị tập huấn nghiệp vụ liên quan đến tổ chức các hội nghị. Vừa qua, chúng tôi đã hướng dẫn tổ chức tập huấn cho hơn 7.000 người về công tác kiểm tra, giám sát. Dự kiến, tới đây sẽ tổ chức hội nghị hướng dẫn về quy trình, thủ tục, trình tự để các cơ quan tham gia giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND. Đến 11/3, các cơ quan, đơn vị sẽ tiến hành hội nghị giới thiệu đại biểu, rồi gửi đến Mặt trận tổng hợp, thẩm tra hồ sơ theo quy định, sau đó sẽ tổ chức Hội nghị hiệp thương lần hai. Trong một thời gian gấp, liên tục, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch rất cụ thể cho nhiệm vụ này.

Vậy có kịch bản nào ứng phó với những vấn đề phức tạp có thể diễn ra do đại dịch COVID-19?

Trước Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, chúng tôi đã có hướng dẫn cho các địa phương trong vùng dịch theo thông báo của ngành Y tế và tổ chức hội nghị hiệp thương một cách phù hợp, không nhất thiết phải tổ chức tập trung mà có thể tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Tới đây, hội nghị hiệp thương lần hai, lần ba, và lần bốn, nhất là hội nghị để các đại biểu tiếp xúc với cử tri nơi cư trú rất đáng quan tâm.

Đặc biệt, tại các nơi vùng dịch, phải tổ chức đúng theo quy định pháp luật, bảo đảm nội dung, trình tự, tỷ lệ cử tri tham gia nhưng phải đảm bảo giãn cách xã hội, có thể tổ chức trực tuyến, chia thành nhiều điểm. Chúng tôi đã soạn thảo văn bản này và xin ý kiến Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi có ý kiến thống nhất, chúng tôi sẽ ban hành để hướng dẫn xuống MTTQ các địa phương.

Thậm chí, chúng tôi còn tính cả phương án đến ngày bầu cử vẫn phải có biện pháp giãn cách, cách ly như thế nào. Qua đó, có thể thành lập các điểm bầu cử tại những nơi cách ly tập trung, hoặc những điểm cách ly của nhân dân, rồi có thể có hòm phiếu phụ, đưa đến cho những người trong diện cách ly bỏ phiếu.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG