Không để “cát tặc” tiếp tục hoành hành

Cát tặc hoành hành trên sông Hồng địa bàn huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Ảnh: Minh Đức.
Cát tặc hoành hành trên sông Hồng địa bàn huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Ảnh: Minh Đức.
TP - Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kiểm điểm, phòng chống khai thác cát, sỏi trái phép trên sông và cửa biển chiều 27/10, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm, không để “cát tặc” hoành hành tại địa bàn. Nơi nào có tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm.

Địa phương bao biện

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho rằng, tình trạng “cát tặc” là nghiêm trọng và không có chuyện chính quyền địa phương không biết. “Các địa phương nói khó xử lý chỉ là bao biện. Tàu khai thác cát to như thế thì chạy làm sao được, tàu to như thế sao gọi là vi phạm tinh vi”, ông Pha nói.

Trước đó, phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đều kêu khó khăn trong quản lý và xử lý tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh thừa nhận công tác này vẫn còn không ít hạn chế, khuyết điểm, nhất là vùng giáp ranh với tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Phúc. Đặc biệt các địa phương lân cận đã cấp phép khai thác chồng lấn tới 10,3 ha sang địa bàn Hà Nội.  Chính điều này đã gây khó khăn cho việc xử lý vi phạm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đình Cúc cho biết, tình trạng doanh nghiệp lợi dụng địa bàn giáp ranh để đưa máy vào khai thác. Đặc biệt, đã xuất hiện ổ nhóm bảo kê, đánh nhau tranh giành địa bàn khai thác. Tỉnh đã cương quyết xử lý và tước giấy phép của 26 doanh nghiệp vi phạm. “Một số doanh nghiệp lợi dụng hoạt động nạo vét lòng sông để khai thác. Điều này được phép của ngành GTVT theo hướng xã hội hóa nạo vét”, ông Cúc cho biết. 

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu cho biết, cả nước có hơn 500 giấy phép bến bãi, kinh doanh, tập kết, trung chuyển cát do cơ quan chức năng cấp. Tuy nhiên, có hàng trăm bến bãi khác hoạt động không phép, nằm sát đê ảnh hưởng đến dòng chảy và an toàn đê điều trong mùa lũ.

Theo ông Hiếu, hiện nay tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát trên sông và cửa biển rất phức tạp, chưa được xử lý triệt để, nhất là tại các địa bàn giáp ranh chưa được xác định địa giới hành chính trên sông, hoặc xác định chưa rõ ràng giữa các địa phương.

Có hiện tượng bảo kê “cát tặc”

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ  Nguyễn Xuân Phúc nhận định, tình trạng khai thác cát sỏi lậu rất lớn. Các đối tượng dùng nhiều phương thức, thủ đoạn, thậm chí cả xã hội đen thách thức lực lượng chức năng. Một số nơi buông lỏng quản lý. 

Việc khai thác cát ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt người dân, gây rối loạn trật tự xã hội, do đó “cát tặc” là một loại tội phạm cần phải xử lý. Nguyên nhân do sự phối hợp giữa các Bộ, ngành còn thiếu chặt chẽ. Chính quyền cơ sở, công an địa phương chưa quyết liệt, có nơi có hiện tượng bảo kê.

“Xử lý nghiêm cán bộ vi phạm bảo kê, tiếp tay cho hành vi khai thác trái phép”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị địa phương tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra các điểm khai thác cát sỏi vi phạm pháp luật, có biểu hiện chống đối. Nắm chắc tình hình, điều tra xử lý nghiêm các băng nhóm hoạt động khai thác kinh doanh vận chuyển khai thác. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu, bảo kê, tàng trữ vũ khí, công cụ hỗ trợ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ GTVT tạm dừng việc cấp giấy phép mới đối với hoạt động nạo vét luồng tuyến để rà soát, không để bị lợi dụng.   

“Làm rõ nơi nào ở địa phương có tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, người đứng đầu địa phương là  Bí thư, Chủ tịch, Trưởng công an phải chịu trách nhiệm”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Lập đường dây nóng để nhân dân phản ánh

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, muốn xử lý được tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, cần lập kênh thông tin nóng để người dân có thể thông báo với các cấp, từ xã, huyện, tỉnh đến Trung ương. Hiện tại có địa bàn nhiều năm khai thác trái phép nhưng không ai thông tin và xử lý. Ngoài ra, rõ ràng có sự lợi dụng được phép nạo vét bến thuỷ nội địa để phá huỷ bờ, lòng sông, tác động lớn đến ổn định dòng chảy. “Chúng tôi đề nghị dừng cấp mới giấy phép nạo vét lòng sông. Kiểm tra, đánh giá lại các điểm khai thác, lấy ý kiến các địa phương, để báo cáo với Chính phủ”, ông Hải nói.  

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.