Ban đầu vở diễn mang tên Chuyện nàng Kiều, sau nhà hát quyết định đổi tên Kiều. Vở diễn do đạo diễn, NSND Anh Tú dàn dựng. Năm ngoái anh từng làm ra một phiên bản Hamlet có dấu ấn cá nhân khi lôi phần tối tăm nhất của con người ra ánh sáng. Vẫn góc nhìn này, Anh Tú chọn khai thác lát cắt về vẻ đẹp trong Truyện Kiều, đậm nét nhất chính là vẻ đẹp của thiện lương cả ở tuyến chính diện lẫn phút lóe sáng hiếm hoi ở những kẻ xấu xa nhất.
Vẻ đẹp của Kiều dù ai cũng biết nhưng đạo diễn vẫn phải mượn lời nhắc lại “Làn thu thủy, nét xuân sơn/Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Quan trọng hơn nhan sắc của nàng, đạo diễn khai thác vẻ đẹp của đức hi sinh khi “Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha”, ở sự phản kháng quyết liệt khi rơi vào tay Tú Bà khi bị bán vào lầu xanh. Những người đàn ông từng đến với nàng phần vì hám sắc mê tài, phần nữa cũng vì tấm lòng đáng quý của Kiều. Đạo diễn cũng để Từ Hải thốt lên rằng không lấy “thanh lâu hai lượt thanh y hai lần” của nàng làm điều.
Đạo diễn từng nhắc đến sự cố gắng “moi được chút thiện lương nào hay chừng ấy” khi dựng Kiều. Điều này thể hiện khá rõ trong suốt vở diễn, ở những phút day dứt khi Tú Bà đối thoại Mã Kiều, tiếng nói yếu ớt muốn ngăn chặn hành động vu vạ của vợ lão bán tơ. Dù vậy những chút lóe sáng này giống như đốm lửa từ que diêm vụt lên trong đêm tối, khó có thể vượt qua sự ác tâm.
So với thử nghiệm Nguyễn Du với Kiều (kịch hình thể của NSND Lan Hương), kết hợp opera với Kiều trong thể nghiệm của nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo, Kiều của Nhà hát Kịch Việt Nam dễ tiếp nhận hơn, có cái mới mẻ để khám phá. Sân khấu đơn giản, không bục bệ là một trong số đổi mới khá hiệu quả. Đạo diễn chú trọng tới đạo cụ đa dụng, linh hoạt chẳng hạn như chiếc giá trống di động có lúc được dùng làm ghế, khi làm xe ngựa. Hoa sen được khai thác triệt để trên phông nền chính, trên tấm màn rủ ở đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích, hoặc trong các điệu múa khiến vở diễn gần gũi hơn, không mang màu sắc “rằng năm Gia Tĩnh triều Minh”.
Nhiều vở diễn gần đây của Nhà hát Kịch đi theo hướng nâng đỡ diễn viên trẻ, như Tạ Tuấn Minh, Khuất Quỳnh Hoa (Hamlet), lần này diễn viên trẻ Diễm Hương có cơ hội làm mới và thử thách mình khi được giao vai Kiều. Ấn tượng Diễm Hương chỉ hợp vai đanh đá không còn, cô hóa thân thành nàng Kiều cuộc đời đầy đau thương, và phần nào thể hiện nhiều yếu tố của con người Kiều như sự cả tin, mạnh mẽ dám đấu tranh và cũng có lúc lóa mắt trước bạc vàng như thường. Tạ Tuấn Minh rũ bỏ hình ảnh Hamlet để vào vai Từ Hải đội trời đạp đất và cũng nặng tình với Kiều. Sự kết hợp này khiến khán giả tin trước mắt họ là trai anh hùng, gái thuyền quyên “phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng”.
Dù có những góc khai thác mới, thử nghiệm đưa âm nhạc vào Kiều không hẳn thuyết phục khán giả. Nhạc sỹ Giáng Son được mời để làm ca khúc- có khi lời mới hiện đại, có khi dựa trên những câu Kiều kinh điển. Khán giả được nghe Kiều qua đối thoại, qua ca khúc và cả những khúc lẩy Kiều. Hạn chế lớn nhất nằm ở khả năng ca hát của nhiều diễn viên, điển hình là Diễm Hương, thành ra những đoạn cô cất lời không thực sự tạo ép phê. Với tham vọng dựng nhiều nhạc kịch hơn cho Nhà hát Kịch Việt Nam, có lẽ Anh Tú phải đối mặt thách thức cải thiện kỹ năng thanh nhạc của phần lớn diễn viên. Còn một chi tiết nho nhỏ khiến khán giả khó tính có thể không đồng tình: Hai câu “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường” vốn là tâm trạng của Kiều khi chia tay chàng Thúc, lại được gán cho tâm trạng Hoạn Thư.
Tác giả Nguyễn Hiếu chịu trách nhiệm chuyển thể kịch bản văn học từ Truyện Kiều. Dàn nghệ sỹ tham gia: Quỳnh Hoa, Việt Thắng, Thùy Hương, Lan Hương, Phú Đôn, Hồ Liên, Thúy Phương, Mai Nguyên, Phương Nga, Xuân Bắc. Sau nhiều buổi diễn chiêu đãi, nhà hát chính thức bán vé Kiều suất diễn tối 19/11 tại Nhà hát Kịch Việt Nam.