Không bao giờ từ bỏ giấc mơ, và chuyện của Phạm Văn Phong, từ anh phu hồ đến thủ môn đội tuyển

TPO - Chiến thắng chỉ dành cho người có giấc mơ và không bao giờ bỏ cuộc. Rất nhiều lần bị số phận thử thách, thậm chí có thời điểm gần như sự nghiệp bóng đá khép lại, nhưng thủ môn Phạm Văn Phong vẫn không chùn bước, kiên trì theo đuổi buộc số phận phải cúi đầu trước anh.   

“Tôi rất vui, vì những nỗ lực của bản thân đã được ghi nhận”, Phạm Văn Phong nói với báo Tiền Phong khi được hỏi về cảm xúc trong ngày lên tuyển.

Thành thực mà nói, tôi mong đợi một cái gì đó bùng nổ hơn, bởi biết rằng giấc mơ lớn nhất của Phong là “khoác lên mình chiến áo ĐTQG, sau đó ra sân ở một trận đấu chính thức”. Nhưng cũng ngay lập tức, tôi hiểu anh đang cố kìm nén cảm xúc. Sau quá nhiều thăng trầm trong sự nghiệp, thủ môn 30 tuổi biết rõ từ “lên tuyển” đến “ra sân bắt chính” là một hành trình dài.

Trước khi được HLV Philippe Troussier triệu tập cho dịp FIFA Days tháng 9/2023, Văn Phong từng được gọi hồi tháng 8/2020 bởi HLV Park Hang-seo nhưng đội tuyển lại hoãn tập trung vì Covid-19. Tháng 5/2021 cơ hội lại đến với anh, và cũng sớm khép lại khi không thể lọt vào danh sách cuối cùng.

Không bao giờ từ bỏ giấc mơ, và chuyện của Phạm Văn Phong, từ anh phu hồ đến thủ môn đội tuyển ảnh 1

Phạm Văn Phong là thủ môn nhận ít bàn thua nhất (17) và giữ sạch lưới nhiều nhất (11) ở V-League 2023.

Bây giờ, một lần nữa Phong có mặt trên tuyển, một sự tưởng thưởng cho mùa giải V-League 2023 xuất sắc cùng Viettel FC. Giúp đội bóng áo lính cán đích ở vị trí thứ ba, người gác đền 30 tuổi chỉ nhận 17 bàn thua sau 19 lần bắt chính, đồng thời giữ sạch lưới 11 trận, tạo ra những thông số tốt hơn mọi đồng nghiệp khác.

“Lần thứ hai lên tuyển chắc đỡ rụt rè hơn. Mùa giải tốt cùng Viettel FC cũng khiến em tự tin hơn. Em sẽ cố gắng tích lũy kinh nghiệm, học hỏi và tập luyện với hơn 100% khả năng”, Phong nói với một bên mắt bị bầm vì bóng va phải trong buổi tập. Ngay cả khi mùa giải kết thúc, anh vẫn tập luyện miệt mài nhằm giữ phong độ và sẵn sàng cho ngày lên tuyển.

Những tháng năm nhọc nhằn và rất nhiều lần chịu sự thử thách của số phận khiến thủ môn người Thái Bình rút ra một điều, “phải nỗ lực, nỗ lực không ngừng để tự tạo cơ hội và đánh bại nghịch cảnh”.

Thời thơ ấu, khi đạp lên mặt sân lổn nhổn đá sỏi, cùng chúng bạn chơi bóng với tất cả đam mê, Phong không dám nghĩ sẽ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp một ngày nào đó. Ngày đó Phong cũng đá hậu vệ, cho đến khi “bị ép” đứng trong khung gỗ để tận dụng chiều cao hơn người. Sao cũng được, miễn là có mặt trên sân. Rồi Phong cũng dần thích vai trò mới.

Theo cách nói của người gác đền Ba Lan Artur Boruc, thủ môn như kiểu gã chế tạo bom. Chỉ cần một sai lầm, bùm, mọi thứ bị thổi bay. Nhưng áp lực lớn mang đến động lực lớn. Phong thích, bởi nó chỉ khiến anh mạnh mẽ hơn. Và dần dần, trở thành một thủ môn tốt hơn. Đến một ngày, nhiều người nhận ra điều đó.

