1.045 người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa mới

Phó Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh
Phó Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh
TPO - Tổng số người được Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV cả trung ương và địa phương là hơn một nghìn người.

Sáng 23/2, tại Hà Nội, Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác kiểm tra, giám sát bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, Đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cho biết, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, song, hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở trung ương và địa phương vẫn được diễn ra dân chủ, đúng luật, đảm bảo thời gian theo quy định.

Tính đến hết ngày 17/2/2021, tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất. Qua tổng hợp báo cáo, tổng số người được Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cả trung ương và địa phương) là: 1.045 người; đạt tỷ lệ bình quân là 2,09 lần so với tổng số đại biểu dự kiến được bầu. Trong đó, người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội thuộc khối MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận: Trung ương có 29 người; địa phương là 41 người.

Ông Lềnh đề nghị, MTTQ Việt Nam các cấp trong quá trình tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát bầu cử cần bảo đảm thực hiện đúng các quy  định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bầu cử. Phát huy các hình thức giám sát theo quy định của phát luật và vai trò giám sát của Nhân dân, đại diện các tổ chức cùng cơ quan báo chí.

“Việc tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát cần tránh trùng lặp, chồng chéo về thời gian, địa điểm với các đoàn kiểm tra, giám sát của Hội đồng bầu cử quốc gia và các cơ quan có thẩm quyền, gây khó khăn cho địa phương, đơn vị được kiểm tra, giám sát. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, cần tăng cường công tác hướng dẫn nhằm phát huy vai trò của cán bộ Mặt trận ở cơ sở để lựa chọn hình thức giám sát sao cho phù hợp”, ông Lềnh yêu cầu.

Trong khi đó, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam lưu ý, trong triển khai hoạt động giám sát, Mặt trận các cấp cần linh hoạt trong quá trình triển khai và hoạt động giám sát phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đảm bảo đúng luật và tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Nhất là việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để tránh hiện tượng đi bầu cử hộ.

Nhắc tới việc tự ứng cử của đại biểu, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực mong muốn Mặt trận các cấp phải khách quan, công tâm, chặt chẽ trong việc kiểm tra lý lịch đại biểu để lựa chọn được những người xứng đáng tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.