Dựng Kiều, rằng hay thì thật là hay

Diễm Hương và Tạ Minh vai Thúy Kiều và Từ Hải. Ảnh: Thúy Kim.
Diễm Hương và Tạ Minh vai Thúy Kiều và Từ Hải. Ảnh: Thúy Kim.
TP - Mươi ngày nữa Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn vở Chuyện nàng Kiều chuyển thể từ Truyện Kiều của Nguyễn Du, nhưng vở diễn được thổi luồng gió thử nghiệm khi kết hợp kịch, ca, hình thể.

Từng có Kiều phiên bản cải lương, kịch hình thể Nguyễn Du với Kiều hay thử nghiệm kết hợp Kiều với opera do nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo thực hiện, Chuyện nàng Kiều của Nhà hát kịch Việt Nam kết hợp của nhiều yếu tố. Phần chuyển thể do nhà văn Nguyễn Hiếu đảm nhận, đạo diễn NSND Anh Tú mời nhạc sỹ Giáng Son viết ca khúc và nhạc. Sự kết hợp của hai người khá hanh thông với vở Hamlet, hy vọng âm nhạc của Giáng Son mang lại hơi thở mới mẻ và thú vị trong vở diễn này.

Đạo diễn thừa nhận áp lực không nhỏ khi chuyển thể một tác phẩm lớn, kinh điển và bắt rễ vào đời sống như Truyện Kiều. Tối 26/10, ê kíp giới thiệu với báo giới ba trích đoạn ngắn, ít nhiều bộc lộ cách đạo diễn xử lý khối lượng ngôn từ khổng lồ để đưa lên sàn diễn. Sân khấu tối giản không bục bệ, trang trí sân khấu lấy hoa sen làm điểm nhấn và phù hợp với từng tình huống hàm ý như cuộc đời con người từ lúc hé mở, sung mãn, cao trào và cả khi héo tàn. Những câu Kiều đắt và ăn vào tâm trí người Việt bao đời nay khi thành lời thoại, lúc được ngâm ngợi và khi khác lại thành ca từ của các bài hát.

Chuyện nàng Kiều chỉ dừng lại ở khúc nàng trầm mình xuống sông Tiền Đường, khúc tái hồi Kim Trọng không được nhắc tới vì thời gian không cho phép. Bối cảnh câu chuyện rõ ràng “Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh” nên dù có muốn thuần Việt đến đâu đạo diễn cũng nhất mực “không đưa nón thúng quai thao, áo tứ thân lên sân khấu”. Tuy nhiên anh cũng khẳng định, nhất định không Tàu hóa, yêu cầu họa sỹ tiết chế màu đỏ kể cả trong cảnh cưới hỏi. Ngoài hình ảnh hoa sen sử dụng nhiều trong trang trí phông, họa tiết trang phục, đạo diễn đưa múa bài bông lên sân khấu, mời nghệ sỹ trống chèo tập huấn cho diễn viên.

Khó chuyển tải hết tư tưởng và giá trị bao trùm toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Du, kể cả thuyết tài-mệnh nổi bật của tác phẩm, đạo diễn Anh Tú nhấn vào giá trị hiện thực phơi bày xã hội phong kiến bất công, bài ca ca ngợi cái đẹp và tính dự báo. “Chắc chắn tôi phải trung thành với nguyên tác, nhưng tôi tập trung vào ba điểm lớn. Trong đó tôi rất thích tính dự báo của tác phẩm. Nguyễn Du chỉ ra khi quyền lực và đồng tiền bẩn lên ngôi sẽ khiến nhiều giá trị bị đảo lộn. Tôi cho rằng, điều này đến nay vẫn có tính thời đại.

Chuyện nàng Kiều cũng ca ngợi cái đẹp rất nhiều, không chỉ tả rặng liễu, cây cầu đẹp mà chủ yếu là vẻ đẹp thiện lương trong tâm hồn của con người. Tôi cũng cố gắng moi những chút thiện lương dù ít ỏi cả ở những con người xấu, ác như Tú Bà, Hoạn Thư. Họ cũng có những phút rất thiện lương nhưng cuối cùng không thắng nổi cái ác”, Anh Tú nói.

Chuyển thể Kiều rất hay nhưng rất khó, đạo diễn Anh Tú thấm thía điều đó. Cái khó đầu tiên anh phải đối mặt là diễn viên. Diễn viên trẻ Diễm Hương vào vai Thúy Kiều, Khuất Quỳnh Hoa vai Thúy Vân, Từ Hải - Tạ Tuấn Minh, cùng dàn diễn viên hùng hậu cả quen mặt lẫn trẻ trung hơn. Cánh phóng viên vừa thấy Diễm Hương trên sân khấu liền soi ngay, có cảm giác không đủ xinh đẹp để trở thành Kiều.

 “Bây giờ lấy đâu ra người đẹp như Nguyễn Du tả Làn thu thủy nét xuân sơn/Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh. Nếu có người đẹp như thế họ không chọn nghề diễn viên khổ sở này”, đạo diễn bênh. Anh cho rằng, ngoài vẻ đẹp bề ngoài, diễn viên phải lột tả được vẻ đẹp tâm hồn và khiến khán giả tin đó là Thúy Kiều.

Diễm Hương thường vào các vai đào lệch, đanh đá nên tự cô cũng cảm thấy thiếu tự tin bởi Kiều phải đẹp sắc sảo mặn mà còn mình thì “mặt quắt và hơi ác”. Tú Bà, Mã Giám Sinh hay Sở Khanh chẳng hạn rất dễ để gây ấn tượng, nhưng nhân vật Thúy Kiều khó hơn, phải diễn tả được tâm lý nhân vật qua nhiều cung bậc, thăng trầm xuyên suốt vở kịch.

Đạo diễn xây dựng một Thúy Kiều cá tính, mạnh mẽ hơn khiến diễn viên chính thấy may mắn. “Nếu Kiều chỉ đơn giản, dịu dàng tôi sợ không diễn nổi”, Diễm Hương nói. Cô tự trào mình là “kẻ thù của văn thơ” bởi thoại đọc qua là thuộc nhưng động đến thơ, Truyện Kiều là chật vật ngay vì quá nhiều từ cổ, lắm điển tích điển cố. Lúc tập cố gắng nhớ hết thoại và thơ, chỉ sợ lúc diễn thật hồi hộp quá lại quên mất- cô lo lắng.

Chuyện nàng Kiều dự kiến diễn chiêu đãi từ 5/11, quy tụ dàn nghệ sỹ hùng hậu: Việt Thắng, Thùy Hương, Lưu Hoàng, Tô Dũng, Dũng Nam, Phú Đôn, Lan Hương, Hồ Liên, Thúy Phương, Mai Nguyên, Minh Hiếu, Phương Nga, Đình Chiến và Xuân Bắc (Hồ Tôn Hiến).

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.