Không bao giờ từ bỏ giấc mơ, và chuyện của Phạm Văn Phong, từ anh phu hồ đến thủ môn đội tuyển ảnh 2

Một trong những yếu tố khiến Văn Phong đối phó tốt với áp lực, chính là nụ cười thường trực, một tâm lý thoải mái để sẵn sàng cho mọi khả năng.

Năm lớp 10 (2008), Phong thi đấu cho trường cấp ba Trần Hưng Đạo, nhất huyện rồi tham gia giải tỉnh, đồng thời được tập luyện cùng đội năng khiếu tỉnh Thái Bình. “Nhận thấy em có tố chất, bác Cường, người khi ấy đang làm trẻ Hòa Phát, có nói chuyện với bố mẹ, đề đạt vấn đề tập luyện ở đội trẻ của CLB”, Phong nhớ lại.

Còn phải nói Phong vui mừng đến thế nào. Khi càng đam mê, ước mơ cũng ngày càng lớn. Anh mơ được chơi cho một CLB chuyên nghiệp, và khi cơ hội đến, phải ngay lập tức nắm bắt. Trong khi mẹ Phong không muốn xa con, bố lại ủng hộ nhiệt tình. Vậy là hai bố con chằng buộc ba lô lên xe máy, đi hơn trăm cây số từ Đông Hưng lên trung tâm tập luyện của trẻ Hòa Phát ở Từ Sơn, khởi đầu hành trình đầy gập ghềnh ít ai có thể hình dung.

Chưa bao giờ xa nhà, tất cả đều quá mới mẻ với Phong. Việc tập luyện cũng gian khổ hơn nhiều so với thời đá giải trường, giải huyện. Chưa kể Phong bắt đầu muộn hơn so với chúng bạn. Trong khi hầu hết các cầu thủ ở đội trẻ đều ăn tập từ bé, Phong nhập đội năm 16 tuổi. Biết hạn chế của mình, anh cố bù đắp sự thiếu hụt đó bằng việc tập luyện và cải thiện bản thân.

Theo cái cách của một thủ môn bỏ qua mọi thứ và chỉ dõi theo trái bóng, không gì có thể làm Phong xao nhãng. Ở độ tuổi mà bạn bè cùng trang lứa bắt đầu khám phá và tìm hiểu mọi thứ, anh giới hạn mình trong trung tâm. Cuộc sống của Phong chỉ là ăn, ngủ và tập. Trái bóng là cả thế giới với anh.

Không bao giờ từ bỏ giấc mơ, và chuyện của Phạm Văn Phong, từ anh phu hồ đến thủ môn đội tuyển ảnh 3

Con đường bóng đá của Văn Phong đầy những gập ghềnh, nhưng sự kiên trì của anh khiến tất cả đi đúng hướng, trước khi tạo dựng thành quả.

Có một kỷ niệm Phong nhớ mãi. Vì trục trặc hồ sơ, trong một ngày bố Phong phải đi lại giữa Từ Sơn - Thái Bình tới ba lần mới xong. Nghĩ tới cái bóng gày gò, tấm lưng đẫm mồ hôi của bố ngày hôm ấy và tự nhủ, những gì mình đang trải qua chưa là gì so với sự nhọc nhằn của bố. Anh phải tiếp tục để bố tự hào.

Bốn năm qua nhanh, cậu nhóc 16 tuổi đã trở thành thanh niên 20 cường tráng và đầy tự tin. Phong nghĩ rằng thời điểm của mình đã đến. Hòa Phát sáp nhập với Hà Nội ACB dẫn đến sự ra đời của CLB Bóng đá Hà Nội và CLB Bóng đá trẻ Hà Nội. Có hai đội chơi ở hai hạng, cơ hội cho những cầu thủ trẻ như Văn Phong rất lớn.

