TPHCM giới thiệu bao nhiêu nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội?

TPO - Ủy ban bầu cử TPHCM sẽ tiếp nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2021 - 2026 từ ngày 22/2 đến ngày 14/3 tại Sở Nội vụ (số 86B Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1).

Ngày 19/2, Ủy ban Bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV và Đại biểu HĐND TPHCM nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông báo về thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND TPHCM nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Theo đó, thời hạn nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2021 - 2026 trong giờ hành chính các ngày trong tuần, bắt đầu từ ngày 22/2 và kết thúc vào lúc 17 giờ ngày 14/3. Riêng thứ bảy ngày 13/3 và chủ nhật ngày 14/3, Ủy ban bầu cử sẽ nhận hồ sơ từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30 (buổi sáng), từ 13 giờ đến hết 17 giờ (buổi chiều).

Địa điểm tiếp nhận hồ sơ là tại Ủy ban bầu cử, số 86B Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1 (Phòng số 3 - Lầu 1, Sở Nội vụ TPHCM).

Ủy ban bầu cử yêu cầu người ứng cử thực hiện việc kê khai các nội dung đầy đủ, chính xác theo hướng dẫn trong các mẫu văn bản sử dụng thuộc hồ sơ ứng cử ban hành kèm theo Nghị quyết số 41/NQ - HĐBCQG ngày 18/1/2021 của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Việc kê khai có thể thực hiện bằng cách viết tay hoặc đánh máy nhưng phải bảo đảm đúng theo các mẫu văn bản thuộc hồ sơ ứng cử do Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành. Người ứng cử ký vào từng trang văn bản của hồ sơ ứng cử.

Các mẫu văn bản trong hồ sơ ứng cử có thể tải về từ Trang thông tin điện tử của Hội đồng bầu cử quốc gia http://hoidongbaucuquochoi.vn hoặc Cổng thông tin điện tử của Sở Nội vụ http://www.Sonoivu.hochiminhcity.gov.vn.

Trước đó, hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã thống nhất giới thiệu 45 đại biểu ứng cử ĐBQH; 106 đại biểu ứng cử đại biểu HĐND TPHCM nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó có 2 ĐBQH và 10 đại biểu HĐND TPHCM tự ứng cử.

Theo kế hoạch, TPHCM sẽ bầu 30 ĐBQH, trong đó 15 đại biểu do trung ương giới thiệu. Các đại biểu đã thống nhất TPHCM sẽ giới thiệu 45 đại biểu.

TPHCM dự kiến cơ cấu giới thiệu 2 đại biểu là lãnh đạo chủ chốt của thành phố, 2 đại biểu chuyên trách, 10 đại biểu MTTQ, tổ chức chính trị-xã hội, 4 đại biểu lực lượng vũ trang, 2 đại biểu cơ quan tư pháp, 8 đại biểu lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục-đào tạo, y tế, 7 đại biểu viện nghiên cứu, đại học, học viện, 6 đại biểu doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, 2 đại biểu tôn giáo, 2 đại biểu tự ứng cử.

Như vậy, sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, sẽ có 60 người được giới thiệu ứng cử ĐBQH tại TPHCM. Dự kiến, sau 3 lần hiệp thương, số lượng này giảm xuống còn 50 người để phân bổ và tiến hành bầu tại 10 tổ bầu cử trên địa bàn TPHCM.

Về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND TPHCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026; theo kế hoạch, cử tri TPHCM sẽ tiến hành bầu 95 đại biểu HĐND TPHCM khóa X, giảm 10 đại biểu so với nhiệm kỳ IX.

Tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, các đại biểu đã thống nhất số lượng đại biểu của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở thành phố được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND TPHCM khóa X là 160 đại biểu. Sau các vòng hiệp thương, số lượng đại biểu còn lại là 159 để tiến hành bầu tại 32 tổ bầu cử.

TPHCM giới thiệu bao nhiêu nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội? ảnh 1 Hội nghị hiệp thương lần 1 thống nhất có 2 đại biểu Quốc hội 10 đại biểu HĐND TP tự ứng cử  

Cụ thể, trong 160 đại biểu, có 6 đại biểu đại diện khối Thành ủy; 19 đại biểu chuyên trách HĐND TPHCM; 18 đại biểu thuộc cơ quan quản lý Nhà nước TPHCM; 9 đại biểu thuộc MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội TPHCM.

Ngoài ra, Lực lượng vũ trang có 6 đại biểu; cơ quan tư pháp: 4 đại biểu; TP Thủ Đức và các quận, huyện: 45 đại biểu; đơn vị sự nghiệp: 13 đại biểu; trí thức - văn nghệ sĩ: 6 đại biểu; cơ quan báo chí: 5 đại biểu; doanh nghiệp: 12 đại biểu; đại biểu Tôn giáo: 7 đại biểu; đại biểu tự ứng cử: 10 đại biểu.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử TPHCM Tô Thị Bích Châu, việc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND nhiệm kỳ mới được thực hiện theo Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015, trong đó MTTQ Việt Nam có quyền và trách nhiệm tham gia cuộc bầu cử, hiệp thương giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn ra ứng cử, đảm bảo về số lượng, cơ cấu, thành phần, đặc biệt là tiêu biểu về uy tín, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, trung thành với Tổ quốc nhằm đại diện cho nhân dân.

“Công tác hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử phải bảo đảm thực sự dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, đúng tiến độ về thời gian cho từng công việc, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân” – bà Tô Thị Bích Châu cho hay.

MỚI - NÓNG