Lúc ấy Phong cùng nhiều đồng đội tham dự giải U21 Quốc gia 2012 với quyết tâm chơi thật tốt, qua đó tăng cơ hội lên đội một. Vậy mà thứ họ nhận lại là tin sét đánh: cả hai đội đều giải thể. “Đúng vào lúc hy vọng nhất thì xảy ra chuyện, cảm giác bị hẫng, buồn không gì tả nổi”, Phong nói.

Không bao giờ từ bỏ giấc mơ, và chuyện của Phạm Văn Phong, từ anh phu hồ đến thủ môn đội tuyển ảnh 4

Ít người biết rằng sự nghiệp bóng đá của Văn Phong suýt chút nữa khép lại, khi anh làm đủ mọi nghề để mưu sinh.

Rồi trong lúc chờ giấy thanh lý, như nhiều anh em khác trong đội, Phong về lại quê. Chưa bao giờ lên kế hoạch cho một cuộc sống không bóng đá, nhưng anh phải chấp nhận thực tế và không nề hà bất cứ công việc nào, miễn là ra tiền để phụ giúp bố mẹ.

Thay vì ra sân tập luyện như trước, Phong ra đồng như một nông dân thực thụ. Anh chỉ gác lại việc đó nếu được cậu gọi đi phụ hồ, khuân vác leo trèo bất kể nắng mưa. Công trình giờ thành sân bóng của Phong. Và chàng thủ môn này như “tiền vệ con thoi”, có mặt ở mọi điểm nóng, khi thì trộn hồ, lúc lại xách vữa, khuân gạch, khiêng tôn…

“Cầu thủ cũng chỉ là một nghề, khi nghề chưa chọn mình thì mình buộc phải làm nghề khác”, Phong chia sẻ, “Về lại quê hương bản quán, em không có gì phải xấu hổ với công việc chân tay. Bố mẹ mình đã và đang làm những việc đó để nuôi mình lớn lên, vậy có gì mà mình không làm được”.

May cho bóng đá Việt, vẫn có một thủ môn Văn Phong. Vào ngày nọ, HLV Trần Bình Sự, người từng dẫn Hòa Phát nay là HLV Đồng Nai, đã gọi cho Phong. Khổ nỗi giấy thanh lý vẫn chưa có. Đội bóng mới cần giấy thanh lý để ký, trong khi đội bóng cũ lại nói có đội gọi mới đưa. Trong nỗi thất vọng, Phong rất cảm kích với sự nhẫn nại của bác Sự, người nói rằng “cháu cứ vào, mọi chuyện để bác lo”.

Không bao giờ từ bỏ giấc mơ, và chuyện của Phạm Văn Phong, từ anh phu hồ đến thủ môn đội tuyển ảnh 5

Để tạo dựng sự nghiệp, Văn Phong cũng mất một thời gian dài học hỏi và kiên nhẫn chờ đợi thời cơ từ ghế dự bị.

Chỉ cần câu nói của HLV Trần Bình Sự, Phong lập tức bắt xe vào Đồng Nai. Sau vài ngày giấy thanh lý đã có và anh được gọi lên ký hợp đồng. Sự nghiệp bóng đá tưởng như đã khép nay lại mở ra.

Phong quyết không để giấc mơ tuột khỏi tay, lao vào tập luyện bằng tất cả đam mê và nhiệt huyết. Trong hai năm đầu Đồng Nai chơi ở V-League, Phong chỉ đóng vai trò dự bị. Nhưng không vấn đề gì, thủ môn người Thái Bình vẫn thể hiện tốt trên sân tập, lúc nào cũng ở trong trạng thái sẵn sàng nếu cơ hội tới.

Cuối cùng thì sự kiên trì của Phong cũng được đền đáp. Khi Đồng Nai xuống Hạng Nhất, anh được tin tưởng bắt chính. Phong cho biết “dù lần đầu bắt chính ở một trận chuyên nghiệp nhưng em không hồi hộp hay lo lắng quá nhiều”. Đó là thành quả của quá trình chuẩn bị dài và nghiêm túc trước đó. Không chỉ khởi đầu suôn sẻ, Phong còn chơi với phong độ cao suốt cả mùa giải, để rồi được chọn là Cầu thủ hay nhất của CLB Đồng Nai tại giải Hạng Nhất 2016.

Không bao giờ từ bỏ giấc mơ, và chuyện của Phạm Văn Phong, từ anh phu hồ đến thủ môn đội tuyển ảnh 6

Quá trình dài tập luyện và chuẩn bị nghiêm túc giúp Văn Phong có thể tỏa sáng ngày khi được trao cơ hội.

Phần thưởng cho Phong chính là lời đề nghị đến từ Sài Gòn FC. Tới một CLB V-League đương nhiên kèm theo thử thách, nhưng anh chấp nhận. Ngay cả việc trở lại băng ghế dự bị một lần nữa, Phong cũng không coi đó là bước lùi. Anh tiếp tục học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và khắc phục những điểm yếu, đồng thời chắt chiu mỗi khi được HLV tin tưởng.

Kết quả không được tạo ra bởi sức mạnh, mà bằng sự ngoan cường. Từ thủ môn số hai, Văn Phong dần chiếm được niềm tin nơi khung gỗ, trở thành chốt chặn đáng tin cậy của Sài Gòn FC trong nhiều năm. Những tiếng hô “Văn Phong, Văn Phong” trên khán đài là sự xác tín cho tài năng của thủ thành chưa bao giờ lùi bước, luôn tìm cách vươn lên trong gian khó.

“Sau những năm tháng đã trải qua, nếu có một lời khuyên dành cho các bạn trẻ, thì đó là đừng bao giờ bỏ cuộc. Những khó khăn chỉ khiến mình mạnh mẽ hơn. Hãy đặt cho mình các mục tiêu và kiên trì theo đuổi, thành công sẽ đến”, Phong nói. Luôn chiến đấu và theo đuổi những điều tốt đẹp, cuối cùng số phận cũng phải đầu hàng trước người kiên trì. Không chỉ tạo dựng danh tiếng ở V-League, Phong còn trở thành một phần của Viettel FC, đội bóng cạnh tranh ngôi vô địch.

Không bao giờ từ bỏ giấc mơ, và chuyện của Phạm Văn Phong, từ anh phu hồ đến thủ môn đội tuyển ảnh 7
"Đừng bao giờ bỏ cuộc. Những khó khăn chỉ khiến mình mạnh mẽ hơn", Phong chia sẻ.

“6 năm ở Sài Gòn FC mang lại cho em rất nhiều thứ, từ sân cỏ đến cuộc sống và những kỷ niệm đẹp”, Phong tâm sự, “Nhưng sau nhiều năm xa gia đình, em muốn được gần gũi hơn, chăm lo cho bố mẹ nhiều hơn. Viettel FC mang lại cho em điều đó. Hơn nữa, đây lại là môi trường hoàn hảo, một đội bóng lớn, thi đấu vì những mục tiêu lớn. Đó chắc chắn là một trải nghiệm rất khác, đồng thời thúc đẩy bản thân”.

"Mọi thủ môn đều có thể mắc sai lầm. Điều quan trọng là đừng để lặp đi lặp lại. Mình phải rút ra được bài học từ sai lầm và khắc phục nó. Em nhớ trận Viettel gặp Bình Dương (ngày 25/6), bàn thua xuất phát do lỗi của em. Ngay trận sau có một tình huống tương tự và pha tiếp đất tự do khiến em rất đau. Nhưng dù đau cỡ nào em cũng nhất quyết không buông trái bóng, qua đó giúp đội nhà giành chiến thắng”, Phạm Văn Phong.

Với Viettel FC, Văn Phong cũng học được tư duy không bao giờ hài lòng với những gì đã có. Mùa giải kết thúc với những tiếc nuối, cả ở V-League cũng như Cúp Quốc gia, và tất cả tạo thành bài học, động lực để anh cùng đồng đội trở lại tốt hơn ở mùa giải mới.

Bóng đá là nỗ lực không ngừng. Phong hiểu điều này hơn ai khác. Dù bất cứ điều gì xảy ra, Văn Phong của quá khứ và hiện tại vẫn không thay đổi, luôn cố gắng mỗi ngày, tập trung tối đa và chơi hết sức. Là một thủ môn, mọi lúc anh đều ở tư thế sẵn sàng.

Tin liên quan